02/11/2012 | 09:02:00

Nét đặc trưng trong tính cách của Hà Nội

Ai là người Hà Nội?
 
Trước khi nói đến tính cách Hà Nội (hay của người Hà Nội), thiết tưởng cần xác định: Người Hà Nội, họ là ai? Người Hà Nội, theo tôi, như nhà văn Sơn Nam viết, cũng giống “Người Sài Gòn tức là người theo phong cách ứng xử tương đối rõ nét theo kiếu dân “Sài Gòn “.

Đó là người nay không còn cư ngụ ở Sài Gòn, đã lưu tán khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới hoặc đã trở thành Việt kiều ở nước nào đó...”([1]). Trong sách “Phỏng vấn người Hà Nội” của nhà báo Phan Hoàng, phần lớn gồm các danh nhân quê ở nơi khác, thành danh ở Thủ đô như Võ Nguyên Giáp, Kim Lân, Đoàn Chuẩn...

Người viết bài này, quê (quê cha đất tổ) Tây Đằng, huyện Quảng Oai, Sơn Tây cũ nhưng sống ở Hà Nội từ năm 1956, cũng tự nhận là người Hà Nội. Nói ngắn gọn “Người Hà Nội” trong bài này là những ai đã sống ở đất này khoảng trên dưới 30 năm, một vòng đời của một thế hệ, như cách nói của nhà xã hội học.
 
Tính cách
 
Nói nôm na là tính nết, tính tình, là tổng hợp nếp nghĩ, nếp cảm, nếp làm, nếp ứng xử tương đối ổn định của số lớn những người bình thường, ‘trung bình” (không phải cá nhân siêu phàm kiệt xuất mà một số nhà nghiên cứu ở ta thường lấy làm căn cứ để suy diễn ra số đông - tuy cá nhân - cái riêng cũng ít nhiều có nét của cái chung, cái phổ biến). Cái khó của khảo sát tính cách của một dân cư trên một vùng đất (địa lý) không chỉ là tìm hiểu những nét riêng như khẩu vị chẳng hạn([2]) mà phải tìm được những nét đậm nhạt, nổi trội, đặc trưng và dễ nhận biết của một quần cư.
 
Nhân đây phải lưu ý một điều: các nghiên cứu tính cách dân tộc hay tính cách một tộc người, cộng đồng một cách nghiêm túc, khoa học thường gây tranh luận. Nói người của vùng nào là “làm ra làm, chơi ra chơi, nhậu ra nhậu” đã chính xác chưa, thế người các tỉnh, địa phương khác thì sao, chẳng nhẽ “vừa làm vừa chơi” “làm không ra làm” hay “làm giả ăn thật?”... Sự so sánh tuy khập khiễng nhưng khó tránh khỏi. Tính cách gồm cả tính tốt và tính xấu, nói nhẹ nhàng hơn là “cái hay” và “cái dở”. Nghiên cứu tính cách Hà Nội là để nhận thức, hoàn thiện, thay đổi nó sao cho tương xứng với tầm vóc của Thủ đô trong thiên niên kỷ mới.
 
Một phác thảo tính cách (người) Hà Nội
 
Phác thảo là chấm phá nét chung, nét lớn, không quá tỉ mỉ để hình dung con người Hà Nội. Dưới đây tôi xin cố gắng nêu đôi điều cảm nhận, suy ngẫm, quan sát và sơ kết, tóm lược về những nét tính cách của người Hà Nội.
 
Chất trí tuệ, văn hiến, hàn lâm
 
Đây có lẽ là một nét tính cách nổi bật và đáng quý hơn cả trong thời đại kinh tế tri thức. Đặc trưng này đâu chỉ ở văn bia tiến sĩ, ở các học giả đầu ngành, ở các nghệ sĩ lớn tầm cỡ quốc gia và khu vực, ở các huy chương vàng, bạc gặt hái ở các kỳ thi Olimpic, ở sự đầu tư cho con cái học hành mà còn ở trình độ dân trí. Biết nhiều, học nhiều, nghe nhiều, nhớ nhiều song có lẽ do tệ tầm chương trích cú, sách vở, dùi mài kinh sử, quen lều chõng trường thi (thi trường nặng hơn thương trường) nên sự học nặng hàn lâm, học để thi cử, để làm quan, làm công chức khiến cho sự thực học, học để làm, để hành nghề, nặng nề cho đến hôm nay.
 
Chất tài hoa, tài tử
 
 Hình như người Hà Nội đích thực không chỉ đa tài, đa cảm mà còn đa tình với cảnh, với người, với con vật và đồ vật. Ai ai ít nhiều cũng có tài (tài vặt?), có hoa tay, làm cái gì cũng khéo nhưng để chơi, để ngắm thay vì để bán, nói gì cũng lưu loát ngọt như mía lùi, sính làm thơ, có đầu óc thẩm mỹ. Sành ăn, sành chơi, có gu, tinh tế, không tạp, nay bắt đầu “sành điệu” trong ăn, uống, mặc, sắm. Cái yếu là ham thích tản mạn, dàn trải, lan man, ít có ưu trên trong lựa chọn và đầu tư chiều sâu. Khéo tay trong nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, chưa giỏi làm dịch vụ.
 
Chất hào hoa, phong nhã
 
Có lẽ tính thanh lịch của người Tràng An xưa còn vương lại người Thủ đô. Phong thái “nghệ sĩ” phóng khoáng mà không phóng đãng, phá cách. Nét hào hoa không chỉ trong cử chỉ, đi đứng, ngồi. Trong lời ăn tiếng nói của người Hà Nội nhiều khi chỉ “thoang thoảng hoa nhài” khiến cho người vùng khác đến cảm thấy có gì hình thức bề ngoài - hời hợt, nặng về xã giao, không lâu bền và thực chất. Lịch lãm, từng trải, ung dung, nhẩn nha, thư thái, chậm rãi, nhàn tản có lẽ là nét đặc sắc hơn cả.
 
Chất kẻ sĩ
 
Ở người Hà Nội, dù là ít học hay bậc thức giả, hình như dễ nhận ra một đôi nét của nhà nho - quân tử, kẻ sĩ: hơi ngang tàng, hơi ngông, bất cần đời và cả tính sĩ diện, không vồ vập, tự trọng, không luồn cúi, hạ mình, hay lý sự, coi nhẹ danh vọng, vô tư uyên bác nhưng lại nghèo. Lịch lãm thanh tao. Khái tính và gàn. Hơi bảo thủ. Không mưu mô, ác tâm.
 
Tính hoà đồng
 
 Người Hà Nội đích thực vì sống ở Thủ đô, nơi hội tụ mọi cái hay, cái dở của mọi miền, ít mắc bệnh địa phương chủ nghĩa, ít kỳ thị, phân biệt đối xử. Biết chơi và chịu chơi, sống chung với đủ loại kiểu người, lối sống, chủ nghĩa. Khó bị hoà tan đánh mất bản sắc riêng. Dễ thích nghi với cái lạ, cái khác. Hoà đồng được là nhờ ở tính bao dung, khoan dung.
 
Tính chừng mực, trung dung, vừa phải
 
Ít khi rơi vào cực đoan, quá khích, thái quá. Một vừa hai phải, đôi khi đâm ra “ba phải”, không ngả, không nghiêng về bên nào. Không thích “đao to búa lớn”. Chính vì các nét tính cách trên mà khó lôi kéo, chinh phục, chi phối, kích động người Thăng Long. Ham muốn, tham vọng luôn ám ảnh, thôi thúc nhưng vì biết cái lực, cái thế, cái thời cái vận của mình nên không ham hố, kỳ vọng, ảo tưởng cái lớn, cái lạ. Coi trọng bình an, yên ổn, an nhàn, an phận, an ninh.
 
Tính tế nhị, tinh tế, kín đáo
 
Ít khi làm phật lòng người khác, hoà nhã, mềm mỏng. Vẻ đẹp của tà áo dài, của thiếu nữ, của nếp suy tư trầm lắng, của sự hay suy nghĩ của người già, của mùi hương thoang thoảng của dạ hương, của hoa nhài, của cách bài trí nội thất, của cách chào mời của người bán hàng trên phố cổ... đó có lẽ là nét độc đáo nhất lôi cuốn lữ khách.
 
Các tiềm năng (của cải, trí tuệ, các nguồn lực, tình cảm, sở nguyện, tâm tư) còn ẩn giấu ở người Thủ đô. Ở đây, ai giàu, nghèo, hèn, tài, bất tài, hình như khó thấy, khó phân biệt vì nhiều lý do khách quan và chủ quan và chưa được khám phá, khởi động, khơi dậy.
 
Tính bền bỉ, tính bền chí (cách nói của Nguyễn Trãi), chịu thương chịu khó cũng là nét đáng quý. Tính bền bỉ chịu khó nhiều khi lại kèm với tính cam chịu, nhẫn nhục, khi bị “hành” ở công đường, bị bắt nạt ở lối phố.
 
Sau 20 năm đổi mới - mở cửa, tính cách Hà Nội đã hình thành và đang định hình ngày một rõ nét với tốc độ thay đổi của thời đại, dân tộc và Thủ đô.

“Hà Nội”, “người Hà Nội” không chỉ là một khái niệm, một kiểu người, một phong cách mà còn là một thương hiệu trong thập kỷ tới./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark