18/02/2010 | 10:47:00

Ngày Xuân xem phụ nữ Êđê Bih đánh cồng chiêng

Đội cồng chiêng Buôn Trấp. (Ảnh: Internet)

Những ngày đầu Xuân Canh Dần, chúng tôi có dịp du Xuân về thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, xem phụ nữ dân tộc Êđê Bih diễn tấu cồng chiêng.

Nhịp chiêng của phụ nữ Êđê Bih không những nổi tiếng buôn gần buôn xa, trong nước mà còn được đi diễn tấu nhiều nơi trên thế giới được bạn bè quốc tế hân hoan tán thưởng nhiệt tình và đây cũng là một trong những điểm nhấn sinh động trong dàn hợp xướng cồng chiêng Tây Nguyên, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với các dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên và Trường Sơn, diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội là công việc của đàn ông và phụ nữ múa, nhưng đối với đồng bào dân tộc Êđê Bih thì phụ nữ lại đánh cồng chiêng, nam giới múa khiên, đấu kiếm theo nhịp chiêng của đội chiêng nữ.

Khi diễn tấu cồng chiêng, các nghệ nhân đội chiêng nữ Êđê Bih thường di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian hàm ý như có ý nghĩa ngược về nguồn cội. Theo các nhà nghiên cứu, đây cũng là một trong những nét đăc thù riêng mà người dân tộc Êđê Bih còn lưu giữ được nguyên gốc.

Dàn chiêng của phụ nữ Êđê Bih thường có 6 chiếc, một chiếc trống (H’Gơr lăn). Trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng trong lúc diễn tấu đúng bài bản, trình tự, theo từng cung bậc…Và cũng chỉ với những bàn tay mềm mại của các H’, amí (các cô, các bà) nắm lại rồi gõ lên những chiếc chiêng núm mà tạo ra những âm thanh trầm bổng của núi rừng Tây Nguyên.

Chào đón chúng tôi trong những ngày Xuân, nhịp chiêng của chị em phụ nữ Êđê diễn tấu các bài chiêng đón khách, mời rượu hay các bài chiêng cổ lúc dồn dập, lúc khoan thai, nhẹ nhàng, lúc ồ ạt…như thấy được cả không gian săn bắn, không khí lao động, không gian lễ hội của buôn làng Tây Nguyên.

Nghệ nhân Amí Đoan, năm nay trên 70 mùa rẫy, cho biết, hiện buôn Trấp có 4 đội cồng chiêng nữ, trong đó có 2 đội cồng chiêng nữ thiếu niên. Các đội cồng chiêng nữ thiếu niên này cũng được các cấp chính quyền địa phương đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân cao tuổi về hướng dẫn, luyện tập từ những bài chiêng đơn giản đến những bài chiêng có tính phức tạp, bài chiêng cổ…tham gia dự diễn tấu trong các dịp lễ hội cấp huyện, tỉnh, toàn quốc tổ chức…

Ông Ama Đoan (chồng bà Amí Đoan) hồ hởi khoe: “Trong hơn 30 mùa rẫy (hơn 30 năm), vợ mình đi diễn tấu cồng chiêng khắp nơi, mang về nhiều giấy khen, bằng khen, tiền thưởng, mình ưng cái bụng lắm. Giấy khen mình treo quanh tường, ai vào nhà cũng trầm trồ khen ngợi…”

Theo các nhà nghiên cứu, người dân tộc Êđê Bih cư trú chủ yếu ở khu vực buôn Trấp, bên dòng sông Krông Ana. Tên gọi buôn Trấp có nguồn gốc là buôn T’rấp, theo tiếng dân tộc Êđê là T’rấp có ngfhĩa là sình lầy, chủ yếu sản xuất lúa nước ven các cánh đồng đầy phù sa màu mỡ của dòng sông Krông Ana.

Theo kết quả điều tra mới đây cho thấy, số người dân tộc Êđê Bih còn rất ít, cư trú quanh khu vực lưu vực Krông Ana và vùng Nam Nung, Nam Ka. Ngay tại buôn Trấp, đồng bào dân tộc Êđê Bih chỉ còn khoảng 100 nóc nhà, với gần 800 người, thế nhưng, bản sắc dân tộc, những giá trị văn hóa độc đáo của ông cha để lại vẫn duy trì, phát triển, nhịp chiêng nữ vẫn vang mãi trường tồn cùng với núi rừng Tây Nguyên./.

Quang Huy (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark