13/11/2012 | 10:22:00

Một gia đình - ba nghệ nhân tài hoa của Hà Nội

Đến thăm nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh mới biết, gia đình anh là gia đình duy nhất làm nghề thủ công truyền thống ở Thủ đô Hà Nội có ba đời đều được phong nghệ nhân.

Huyện Chương Mĩ - Hà Nội từ lâu đã nức tiếng cả nước với sản phẩm mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa. Đây cũng là một trong những địa phương đứng đầu trong cả nước với số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu lên tới hơn 20 người. Và điều độc đáo nhất trong làng nghề chính là việc có 3 thế hệ trong một gia đình đều được phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu – người đầu tiên đan tượng Bác Hồ từ nguyên liệu mây Theo lời kể của con trai nghệ nhân, cụ Nguyễn Văn Khiếu từ nhỏ đã sống với bà nội làm nghề đan mây tre đan. Là người thông minh, cần cù, chịu khó, cụ Khiếu không bao giờ cảm thấy thỏa mãn về những sản phẩm đã có mà luôn nghiền ngẫm tìm tòi sáng tác mẫu hàng mới. Bằng những sợi mây óng chuốt, với đôi bàn tay khéo léo đến kì lạ, cụ đã kết nên biết bao mĩ nghệ phẩm tuyệt diệu, thể hiện sinh động cảnh sóng nước, mây trời, chim bay, cá lượn, cây cỏ, hoa lá, lâu đài….

Năm 1961, cụ đã làm được điều phi thường khi tự mình mày mò ra lối đan chân dung và bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm hoàn toàn bằng nguyên liệu mây đã đem đến cho cụ Danh hiệu Nghệ nhân cao quý do Nhà nước trao tặng. Với nhiều người từng có dịp tiếp xúc với cụ Khiếu thì mỗi sản phẩm của cụ làm ra đều là một thiên kiệt tác. Khi cụ cầm sợi mây đan đôi chim bay, chợt nhìn thấy chim đang vỗ cánh bay cao dần; khi cụ tết hoa lại nhìn hoa nở tươi hơn, duyên dáng hơn… Với người họa sĩ vẽ tranh phải dùng ít ra là 7 màu cơ bản, thì người nghệ nhân lão làng đan mây này chỉ dùng duy nhất 2 màu: sợi mây màu trắng ngà và cật giang ngâm nước lá bàng tạo màu đen. Và bí quyết ấy đã được cụ truyền lại cho người con trai duy nhất trong suốt cuộc hành trình chinh phục sợi mây sau này… Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh - tiếp nối truyền thống gia đình…. Nếu tìm trên mạng thông tin về nghề mây tre đan của cả nước thì có lẽ Nguyễn Văn Tĩnh là cái tên bạn sẽ bắt gặp nhiều nhất. Người nghệ nhân này hiện đang là một trong những “của hiếm” của làng nghề mây tre Phú Vinh khi nắm trong tay tới vài chục giải thưởng lớn nhỏ khác nhau...

Ở cái tuổi ngót nghét năm mươi nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã có tới bốn mươi năm tuổi nghề có lẻ bởi ngay từ khi còn bé xíu anh đã được “học lỏm” nghề đan mây từ người cha vốn là nghệ nhân nổi tiếng của cả nước. Anh Tĩnh kể rằng khi cha mất anh mới 19 tuổi và vẫn chưa hề có ý thức phải tiếp nối nghiệp cha làm rạng danh cho danh hiệu nghệ nhân của cụ mà chỉ đơn thuần là làm việc để kiếm kế sinh nhai. Nhưng rồi không biết có phải đó là cái “duyên” hay là “nghiệp” mà cứ thỉnh thoảng một ý tưởng về sản phẩm mới lại xuất hiện trong đầu, vậy là anh lại lần mò sáng tạo….và có được thành quả như ngày hôm nay.

Để có được một sản phẩm ưng ý, có khi anh phải đan tới ba, bốn mẫu thử nghiệm với lối đan khác nhau nhằm chọn ra lối đan phù hợp nhất cho sản phẩm cụ thể của mình. Chính vì tính cầu toàn như vậy mà những sản phẩm như chao đèn, giỏ xách, bàn ghế… của gia đình anh Tĩnh hiện đang được giới sành chơi cũng như những du khách quốc tế yêu thích sản phẩm mây tre đan ưa chuộng nhất trong làng nghề hiện nay. Người nghệ nhân này tâm sự, anh không chạy theo xu hướng phát triển sản phẩm hàng loạt theo thị trường mà vẫn giữ nguyên cách làm thủ công bởi sự tinh tế của từng sợi mây được chuốt bằng tay sẽ khiến sản phẩm có độ “nuột” hơn. Để tạo màu đen, anh vẫn áp dụng phương pháp cổ truyền mà cha anh thường làm khi còn sống là cho đun nan trong hỗn hợp nước lá thèn đen, lá sòi, lá bàng, vớt ra phơi khô rồi lại tiếp tục quy trình đó trong vài lần để màu đen ngấm vào từng thớ mây nhỏ mịn, nhờ vậy những sợi mây trắng ngà đã có được màu đen tự nhiên trông rất bắt mắt. Sau đó những sợi mây này lại được ngâm qua lớp bùn để có được độ bền màu lên tới 50 năm…

Bên cạnh đó, anh Tĩnh vẫn áp dụng lối đan cổ với các chi tiết họa tiết truyền thống như đan hoa dâu, đan đường gấm, đan hoa chanh kết hợp với các đường kỉ hà để tạo điểm nhấn cho từng sản phẩm. Với cách làm cổ điển nhưng không bỏ qua những nét cách tân hiện đại, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã góp phần bảo tồn kĩ thuật đan mây tre truyền thống hàng trăm năm của làng nghề và ngày càng làm rạng danh cho thương hiệu mây tre đan Phú Nghĩa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nghệ nhân Nguyễn Phương Quang – làm rạnh danh truyền thống gia đình nghệ nhân Ở tuổi 28, Nguyễn Phương Quang trở thành người trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu nghệ nhân của làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa. Không chỉ có vậy, anh cũng là tác giả của sản phẩm “Chiếc bình sen mây” cực kì tinh xảo có chiều cao tới 4,1m, đường kính 1,5m, tổng trọng lượng là 120kg được vinh danh trong Kỉ lục Guiness Việt Nam năm 2009 và trưng bày tại Đại lễ hội kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Noi. “Em bắt tay vào làm chiếc bình này từ năm 2008, phải mất gần 2 năm em mới hoàn thành được nó. Có lẽ đây là sản phẩm lớn nhất mà em đã từng làm về mây tre đan. Hi vọng đây cũng là sản phẩm thể hiện được tâm nguyện của một người con làng nghề đối với quê hương” - Quang chia sẻ với giọng hạnh phúc.

Năm 2007 đã đánh dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp của chàng trai trẻ với nhiều ước vọng và hoài bão khi sản phẩm “Giỏ đựng trái cây” của Quang giành giải Ba trong Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Cũng trong thời gian này, nhiều du khách đã tìm đến gia đình Quang để đặt mua sản phẩm, vừa là để trang trí, vừa để xuất khẩu. Với sự nhạy bén của tuổi trẻ, Quang mạnh dạn đề xuất với bố thành lập công ty để mở rộng sản xuất.

Vậy là Công ty TNHH Việt Quang của cha con nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã ra đời. Sản phẩm mây, tre đan của “gia đình có truyền thống nghệ nhân” không chỉ dừng lại tiêu thụ ở thị trường trong nước mà đã vươn tới thị trường Mĩ, Tây Ban Nha, Anh, Italia, Đức và cả thị trường nổi tiếng “khó tính” là Nhật Bản và chàng nghệ nhân trẻ Nguyễn Phương Quang đã vinh dự được nhận Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo do Trung ương Đoàn thanh niên trao tặng năm 2011, Giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn xuất sắc năm 2010 vì những đóng góp không nhỏ của mình cho làng nghề Phú Nghĩa cũng như cho ngành mây tre đan Việt Nam.

Tạp chí Truyền hình Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark