04/12/2012 | 14:07:00

Lưu giữ những "mảnh hồn làng" của Hà Nội

Người ta bảo cổng làng là hồn làng. Nhưng trước biến động của xã hội, đã có nhiều cổng làng mất đi. Trăn trở khi chứng kiến điều ấy, nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh đã dành nhiều năm chụp ảnh, nghiên cứu về cổng làng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với ông, dù nhiều địa phương của Hà Nội đã và đang lên phố, nhưng những chiếc cổng làng cổ kính, cần có vị trí xứng đáng. Bởi nó là nhân chứng lịch sử, là hình ảnh thân thương với mỗi người.

Ngay trong lòng đô thị, thi thoảng, ta vẫn bắt gặp một chiếc cổng làng cổ. Khu vực phố Đội Cấn, vẫn còn cổng làng Đại Yên. Cách đó không xa, có cổng làng Thành Công. Đặc biệt nhất, khu vực cuối phố Thuỵ Khuê, có đến năm cái cổng làng, mỗi cái có tên gọi riêng như: cổng Giếng, cổng Xanh, cổng Hầu... Ở vùng ngoại ô, cổng làng còn nhiều hơn. Có những chiếc cổng làng nổi tiếng cả trong và ngoài nước như: cổng làng Ước Lễ, cổng làng Đường Lâm... Những chiếc cổng rêu phong như điểm thêm một nét chấm phá cho nét cổ kính của thủ đô. Đồng thời, cho biết lịch sử của thành phố. Nhiều con phố hôm nay vốn xa xưa là làng. Rất nhiều cổng còn có mái ngói, trang trí hoa văn, có bức đại tự, đôi câu đối rất đẹp.

Có một người dành tới gần 20 năm khai thác những nét đẹp ấy. Đó là nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh - Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội. Nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh sinh đúng tại nơi có nhiều cổng làng nhất trong nội thành, đó là làng Yên Thái - vùng Kẻ Bưởi cũ. Kẻ Bưởi là đất cổ, xưa có nhiều nghề truyền thống như: giấy dó, dệt lĩnh... Chính mạch văn hoá của vùng Kẻ Bưởi, chính những chiếc cổng làng thân thương ở vùng đất này là khởi nguồn cho những nghiên cứu của ông.

Thời trai trẻ, ông Ninh công tác trong ngành điện ảnh. Sau một tai nạn lao động năm 1984, ông rời ngành điện ảnh về hưu sớm. Vốn không được đào tạo bài bản về nghiên cứu, nhưng hình ảnh những chiếc cổng làng đã in đậm trong ông từ thủa còn là một cậu bé, lại chứng kiến nhiều cổng làng rất đẹp cứ bị mất đi cùng với quá trình đô thị hoá, ông quyết tâm phải làm cái gì đó để gìn giữ những "mảnh hồn làng" này. Do có kiến thức về điện ảnh, nên dù cuộc sống còn khó khăn, ông đã dành dụm tiền để mua một chiếc máy ảnh cũ. Hành trình ghi lại hình ảnh những chiếc cổng làng bắt đầu...

Những năm 1990 của thế kỷ trước, hình ảnh một người đàn ông nhỏ bé, đi chiếc xe đạp cà tàng, phía trước treo một chai nước, một chiếc bánh mỳ đã quá quen với người dân khu tập thể Nam Đồng nơi ông sinh sống. Cứ sáng đạp xe đi, tối mới trở về. Ông lang thang đến nhiều làng quê, gặp gỡ những người già hỏi chuyện. Có hôm, ông đạp xe đến 50 km. Ban đầu, ông chủ yếu chụp ảnh. Nhưng càng đi, ông càng nhận ra, cái cổng làng không chỉ đẹp ở kiến trúc. Những bức đại tự, những câu đối chứa nhiều ẩn ý thâm sâu. Cổng làng còn gắn liền với nhiều tục lệ ở làng. Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ như: Cổng làng lụa Vạn Phúc có bốn chữ "Vạn Phúc lai cầu", vừa có ý nghĩa cầu phúc đến làng, lại có thể hiểu như một lời mời mọi người đến đây. Cổng Giáp Đông - làng Hồ Khẩu (cũ, nay thuộc quận Tây Hồ) lại có đôi câu đối: Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu Tây Hồ minh kính/ Thiện ngôn, hảo sự trường lưu mạt lỵ danh hương (Mỹ tục thuần phong soi gương Tây Hồ trong sáng/ Nói hay, làm tốt, xứng danh thơm ngát hương nhài). Điều ấy thôi thúc ông nghiên cứu sâu hơn về những giá trị của cổng làng, trong mối quan hệ với văn hoá làng xã.

Nói về những chiếc cổng làng, ông tâm sự: "Kiến trúc cổng làng Hà Nội cũng biến đổi theo thời gian. Trước thế kỷ XX, cổng làng làm theo kiến trúc "thượng gia, hạ môn", trên là nhà, dưới là cổng. Nhà trên cổng có giá trị như cái vọng gác, để canh giữ làng khỏi trộm cắp. Sau này, cổng làng đơn giản hơn. Nhưng điểm chung là các cụ luôn đề những câu đối, đại tự để răn dạy con cháu. Mỗi khi ra vào, lại được đọc lời dạy của tiền nhân. Cổng làng góp phần xây dựng giá trị đạo đức con người. Lại có những cổng làng có câu đối thể hiện niềm tự hào, thể hiện nét văn hoá riêng biệt của làng". Năm 2007, nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh in cuốn cho xuất bản cuốn "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" (NXB Văn hoá - Thông tin). Ngay khi cuốn sách được ấn hành, ông nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi. Đó là cuốn sách nghiên cứu dày dặn nhất về cổng làng trên địa bàn Hà Nội. Dự kiến, đầu năm 2013, cuốn sách này tiếp tục tái bản, với những bổ sung nghiên cứu về cổng làng Hà Nội đầy đủ hơn, gồm 139 cổng làng. Trong đó, có cả một số cổng làng tiêu biểu của vùng Hà Nội mở rộng.
"Khi nghiên cứu về cổng làng, tôi được nghe nhiều người bảo: Khi đi xa, họ nhớ đến cổng làng nhiều nhất, đó là nơi có bóng dáng mẹ già tiễn họ đi, đó là nơi mỗi ngày họ đi về. Cứ đi đâu xa về làng, nhìn thấy cổng làng là thấy yên tâm lắm, đã thấy hồn làng trong mình", ông tâm sự. Ở tuổi 73, sức khoẻ ngày một kém hơn, nhưng ông vẫn tranh thủ những dịp nào có thể để chụp ảnh, nghiên cứu về cổng làng Hà Nội.

Cũng từ quá trình nghiên cứu, ông nhận ra, người dân ngày càng ý thức hơn trong bảo vệ cổng làng. Có nơi, cổng cổ bị phá, người ta dựng lên rất nhiều cổng mới bằng sắt, trông chẳng giống ai. Nhưng bên cạnh đó nhiều ngôi làng đã chót phá cổng cổ, hoặc cổng cổ nhỏ bé, không tiện cho giao thông, nhưng người dân đã xây những chiếc cổng mới, rất đẹp và tiện dụng. Có thể kể đến cổng làng Đại Từ (nay thuộc quận Hoàng Mai), cổng làng Dực Thượng, Dực Hạ ở Sóc Sơn, đặc biệt là huyện Đan Phượng đã xây những cổng làng mới rất phù hợp. Nông thôn vẫn cần có cổng làng. Khi được hỏi: Vậy còn đô thị, cổng làng có giá trị gì khi Hà Nội đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ? Ông Ninh bảo rằng: Dù lên phố, ta không xây cổng làng mới, nhưng những chiếc cổng làng cổ vẫn cần có một vị trí xứng đáng, cần phải bảo tồn. Bởi nó là nhân chứng lịch sử. Nó là một phần văn hoá dân tộc./.

(hanoi.gov.vn)

Bản để in Lưu vào bookmark