04/12/2012 | 13:49:00

Ngôi chùa cổ nép mình trong phố thị ồn ào

Nhắc tới Ninh Hiệp, có lẽ, ít người biết rằng đây chính là quê ngoại của công chúa Ngọc Hân, vợ người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đây cũng là nơi có một ngôi chùa giữ được khá nhiều kiến trúc và tượng cổ nhưng lại không được nhiều người biết đến. Đó là chùa Nành.

Tôi về Ninh Hiệp giữa cái nắng gay gắt đầu tháng bảy, chợ vải ồn ào tấp nập kẻ bán mua. Tôi hòa vào dòng người ấy, không phải đi tìm cho mình một món hàng mà tìm đến một ngôi chùa hiền từ, nằm trầm mặc phía cuối các hàng vải. Đường vào chùa Nành, hai bên có khá nhiều ao hồ nước xanh ngắt, ngát hương hoa sen, hoa súng nở rộ giữa những ngôi nhà cao tầng san sát lạc vào chút dân dã quê mùa. Khi dừng lại trước cổng chùa, cảm giác thanh tịnh xâm chiếm bỏ lại sau lưng mình tiếng mặc cả kì kèo của chợ búa.

Chùa Nành còn được người dân trong làng gọi bằng cái tên dân dã là chùa Cả. Vì đây là chùa lớn nhất trong cụm các chùa trong làng. Làng còn có ba chùa là: chùa Cả (hay chùa Nành, tên chữ là Pháp Vân tự), chùa Khánh Ninh dựng năm 1664; chùa Đại Bi dựng năm 1673. Quy mô của chùa khá lớn, bao gồm: thủy đình, tam quan, tiền đường, cầu, tam bảo, tả vu, hữu vu, nhà Tổ, điện Mẫu và khu phụ.

Ngay trước cổng chùa là Thủy đình. Đó không chỉ là cách bày trí hợp phong thủy mà còn khiến khách thập phương có cảm giác mát mẻ giữa những ngày nắng gắt. Giữa hồ, có một cái đình nhỏ, kiến trúc thô sơ nhưng đậm nét cổ kính đã ngả màu rêu phong. Tương truyền, nhà thuỷ đình do bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Cảnh Hưng xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII làm nơi múa rối nước trong những ngày hội làng.

Chùa Nành không nguy nga tráng lệ mà khoác cái vẻ cũ kĩ của người già khó tính. Tuy cũng đã qua nhiều lần trùng tu nhưng hiếm có di tích nào lại giữ được vẻ cổ kính trầm mặc như nơi đây. Phía trước thượng điện, chạy dài hai bên là những gian nhà bia - ngói đã lên rêu ngả màu. Những cột gỗ không khoác màu sơn mới mà thẫm màu thời gian. Chính cái vẻ hoang sơ ấy lại cuốn hút khách hành hương viếng chùa. Đến chùa vào những ngày này, du khách chỉ đi qua cổng phụ.

Theo lời những người dân sống quanh đây, cổng chính chỉ mở vào ngày lễ hội. Bước qua cánh cổng ấy, du khách thực sự phải giật mình trước vẻ thanh tịnh, cổ kính hiếm thấy ở đây. Hầu hết mái của các nhà bia đếu khá thấp, ngói lợp dầy, các cột bằng gỗ cũ màu mộc mạc chứ không bóng loáng, không gian yên tĩnh. Hòa thượng Thích Mật Trọng trụ trì ngôi chùa từ năm 1958 và mới mất cách đây vài ngày. Đến chùa Nành vào những ngày này không ngớt tiếng tụng kinh đều đều. Qua nhiều lần trùng tu, song kiến trúc chùa Nành vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Lê với 104 gian, 116 pho tượng. Mỗi pho tượng đều mang một dáng vẻ, một khuôn mặt riêng rất sinh động. Ai đã từng một lần đến chùa Nành và ngắm hình ảnh các pho tượng ấy đều cảm thấy ám ảnh giống như Huy Cận đã từng “đến thăm về lòng vấn vương” khi thăm chùa Tây Phương.

Hội chùa Nành cũng là một trong những lễ hội đặc sắc ở Hà Nội hiện nay. Hội được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 6 tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Tại hội chùa, các trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi, như: bơi thuyền, thi nấu cơm, thi nâng cây phan. Không chỉ là di tích có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, chùa Nành còn là cơ sở hoạt động cách mạng của Trung ương Đảng và Sứ ủy Bắc Kỳ từ 1942-1944. Tại đây các đồng chí lãnh đạo Trung Ương của Đảng thường xuyên đi về ăn ở, họp hành được nhà chùa và nhân dân địa phương nuôi giấu.

Theo lời của những người sống lâu năm ở đây thì chùa Nành cầu phúc, cầu tài, cầu danh cầu lộc, đều thiêng cả. Hầu hết những người đến đây làm lễ đều là khách hành hương quen thuộc. Chùa Nành có quy mô không nhỏ nhưng đường vào đã bị một số hộ dân chiếm dụng để bán hàng quần áo, vải vóc. Thậm chí, ngày thường rất khó để nhận dạng vị trí của chùa vì cổng chính đã bị che khuất bởi lều bạt của các hàng quán, cổng phụ lại nằm trong ngõ phía sau. Vì vậy, người lạ đến muốn vào chùa nếu không có sự giới thiệu trước, phải hỏi người dân địa phương mới biết lối vào chùa. Đó cũng chính là một lí do khiến chùa Nành bị "ở ẩn" bấy lâu nay, mặc dù đây là ngôi chùa có nhiều giá trị về lịch sử, cũng như nghệ thuật. Chùa được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1989.

Ai đã đến chùa Nành, tận mắt chiêm ngưỡng những mái cổ rêu phong đều thấy được đằng sau cuộc sống xô bồ, vẫn còn có chốn cửa Phật tĩnh tâm.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark