28/01/2012 | 08:07:00

Nâng cao vận động xây dựng văn hóa người Hà Nội

Vấn đề nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” luôn được đặt lên bàn tròn. Những kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai cũng như những băn khoăn, kiến nghị để cuộc vận động thực chất hơn, có ý nghĩa hơn đã được những người nặng lòng với nếp sống văn hóa Hà Nội bày tỏ.

Hiện giờ có thể nói, người dân Hà Nội đã thực sự quan tâm tới các vấn đề đặt ra trong cuộc vận động này, nhiều người còn coi đây là việc gắn chặt với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, để tất cả các gia đình hiểu được ý nghĩa tích cực của cuộc vận động không dễ. Bên cạnh những con số mà Ủy ban MTTQ đưa ra: Toàn thành phố có 82,4% gia đình văn hóa, 60,5% khu dân cư tiên tiến, 33,6% khu dân cư văn hóa…, những tồn tại của cuộc vận động vẫn còn đó. Bà Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch Ủy MTTQ TP nhận định: Việc xây dựng văn hóa người Hà Nội ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là khu vực cơ quan, doanh nghiệp. Tỷ lệ gia đình văn hóa chưa thực chất, nhiều nơi nặng về hình thức, con số. Ý thức tự giác thực hiện các tiêu chí văn hóa người Hà Nội trong một bộ phận không nhỏ của người dân còn hạn chế. Làm sao để xây dựng được phong cách ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, khắc phuc được tệ xả rác bừa bãi, làm sao để nếp sống văn hóa trở thành phong trào rộng rãi và ý thức tự giác của mỗi người là trăn trở của những người thực hiện cuộc vận động.
 
Trong những năm triển khai cuộc vận động, mỗi quận, huyện ít nhiều cũng đã tìm ra những hướng đi thích hợp với địa phương mình. Ngoài những quy định của Thành phố, quận nêu rõ những gia đình không tham gia họp tổ dân phố, không tham gia tổng vệ sinh sáng thứ bảy… không được công nhận gia đình văn hóa. Do đặc điểm của quận là có khu phố cổ với kết cấu dân cư đa dạng, đất chật, người đông, nhiều thế hệ cùng sinh sống, nhiều trung tâm thương mại, khách du lịch, quận đã triển khai đề án với các tiêu chí cụ thể, nhấn mạnh việc xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp hào hoa, thanh lịch của người Tràng An, xây dựng nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới. Nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ còn được cụ thể trong thanh niên, phụ nữ, giáo viên, học sinh, đặc biệt là đối với người kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, những hành vi không văn hóa vẫn còn nhiều. Ngay trong việc cưới, việc tang là ví dụ. Có nhiều đám cưới, đám tang của gia đình cán bộ lại tổ chức linh đình, gây xì xào, bàn tán trong dư luận. Do vậy, việc nâng cao chất lượng cuộc vận động này ngoài ý nghĩa thiết thực chào mừng 1.000 năm Thăng Long, còn là vấn đề thời sự, cần sự vào cuộc của nhiều đoàn thể.
 
Ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng VHTT quận Tây Hồ đã đưa ra những kinh nghiệm thực tế tại quận. Theo ông, Ban Chỉ đạo của quận đã luôn cố gắng để cuộc vận động ngày càng đi vào cuộc sống, trở thành ý thức tự giác của mỗi người, ngày càng thực chất hơn chứ không chỉ dừng lại ở những con số. Bản thân các phường đã chủ động và có nhiều sáng kiến trong việc triển khai, đưa ra những mô hình thích hợp với địa bàn mình. Tuy nhiên, phong trào có thực chất hay không, người có vai trò quyết định hơn cả chính là tổ trưởng tổ dân phố. Ban Chỉ đạo cần có hướng dẫn cụ thể để bộ phận này tìm được những giải pháp tác động trực tiếp vào đời sống của người dân, từ đó người dân sẽ hiểu cuộc vận động có ý nghĩa tích cực cho chính bản thân mình, sẽ tự giác tham gia.
 
Để giúp mọi người hiểu rằng, phong cách của người Hà thành chính là nói năng mẫu mực, giao tiếp niềm nở, hơn hết chính những thành viên trong mỗi gia đình phải làm gương cho nhau. Còn để thế hệ trẻ hiểu được cách sống văn mình, thì Đoàn Thanh niên phải vào cuộc.
 
Những người tâm huyết với văn hóa Hà Nội mong mỏi cuộc vận động cần tiếp tục với một cách làm mới, những tiêu chí mới. Những tiêu chí cũng chỉ nên quy định trong một thời gian nhất định, sau đó cần nâng cao để phù hợp với thực tiễn. Ông Giang Quân, cán bộ văn hóa của Hà Nội đặt câu hỏi: Tại sao cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mà lại đặt tiêu chí xây dựng kinh tế lên hàng đầu? Hơn nữa, ở tiêu chí gia đình văn hóa cũng cần đưa tiêu chí nếp sống văn minh vào. Cuộc vận động cần nhìn thẳng vào sự thật là treo biển khu dân cư hay tổ dân phố văn hóa thì dễ, nhưng để mỗi người sống trong đó thực sự văn hóa lại khó. Còn nói như ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, không có gia đình nào là không văn hóa, có chăng chỉ là có gia đình văn hóa tiêu biểu hơn mà thôi. Hơn nữa, danh hiệu này chỉ có trong một năm hoặc một thời gian, vì thế không nên đặt nặng việc phong tặng hay treo bằng./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark