01/07/2010 | 14:50:00

NSND Đặng Nhật Minh: Điện ảnh là định mệnh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh. (Nguồn: Internet)

Thời báo Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) dành cho ông những lời đặc biệt: “Đặng Nhật Minh - người nghệ sĩ bằng điện ảnh đã nói lên được tâm tư, tình cảm của dân tộc mình và cũng là của các dân tộc châu Á ra với thế giới.”

Hình ảnh của Đặng Nhật Minh đã trở nên quen thuộc mỗi khi người ta nói về điện ảnh Việt Nam.

Những vinh quang mà Đặng Nhật Minh nhận được, như danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải Nikkei Asia Prize (tại Nhật Bản), giải Thành tựu trọn đời vì sự nghiệp điện ảnh của châu Á (tại Hàn Quốc) và nhiều giải thưởng khác cho thấy tầm vóc của ông trong nghệ thuật điện ảnh. Ông là niềm tự hào không chỉ của điện ảnh Việt Nam.

Ông vốn không được đào tạo để làm phim truyện. Sau 18 tháng học ở Liên Xô, 19 tuổi ông vào đời bằng nghề phiên dịch tiếng Nga. Mãi đến năm 27 tuổi, từ sự tình cờ run rủi, ông mới được làm đạo diễn cho bộ phim tài liệu đầu tiên có tên gọi “Theo chân người địa chất.”

Được giao làm phim truyện đầu tiên vào năm 1974, nhưng ông chỉ thực sự là ông lúc bộ phim “Thị xã trong tầm tay” ra đời năm 1982, khi đã dám thay đổi tư duy làm phim quen thuộc. “Thị xã trong tầm tay” tạo ra dư luận trái chiều, nhưng may mắn thay, tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983, ba văn nhân tên tuổi là Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông và Nguyễn Khải tham gia Ban giám khảo đã quyết liệt ủng hộ và trao giải Bông Sen Vàng cho bộ phim này, giúp Đặng Nhật Minh củng cố niềm tin về cách làm phim của riêng ông.

Sau đòn bẩy quan trọng ấy, ông tiếp tục với “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Trở về”, “Thương nhớ đồng quê”, “Hà Nội mùa đông 46”, “Mùa ổi”… và gần đây nhất là “Đừng đốt”. Đã có người đánh giá, tài năng của Đặng Nhật Minh trong nghệ thuật thứ bảy nước ta tính tới cuối thập niên đầu tiên ở thế kỷ 21, thì chỉ có một thước đo duy nhất là chính Đặng Nhật Minh.

Ông đã chứng minh với khán giả rằng, điện ảnh không phải là vấn đề của kỹ thuật hay công nghệ, mà trước hết nó phải là vấn đề của lương tâm, của tình yêu con người. Phim của ông là những tiếng thì thầm nhưng lan tỏa, giúp người xem nhận ra sâu sắc một vẻ đẹp Việt Nam, một tâm hồn Việt Nam, và nói rộng ra là một tinh thần châu Á.

Đặng Nhật Minh có một xuất thân không tầm thường. Mẹ ông là con gái quan thượng thư triều đình Huế, đã từ bỏ tất cả để đi theo lý tưởng của chồng. Cha ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, năm 1942 bác sĩ đã lên đường sang Nhật Bản du học để nghiên cứu về nấm và vi sinh. Nhưng ông đã gác lại công việc nghiên cứu khoa học đang dang dở ở nước ngoài, trở về nước tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong rừng sâu Việt Bắc, cha ông đã miệt mài chế tạo nước cất Penicilline để cứu chữa vết thương cho bộ đội. Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, cha ông lại lặn lội khắp các khu căn cứ địa cũ để thực hiện một chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có.

Sau khi người vợ thân yêu mất đi ở Việt Bắc trong những ngày cuối cùng trước khi về tiếp quản Thủ đô, bác sĩ Đặng Văn Ngữ lúc ấy mới 44 tuổi, đã ở vậy nuôi con, lấy sự nghiệp khoa học, lấy việc cứu giúp con người làm niềm vui cuộc sống.

Chiến tranh tiếp tục leo thang ra miền Bắc, để bảo vệ thành quả tiêu diệt sốt rét trên một nửa đất nước, bác sĩ Đặng Văn Ngữ xung phong vào chiến trường Trị Thiên, nghiên cứu vắcxin chống sốt rét nhằm ngăn chặn căn bệnh này từ bên kia vĩ tuyến 17. Và ông đã ngã xuống chiến trường, để rồi sau đó nằm năm năm trong nghĩa trang liệt sĩ của xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền - tỉnh Thừa Thiên như một người lính vô danh. Nghe tin ấy, em gái Đặng Nhật Minh đang học ở Liên Xô không chịu đựng được nỗi đau này, đã lâm bệnh rồi mất lúc mới 28 tuổi.

Trong cuốn hồi ký điện ảnh, Đặng Nhật Minh viết về cha: “Gia tài ông để lại cho tôi là tình yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân mình, đất nước mình, là lòng thương yêu con người, sự cảm thông sâu sắc trước những nỗi khổ đau của con người. Ông không biết rằng những cái đó cũng chính là nền tảng cơ bản cho mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Những gì tôi làm được trong điện ảnh cũng chính nhờ đã thừa hưởng được ít nhiều cái di sản tinh thần đó.”

Điện ảnh không phải là con đường mà người cha muốn Đặng Nhật Minh theo đuổi. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ mong muốn con trai nối nghiệp mình, trở thành một nhà khoa học. Nhưng cuộc đời, với những biến động, xoay vần của nó đã đưa Đặng Nhật Minh đến với nghệ thuật điện ảnh.

Lúc đầu chỉ là những sự tình cờ để vượt qua nỗi buồn chán của nghề phiên dịch. Rồi tự học, tự trang bị kiến thức, và rồi là niềm say mê, lao động miệt mài, Đặng Nhật Minh giờ đây có thể tin tưởng rằng, cha mẹ ông đang mỉm cười nơi chín suối với “định mệnh điện ảnh” mà ông theo đuổi.

Ở Hà Nội có một con phố mang tên Đặng Văn Ngữ. Con phố ấy là để vinh danh một nhà khoa học-bác sĩ-chiến sĩ đã hy sinh vì nước. Từ lâu Đặng Nhật Minh ấp ủ làm phim về cha mình. Đó là một món nợ tinh thần mà ông sẽ trả trong một ngày nào đó./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark