01/10/2009 | 11:29:00

Mái nhà cổ Hà Nội đậm màu thời gian

Một mái nhà cổ đặc trưng tại đường Đê La Thành. (Ảnh: Tất Sơn)

Hà Nội 36 phố phường, không gian cổ kính nhấp nhô sóng mái nhỏ bé, rêu phong, quyến rũ của những mái nhà đậm màu thời gian là một trong những vẻ đẹp vô giá mang dấu ấn quá khứ buổi đầu hình thành đô thị.
 
Những mái nhà cổ xưa mang dấu ấn những chặng đường phát triển văn hóa của Hà Nội.
 
Về kết cấu, đa phần các mái nhà Hà Nội cổ thường được làm theo phương pháp “Xang gạch” kết hợp với dầm gỗ, hoặc nhà có kết cấu dầm gỗ chịu lực với các hệ cầu phong, litô đỡ ngói.
 
Gỗ làm dầm thường là những loại gỗ quý như đinh, táu, lim. Song điều làm thế hệ hôm nay cũng như những nhà nghiên cứu ngạc nhiên nhất đó là tất cả những công thức tính toán, kết cấu đó đều do tay những người thợ chỉ dựa theo kinh nghiệm truyền thống chứ không qua một trường lớp đào tạo nào.
 
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hầu hết các ngôi nhà đều sử dụng ngói âm dương vẩy cá, ngói mũi hài; bờ nóc, bờ chảy được trang trí bằng các họa tiết riềm tuân theo lối kiến trúc cổ, tạo nên những sóng mái thật tự nhiên.
 
Từ các họa tiết hoa văn đến đường diềm mái đều được bàn tay những người thợ xưa chạm khắc khéo léo đến độ tinh xảo.
 
Những năm 20 của thế kỷ trước, xen lẫn những ngôi nhà đặc trưng của phong cách kiến trúc Hà Nội, xuất hiện những ngôi nhà có bộ mái ảnh hưởng của kiến trúc thuộc địa mà ngày nay chúng ta gọi là “phong cách Đông Dương”.
 
Điểm nổi bật của phong cách này là hệ thống mái ngói dốc nghiêng và mái “chồng diêm” bắt đầu xuất hiện có ưu điểm không kém gì với mái nhà truyền thống Việt Nam.
 
Một trong những công trình tiêu biểu cho sự giao thoa giữa phong cách Pháp và phong cách truyền thống là trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội.
 
Công trình do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, có hệ thống mái phong phú: mái bát giác trên các tháp, nhô lên trên mái lớn thân nhà; mái nhỏ trên cửa sổ tầng 2; mái đầu hồi, các mái hắt nhỏ.
 
Kiểu mái “chồng diêm” được sử dụng giúp căn nhà thông gió tốt, tránh mưa tránh nắng, cản nhiệt cao. Đó là sự kết hợp khéo léo giữa hai phong cách kiến trúc khiến cho công trình vừa có tính ứng dụng cao mà vẫn giữ được nét truyền thống Việt Nam.
 
Bên cạnh đó kiến trúc Hà Nội cũng ít nhiều ảnh hưởng bởi phong cách của những người Hoa nhập cư, tạo nên sự đa dạng trong phong cách và vô hình chung làm cho đường phố Hà Nội thêm sinh động song vẫn không tách khỏi những giá trị truyền thống.
 
 Nếu trước đây, người thợ dân gian chỉ áp dụng những kích thước quen thuộc trong trang trí như "Song long chầu nguyệt" hay "Long nhiễu vân đài" thì sau này có thêm các họa tiết trang trí hoa dây bên dưới mái ngói âm dương vừa bí ẩn vừa trang trọng.
 
Sự giao thoa của các nền văn hóa đã để lại cho Hà Nội những phong cách kiến trúc độc đáo mà ít có đô thị nào ở Việt Nam có được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark