15/07/2010 | 15:09:00

Màn trình diễn “lạ” bên bia tiến sĩ tại Văn Miếu

Phạm Huy Thông với màn trình diễn “tự phát” Xin đừng sờ đầu rùa! (Ảnh: TT&VH/Vietnam+)

Màn trình diễn Sờ thấy vinh quang của họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông vừa được thực hiện tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)- đúng vào dịp sĩ tử cả nước bước vào đợt 2 kỳ thi đại học. Anh làm điều này như một cách để phản ứng lại hành vi các sĩ tử “sờ đầu rùa” để lấy may mới bùng phát gần đây.

Chỉ có điều hơi tiếc là màn trình diễn này hoàn toàn tự phát, dẫn tới việc bị bảo vệ Văn Miếu “mời” ra ngoài

“Xin đừng sờ đầu rùa!”

Sau khi có thông tin trên báo chí về màn trình diễn này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông. Anh cho rằng hành động “sờ đầu rùa” ở Văn Miếu trong thời gian qua đã bị báo chí và dư luận lên án rất nhiều.

Theo anh được biết thì đợt 1 kỳ thi đại học vừa qua, Trung tâm quản lý di tích Văn Miếu đã bố trí các sinh viên tình nguyện đứng ra ngăn cản, không cho thí sinh thực hiện hành vi “sờ đầu rùa,” nhưng cũng không xuể.

Anh đã chứng kiến cảnh những thí sinh xoa tay lên đầu rùa rồi lại xoa xoa tay lên đầu mình như để truyền lại sự thông thái. Thậm chí một số người còn cầm tiền lẻ trên tay để mài vào bia đá để cầu may trong thi cử. Mỗi kỳ thi đến là đầu rùa Văn Miếu lại bị nhẵn thêm “in ít,” đồng thời  truyền thống hiếu học thực sự của dân tộc lại bị mòn vẹt thêm “nhiều nhiều.”

“Bởi vậy trong nỗ lực của một người làm nghệ thuật thị giác, tôi định ra màn trình diễn Sờ thấy vinh quang để thay đổi hành vi đáng lên án trên của các sĩ tử” - anh lý giải.

Buổi sáng, Thông đã cho mời những khán giả của mình đứng một chỗ và xem các sĩ tử sờ đầu rùa. Diễn viên trong màn trình diễn lúc đó không phải là anh mà chính là các sĩ tử sờ đầu rùa. Buổi chiều anh mới nằm bò ra bắt chước một cụ rùa đội bia với tấm biển đội trên đầu ghi Xin đừng sờ đầu rùa!!!

“Tôi muốn để những người đến sờ đầu rùa nhìn thấy tôi và hiểu được việc họ làm mang tính mê tín, và xâm hại đến di tích. Cảm động là có một thí sinh ra Văn Miếu cầu cúng và sờ đầu rùa lấy may đã tình nguyện vào vai giúp tôi 5 phút. Cậu mong đó là lời cầu khấn chân thành nhất cho cuộc thi của mình.”

Vào vai con rùa trong khoảng hơn 40 phút và khi đứng lên, chân tay mỏi nhừ. Nhưng anh khẳng định rằng màn trình diễn của anh đã tác động tương đối tốt với đám đông. “Chỉ mỗi khi tôi nghỉ thì mới có người sờ đầu rùa. Chứ còn khi tôi vào vai cụ rùa thì tất cả những sĩ tử đi qua dường như hiểu được thông điệp mà tôi muốn nói và không ai còn ngoan cố sờ đầu rùa nữa,” anh Thông khẳng định.

Màn diễn “tự phát”

Khi được hỏi, làm tác phẩm này anh có xin đơn vị quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hoặc cơ quan quản lý văn hóa nào không? Họa sĩ Phạm Huy Thông thành thực: “Tiếc là tôi không xin phép ai cả. Vì thế, đáng nhẽ tác phẩm của tôi sẽ diễn ra đến 5 giờ chiều, nhưng đến 4 giờ 30 phút phải nghỉ vì bác quản lý ra bảo thôi và tôi dừng lại. Thực ra, lúc 3giờ 30 phút có một cậu bảo vệ trẻ trẻ đã ra nhắc nhở, nhưng tôi vẫn cứ bò ra làm tiếp vì tôi nghĩ việc làm của tôi là tốt chứ không phải cái gì lố bịch.”

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý Văn Miếu đã than phiền vì họa sĩ trẻ này đã thực hiện màn trình diễn một cách tự phát, mà không thông báo, hay xin phép đơn vị quản lý.

Vị cán bộ này cũng thẳng thắn cho rằng dù ý tưởng thì “không vấn đề gì,” nhưng vì “kịch bản” chưa được thẩm định, cho nên các “pha” bò toài bên bia đá cần phải xem lại. “Sau khi phát hiện, bảo vệ Văn Miếu đã mời họa sĩ đó ra ngoài, và nếu tái diễn theo cách đó thì chắc chắn là chúng tôi sẽ không cho phép,” ông khẳng định.

Họa sĩ trẻ Phạm Huy Thông qua màn trình diễn này muốn góp phần làm thay đổi hành vi của cộng đồng là “thiện ý” tốt. Song đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm với chính anh bởi việc tuân thủ các quy định khi trình diễn không những là điều bắt buộc, mà còn là ý thức đối với không gian di sản, nhất là khi bia Tiến sĩ Văn Miếu đã trở thành “Di sản tư liệu thế giới”./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark