14/05/2010 | 15:54:00

Nghề dao kéo Sinh Từ - có ai còn nhớ?

Phố dao kéo Sinh Từ. (Ảnh: Tô Trâm)

“Sắc như dao kéo Sinh Tài”, liệu đến hôm nay, có ai còn nhớ đến phố dao kéo Sinh Từ nổi tiếng một thời ấy không?

Sinh Từ là tên cũ của phố Nguyễn Khuyến những năm trước Cách mạng tháng Tám. Sau Cách mạng, phố có tên là Bùi Huy Bích và từ năm 1964, phố mới chính thức mang tên là Nguyễn Khuyến.

Người Hà Nội xưa không ai là không biết đến nghề dao kéo của phố Sinh Từ với những sản phẩm dao kéo sắc, bền và đẹp.

Nghề dao kéo Sinh Từ có xuất xứ từ chính làng Canh, thuộc Phủ Hoài Đức, nay là một làng của xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Thuở xưa, nghề rèn dao kéo của Xuân Phương cũng nổi tiếng và tín nhiệm không kém so với làng nghề rèn thủ công của làng Đa Sĩ, Hà Đông.

Vào khoảng thế kỷ 19, ông Nguyễn Đắc Nghị, một nghệ nhân của làng Canh đã mang nghề dao kéo từ quê lên Hà Nội lập nghiệp tại phố Sinh Từ, với cửa hiệu mang tên Sinh Tài (có nghĩa là nhờ lập nghiệp ở phố Sinh Từ mà sinh tài).

Cũng chính ông Nghị là người đã tìm tòi ra cách luyện thép theo phương pháp thủ công, với gang và sắt tây để chế tạo ra các loại dao kéo rất sắc và bền. Sản phẩm đặc biệt của ông chính là những con dao được làm bằng “thép bổ” (tức là dao được làm bằng sắt ở giữa và sắt ốp hai bên).

Loại dao này chủ yếu phục vụ một số nghề đặc biệt như đóng giày dép, cắt lốp ôtô, tỉa xén cây, cắt giấy hàng mã, cắt sắt và dùng trong các nhà hàng, khách sạn thời bấy giờ. Nhờ đó mà tiếng tăm của dao kéo Sinh Tài ngày càng lan xa, lan rộng.

Nhiều lò rèn các tỉnh lân cận cũng học theo kinh nghiệm làm dao kéo của cửa hiệu Sinh Tài, nhưng dường như nghề dao kéo đã trở thành thương hiệu riêng mà chỉ Sinh Tài mới có được.

Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, ở phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến), bao nhiêu cửa hàng dao kéo đã mọc lên biến phố Sinh Từ trở thành một phố chuyên nghề dao kéo.

Nghề dao kéo của phố Sinh Từ cứ thế phát triển từ đời này qua đời khác. Mỗi một thời thì phố nghề này lại có sự thay đổi khác nhau về nguyên liệu chế tác cũng như các sản phẩm tạo ra.

Những năm 1920, khi những chiếc ôtô, tàu hỏa đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thì những thanh nhíp hỏng của ôtô và lò xo toa xe lửa hỏng trở thành nguồn nguyên liệu quý giá để sản xuất ra các loại dao kéo.

Từ những năm 1940, sản phẩm dao kéo của phố Sinh Từ còn được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Thái Lan.

Để có được một con dao ưng ý, xưa kia khách hàng mua dao về không sử dụng trong ba tháng, cho thép "dịu đi", rồi trong một tháng tiếp theo thì ngày nào cũng phải dành một tiếng để mài, sau đó mang lại cửa hiệu để cho nghệ nhân kiểm tra, mới bắt đầu được sử dụng. Một con dao như vậy có thể dùng trong 3-4 năm mới hỏng.

Dao muốn bền, muốn sắc thì đòi hỏi người thợ phải biết chọn thép để sử dụng cho đúng mục đích và tôi thép làm sao cho tốt. Cái khó của người thợ thủ công là phải biết nhìn ngọn lửa, nhìn độ hồng đỏ trên miếng thép đang làm. Nếu để đỏ quá mang ra rèn có thể rút ngắn thời gian làm nhưng hậu quả là thép bị giòn, khi tôi sẽ nứt, nổ, người dùng vô ý đánh rơi sẽ bị gẫy.

Giá thành của dao kéo Sinh Từ vì thế mà cũng có nhiều loại khác nhau, từ bình dân đến xa xỉ. Nhưng chất lượng và uy tín nhất vẫn là dao kéo Sinh Tài, phù hợp với túi tiền người lao động và đặc biệt phù hợp với nghề truyền thống của các làng nghề trên cả đất nước.

Phố Sinh Từ xưa, phố Nguyễn Khuyến hôm nay chỉ còn khoảng 17 cửa hàng bán dao kéo, dù không mấy sầm uất đông vui như trước nhưng các mặt hàng được bầy bán vẫn đầy đủ chủng loại và hầu hết được chế tạo bằng tay.

Thời buổi kinh tế thị trường, nhiều loại dao kéo ngoại nhập khẩu nhưng không thể thay thế được dao kéo truyền thống Sinh Từ.

Người Hà Nội vẫn ưa dùng những chiếc dao phay, dao xén giấy sắc lem lẻm của phố và cửa hàng Sinh Tài vẫn là địa chỉ đáng tin cậy với người tiêu dùng Hà thành vốn nổi tiếng là cầu kỳ và khó tính./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark