06/04/2010 | 09:53:00

NSND Tạ Bôn - Một đời với cây đàn violin

Hai cha con Tạ Bôn - Tạ Tôn biểu diễn violin.

Tháng 5/2009, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đã tổ chức một chương trình hòa nhạc “Tạ Bôn -Giai điệu thời gian” để kỷ niệm 50 năm buổi biểu diễn độc tấu violin đầu tiên của giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn tại Đại lễ đường Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc năm 1958 trước khi đi dự thi violin quốc tế tại Romania.

Và khán thính giả lại một lần nữa bất ngờ về sức sống của tiếng đàn Tạ Bôn - nghệ sĩ violin bậc thầy Việt Nam và là nhà sư phạm nổi tiếng.

Sinh năm 1942 tại Hà Nội, từ nhỏ, Tạ Bôn đã học violin ở người cha là nhạc sĩ Tạ Phước - vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường Âm nhạc Việt nam (1956), tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay, một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ người Việt Nam đầu tiên chơi các nhạc cụ phương Tây.

Ngay từ khi 12 tuổi, Tạ Bôn đã được Nhà nước cho đi học nhạc tại Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc. Năm 1958, từ Trung Quốc trở về tham dự Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Enescu (Bucharest, Romania) và Tạ Bôn nhận được Bằng khen danh dự. Năm 1962, ông tham dự cuộc thi Violin quốc tế tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới (Helsinki, Phần Lan) và được trao huy chương bạc.

Sau cuộc thi Enescu, Tạ Bôn thi đỗ vào Nhạc viện Tchaikovsky (Mátxcơva) và sau đó ông đã lấy các văn bằng đại học và là một nghiên cứu sinh hạng xuất sắc của nhạc viện này. Vào các năm 1978, 1982, 1986 ông được mời làm giám khảo cuộc thi Tchaikovsky, một trong những cuộc thi hàng đầu thế giới. Ông còn được mời làm giám khảo cuộc thi Bach (Đức) các năm 1980, 1984 và gần đây nhất là giám khảo cuộc thi Sarasate (Tây Ban Nha) năm 2007.

Ngay từ khi còn là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky cho đến nhiều năm sau này, Tạ Bôn luôn ở vị trí nghệ sĩ độc tấu quốc gia. Ông đã đi biểu diễn tại nhiều nước như Cuba (1966), Liên Xô cũ (1985), tại Bulgaria, Hungaria, Tiệp khắc (1986), Tạ Bôn là nghệ sĩ độc tấu violin trong các chương trình hòa nhạc cùng các nghệ sĩ nổi tiếng khác như Bùi Gia Tường, Trung Kiên, Đặng Thái Sơn, Lê Dung, Tôn Nữ Nguyệt Minh.

Ông đã biểu diễn với nhiều dàn nhạc như Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Moscow, Dàn nhạc Thính phòng Nhạc viện Tchaikovsky, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh… Ông được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư (1980), giáo sư (1991), danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (1993) và nghệ sĩ nhân dân (2001).

Ngoài biểu diễn, giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy. Từ 1979 đến 1988, ông làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Từ 1994, ông là Trưởng đoàn Giao hưởng và Chỉ đạo âm nhạc cho Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc-Vũ-Kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) cho đến 2007. Hiện nay ông làm cố vấn nghệ thuật cho HBSO.

Suốt 40 năm qua, giáo sư Tạ Bôn đã góp công đào tạo nhiều nghệ sĩ violin cho đất nước, nhiều người đã là những nghệ sĩ thành công như Tạ Đôn, Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Tuyết Trang, Trọng Bình, Đỗ Phượng Như, Tạ Tôn.

Năm 2007, một đêm diễn nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 của giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn. Cả gia đình ông đều tham gia biểu diễn nên đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Con trai đầu là Tạ Tôn (lúc ấy đang học lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Houston , Mỹ) cùng ông biểu diễn bản Concerto cho 2 violin và Dàn nhạc dây của J.S.Bach. Vợ ông, nghệ sĩ múa, Nhà giáo Nhân dân Kim Dung đã biên đạo một tác phẩm nhỏ trên âm nhạc Elgar để cô con gái Thùy Chi, một tài năng múa trẻ vừa từ đoàn nghệ thuật Trung Hoa Cẩm Tú trở về làm giảng viên Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh, múa mừng bố khi ông chơi tác phẩm "Love’s Greeting của Elgar."

Những thành công của giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn đã cho thấy một niềm đam mê, một nghị lực và một tài năng nghệ thuật suốt đời dành cho violin./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark