12/05/2010 | 08:40:00

Nghiên cứu bốn ngôi đình, đền thờ Lê Phụng Hiểu

Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa thuộc ngành văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh đã điền dã, nghiên cứu, xác định rõ bốn ngôi đình, đền thờ Lê Phụng Hiểu, đóng góp vào việc ghi nhớ công ơn của một nhân vật lịch sử nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa.

Các địa điểm thờ nhân vật lịch sử này gồm đình, đền thuộc thôn Hòa Đình, phường Võ Cường; thôn Niềm Xá, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh; đình làng Nguyệt Cầu, xã Tam Giang, và đình thôn Đông Yên, huyện Yên Phong.

Các ngôi đình, đền này hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý hiếm thời Lê, Nguyễn như bia đá “Phả lục tam vị thành"; bia đá "Sự tích bi kí," "Thần tích niên đại Khải Định thứ 5" cùng nhiều đạo sắc phong.

Với những hiện vật, thần tích, di vật, cổ vật được sưu tầm này, vấn đề thân thế, công lao và sự nghiệp của danh nhân Lê Phụng Hiểu sẽ được tập hợp, nghiên cứu và làm sáng tỏ.

Theo thư tịch và sách sử cũ, Lê Phụng Hiểu sinh ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ tại làng Băng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Vào thời vua Lý Thái Tổ, ông được phong chức “Vũ vệ tướng quân."

Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, Lý Thái Tông lên ngôi. Lúc này xảy ra việc tranh giành quyền lực của Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương. Lê Phụng Hiểu giúp vua dẹp được “loạn tam vương" này nên được nhà vua phong chức “Đô thống vương tướng quân."

Năm 1044, quân Chiêm Thành xâm chiếm đất nước, Lê Phụng Hiểu hộ giá vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc và chiến thắng trở về.

Sau này ông còn nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành lập nhiều chiến công với vương triều Lý.

Tên tuổi, công trạng của ông không những được sử sách lưu danh mà còn được dân gian truyền tụng, lập đền thờ làm thần, làm Thành hoàng làng./.

Đàm Dũng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark