28/10/2018 | 15:20:00

‘Một đời làm báo’ của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam

Nhà báo Trần Xuân Nhất khi còn trẻ. (Ảnh: NXB Thông tấn)

Cuốn sách “Một đời làm báo” tập hợp những bài viết tâm đắc, lưu lại những câu chuyện, khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời hơn 30 năm cầm bút của nhà báo Trần Xuân Nhất - nguyên Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình (nay là Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình).

Những bài viết này được chia thành hai phần: “Quê hương” và “Đất nước.” Qua đó, tác giả gửi gắm tình yêu với quê hương Giao Nhân (huyện Giao Thủy, Nam Định) hay với những mảnh đất mà ông đã từng đến và gắn bó trong cuộc đời làm báo của mình.

“Thế hệ vàng”

Đại diện Nhà xuất bản Thông tấn - đơn vị phát hành cuốn sách cho biết, nhà báo Trần Xuân Nhất thuộc “thế hệ vàng” các nhà báo trong kháng chiến chống Mỹ, những năm đầu thống nhất đất nước và thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới. Có thể nói, với nhà báo Trần Xuân Nhất, đi và viết là nguồn vui, niềm đam mê theo ông suốt cuộc đời.

Trước khi chính thức trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (năm 1968), ông từng là một chiến sỹ bộ đội, một thầy giáo dạy Toán-Lý tại trường Trung học cơ sở Giao Thủy (Nam Định). Trong thời gian này, ông đã có nhiều bài viết đăng trên báo Quân đội Nhân dân và báo Nhân dân.

Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, đế quốc Mỹ cho máy bay liên tục dội bom xuống Hà Nội và một số tỉnh lân cận ở miền Bắc nhằn chặn đứng sự chi viện cho chiến trường miền Nam.

Khi đó, tác giả Trần Xuân Nhất là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Bình. Ông ngày đêm bám trụ tại các trận địa pháo cao xạ, những cánh đồng không ngớt tiếng bom, kịp thời có những tuyến tin, bài phản ánh cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất với khí thế “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” của chiến sỹ, đồng bào.

Sau này, trên cương vị Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình, ông dành nhiều thời gian đến những vùng rừng núi xa xôi của tỉnh Thái Bình, quan sát, cảm nhận và lắng nghe người dân những tâm sự, “tiếng lòng” của người dân địa phương để viết.

Những dòng tin, bài viết, loạt phóng sự của ông đã nêu rất trúng những vấn đề nóng của tỉnh Hòa Bình, gây được tiếng vang lớn và tạo ra hiệu ứng, tác động mạnh mẽ trong dư luận. Đó là loạt phóng sự về cuộc sống của người dân ở vùng lòng hồ thủy điện sông Đà hay loạt bài viết về cuộc sống của người dân vùng cao Mai Châu. Những bài viết của ông đã góp phần đặc biệt vào “dòng thông tin chủ lưu” của Thông tấn xã Việt Nam trong những năm đầu Đổi mới đất nước.

Nhiều bài viết thuộc những tuyến bài này (như “Năm đỉnh cao cuộc chiến đấu,” “Người nghèo vùng hồ thủy điện”…) được in lại trong tập sách “Một đời làm báo.”


Tìm lại trang sử xưa

Với quê hương Giao Nhân, sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian và công sức để tìm những tư liệu lịch sử và viết về quá trình hình thành, dựng làng, lập ấp của các bậc tiền nhân. Những bài viết về quê hương Giao Nhân, miền đất Hải Huyệt Trang cũng được đăng tải trên nhiều tờ báo, là nguồn thông tin tư liệu quý với nhiều bạn đọc, đặc biệt là với nhưng người con của đất thành Nam đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Các bài viết của ông thuyết phục người đọc bởi những dẫn chứng cụ thể, sinh động cùng cách lập luận sắc sảo, chặt chẽ.

Đặc biệt, với một người cầm bút từng có thời gian đứng trên bục giảng, ông dành nhiều tâm sức để viết về những tấm gương học trò ngoan, vượt qua nghịch cảnh để trở thành những con người tài, đức.

Tác giả đã tập hợp những bài viết này để giới thiệu trong cuốn sách “Một đời làm báo.” Ở đó, ông luôn thể hiện sự yêu nghề, niềm tự hào là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong từng trang viết.

Sách “Một đời làm báo” do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành./.

PV (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark