05/07/2010 | 15:52:00

Lưu Thượng đi lên nhờ… cỏ tế

Các sản phẩm từ cỏ tế mang lại giá trị kinh tế cao. (Nguồn: Internet)

Cỏ vốn được coi là một cây hoang dại, mọc lên lấn át, phá hoại mọi loại cây trồng có ích khác. Nhưng có một loại cỏ mà vai trò, giá trị kinh tế của nó không thể nào phủ nhận được, đó là loại cỏ tế.

Và cũng có một làng nghề của đất Thăng Long xưa cũng nổi tiếng nhờ loại cỏ tế này, đó là làng Lưu Thương, thuộc xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội.

Lưu Thượng vốn là một làng nghề cổ có lịch sử hơn 400 năm. Tương truyền rằng, những năm đầu thế kỷ 17, làng có tên là Gầu Tế, dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại. Có người đàn bà họ Nguyễn đến an cư lập nghiệp đã phát hiện loại cỏ tế có thể đan lát thành đồ dùng và đánh bắt cua cá nên đã đem cây cỏ tế về Lưu Thượng để dạy cho người dân nơi đây.

Dân làng đã học theo và rồi đời này truyền cho đời khác, để đến hôm nay, người Lưu Thượng vẫn tự hào vì có những sản phẩm “made in Vietnam” do chính tay mình sản xuất. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng Lưu Thượng đã tôn bà làm tổ nghề với cái tên là Nguyễn Thảo Lâm và thờ phụng bà tại đình làng để quanh năm hương khói.

Mặc dầu cây cỏ tế xuất hiện sớm tại Lưu Thượng nhưng ban đầu nó chỉ là nguyên liệu để làm các đồ gia dụng, mỹ nghệ đơn giản. Người Lưu Thượng cũng chủ yếu làm nghề chẻ cỏ tế để bán tại địa phương và một số huyện, tỉnh lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ, rá, giỏ đựng cua, cá.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cỏ tế đã dần khẳng định được vị thế của mình, trở thành nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của một nghề truyền thống mà đem lại hiệu quả kinh tế cao: Nghề đan cỏ tế.

Từ một loại cây mọc hoang dại trên rừng, bằng bàn tay tài hoa và khéo léo của người dân nơi đây đã trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chinh phục được bao khách hàng trong nước và quốc tế. Những sản phẩm như lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm, con giống… thực sự đã làm bao du khách phải ngỡ ngàng. Có một cái gì đó thật bình dị, dân dã mà vẫn rất hiện đại toát lên từ chính những cây cỏ hoang dại ấy.

Cũng như bát kỳ một làng nghề cổ nào ở Việt Nam, sự phát triển của Lưu Thượng cũng giống như một bản nhạc có đủ nốt thăng, nốt trầm. Nghề đan cỏ tế chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng từ năm 1990 trở lại đây, khi thị trường Việt Nam được mở cửa và nhiều doanh nghiệp, khách nước ngoài biết đến các sản phẩm của làng nghề Lưu Thượng. Và từ đó, nghề đan cỏ tế đã lan rộng ra cả xã, khiến cho Phú Túc có cơ hội phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, đúng như cái tên gọi của nó (Phú Túc là giàu có văn minh).

Người dân Phú Túc không chỉ sử dụng nguyên liệu truyền thống là cỏ tế mà còn đặt mua nhiều nguyên liệu phụ khác như sợi cói, mây, tre giang, bèo tây, dây rừng… để tạo nên nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng mới.

Để có được một sản phẩm cỏ tế vừa đẹp, vừa bền thì người thợ thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Cỏ nguyên liệu sau khi dược thu mua về phải được lựa chọn kỹ càng để lọc lấy loại cỏ có màu sắc đẹp, có độ dẻo dai, phải được phơi ít nhất ba nắng to liên tiếp mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Cỏ tế kỵ nhất là gặp trời mưa, bởi cỏ sẽ xỉn màu, giảm mất độ bền dẻo.

Sản phẩm sau khi được tạo ra sẽ hun sấy bằng diêm sinh và nhúng qua dầu keo để tăng độ bền cho sản phầm. Sau đó đem phơi hoặc sấy khô rồi lại nhúng dầu lần hai, hoặc lần ba cho đến khi khô kiệt thì đóng kiện và xuất khẩu.

Điều đáng nói là nghề đan cỏ tế của Phú Túc hôm nay đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn và được tổ chức khoa học, hợp lý. Nhờ đó sản phẩm tạo ra đạt đến trình độ tinh xảo và ngày càng vươn xa ra châu lục và thế giới như khối EU, Đông Âu, Nhật Bản, Canada. Những tên tuổi doanh nghiệp như Phú Ngọc, Phú Tuấn, Hiền Lương, Hồng Kỳ, Thành Công… đã vang tiếng khắp nơi và trở thành những đại lý phân phối lớn, góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề cũng như mang lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trong vùng.

Cả tám thôn trong xã đều làm hàng xuất khẩu với gần chục Công ty Trách nhiệm hữu hạn, hơn 20 tổ hợp sản xuất hàng xuất khẩu. Đời sống người dân đã thực sự thay đổi. Đó là lời khẳng định chắc chắn nhất cho sự tồn tại lâu bền của những làng nghề, xã nghề truyền thống như Phú Túc./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark