11/07/2017 | 11:13:00

Mái ấm cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin

Nhân viên y tế giúp các em là nạn nhân chất độc da cam nhận biết màu sắc, hình dáng đồ vật qua trò chơi xếp hình. (Nguồn: TTXVN)

Với nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội hiện đang nuôi dưỡng 56 nạn nhân.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, dù thiếu thốn tình thân nhưng hơi ấm tình người vẫn được nhen nhóm lên bằng sự cảm thông của những người đồng cảnh ngộ, bằng tình yêu thương của những người làm công tác xã hội ở Trung tâm.

Được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội (thôn Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) từ lâu đã trở thành ngôi nhà lớn của những mảnh đời kém may mắn. Họ mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, di chứng của chất độc da cam/dioxin được truyền từ đời này qua đời khác.

Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội cho biết hiện Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng 56 nạn nhân tuổi từ 24 đến 51, đến từ các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Các nạn nhân thuộc nhiều diện đối tượng khác nhau nhưng đều có một điểm chung là gia đình không thể nuôi dưỡng, chăm sóc được nữa. Có trên 80% số nạn nhân bị mắc bệnh tâm thần mãn tính, thường xuyên phải dùng thuốc và quản lý 24/24 giờ.

Khi vào đây, dễ bắt gặp những thân hình nhỏ bé, gầy guộc với gương mặt ngơ ngác, cười nói vu vơ. Chị Nguyễn Thị Hằng (41 tuổi, ở Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội), bị mù cả hai mắt, đưa bàn tay nhỏ bé quờ quạng xung quanh. Chị Hằng cho biết: “Mới vào trung tâm được 7 tháng, vui lắm, được hát, được gặp bạn. Chỉ mong cán bộ xã hội quan tâm nhiều hơn nữa."

Anh Hoàng Văn Bình (35 tuổi, ở 338 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) không chỉ mắc bệnh tâm thần mà còn bị liệt 2 chân và tay phải, khi di chuyển bằng xe lăn vẫn phải có người trợ giúp.

Anh Bình bảo: “Được chăm sóc thế này thích lắm. Ở đây thôi!” rồi anh kể về những câu chuyện không đầu không cuối bằng tiếng nói lơ lớ, ngọng nghịu.

Còn chị Đặng Thị Lan (37 tuổi, ở huyện Chương Mỹ) thì chỉ vào Trung tâm chị mới thấy vui, không muốn về nhà. Chị Lan là một trong số ít nạn nhân mắc bệnh mức độ nhẹ, vẫn có thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân và làm được một số công việc nhẹ.

Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội mới được thành lập từ tháng 12/2015 trên cơ sở đổi tên, xác định lại chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số VIII.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho các nạn nhân da cam/dioxin, Trung tâm còn thực hiện chức năng tẩy độc cho những bệnh nhân không phải là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tự nguyện đóng góp một phần kinh phí.

Tại đây, các nạn nhân không chỉ được chăm sóc, chữa bệnh, điều trị phục hồi chức năng mà còn được học chữ, học nghề, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và ổn định tinh thần.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, nhân viên Phòng Y tế và tẩy độc cho biết, trước đây chị làm nhiệm vụ chăm sóc cho các đối tượng xã hội, nay chuyển sang chăm sóc cho các nạn nhân da cam/dioxin nên có phần khác biệt.

“Những người đến với Trung tâm đều mang trong mình vài căn bệnh. Những lúc trái gió trở trời, chúng tôi phải căng mình ra để theo dõi, phục vụ. Nóng quá hay lạnh quá cũng đều ảnh hưởng đến sinh hoạt của người mắc bệnh tâm thần. Có lúc họ như những đứa trẻ dăm ba tuổi,” giọng chị Nga chùng xuống.

Nhiều nạn nhân khi được hỏi có muốn về nhà không đều lắc đầu cười. Họ đã quá quen thuộc với nơi cuộc sống và sự chăm sóc hết lòng của 68 nhân viên Trung tâm.

Ông Trần Đăng Khoa cho biết, không chỉ lãnh đạo Trung tâm mà toàn thể nhân viên nơi đây đều dành phần lớn thời gian để ở lại, trực đêm tại trung tâm. Thậm chí, khi nạn nhân mắc bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của trung tâm, phải đi bệnh viện, các nhân viên của trung tâm đã thay phiên nhau cùng đi, chăm sóc cho đến tận lúc nạn nhân ra viện.

Với đặc thù công việc, thời gian các nhân viên bên cạnh các nạn nhân ở Trung tâm còn nhiều hơn thời gian dành cho con cái ở nhà. Nhưng công việc này không đơn thuần là công việc mà còn là cái nghiệp gắn với chữ “tâm.”

Chỉ những người biết cảm thông, yêu thương, xem đối tượng như người thân trong gia đình để chăm sóc thì mới “bám trụ” được./.

Nhật Anh (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark