11/04/2016 | 10:32:00

Người dân Phùng Xá tập trung phát triển nghề cơ kim khí

Một mặt hàng cơ khí truyền thống của làng nghề Phùng Xá.

Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) từ xưa được biết đến với những nghề truyền thống nổi tiếng như: dệt vải, thêu ren, sản xuất cày, bừa… Thế nhưng trong hơn một thập kỷ qua, nhờ nhạy bén nắm bắt được xu thế phát triển của nền kinh tế, người dân Phùng Xá đã tập trung phát triển nghề cơ kim khí, tạo thành cụm công nghiệp với sự quy tụ hàng trăm doanh nghiệp.

Tương truyền, ngày xưa, trong thời gian đi xứ Trung Quốc, Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan (1528-1613), đã học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa của người Trung Quốc. Sau khi về nước, cụ đã truyền dạy lại nghề này cho dân làng Vĩnh Lộc, Phùng Xá (Thạch Thất). Từ đó, Phùng Xá được biết đến với nghề cơ kim khí sản xuất ra cày, bừa, cuốc, xẻng nhưng quy mô vẫn dừng lại ở hộ gia đình, nhỏ lẻ.

Kể từ thời điểm năm 2006, khi Cụm công nghiệp Cơ kim khí Phùng Xá ra đời, giải quyết được vấn đề quan trọng là mặt bằng để làm xưởng sản xuất, Phùng Xá đã “lột xác” với sự ra đời của hàng trăm doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ.

Theo thống kê của UBND xã Phùng Xá, toàn xã hiện có 134 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), doanh nghiệp (DN) tư nhân và hơn 1.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ở Phùng Xá, trung bình 4 hộ dân thì có một giám đốc hoặc 1 chủ xưởng ngành cơ kim khí. Trong đó, 20% số DN này có doanh thu từ vài chục tỷ đồng cho đến hàng trăm tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 5.000 lao động trong và ngoài địa phương, với thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Văn Sửu, Trưởng Ban Quản lý Cụm công nghiệp Cơ kim khí Phùng Xá cho biết, ngoài việc vẫn sản xuất những sản phẩm truyền thống, các hộ sản xuất kinh doanh trong làng đã mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm cơ khí như: dây thép, cửa hoa, cửa xếp, bản lề, cửa cuốn đến khung nhà bằng thép, xà gồ… Thậm chí đã có cây cầu thép tải trọng vài chục tấn được người Phùng Xá làm.

Đến nay, 100% số hộ sản xuất ở Phùng Xá đã áp dụng các loại máy móc tự động, bán tự động nên năng suất lao động đã tăng lên hàng chục, hàng trăm lần so với sản xuất thủ công của ngày xưa.


Nhiều hộ sản xuất ở Phùng Xá hiện đã đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất cơ khí.

Cơ sở sản xuất Hùng Thực (làng Vĩnh Lộc) mà chúng tôi ghé thăm là một minh chứng cho sự nhạy bén nắm bắt thị trường của người dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ sở sản xuất của gia đình anh bắt đầu làm từ năm 1987 chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống như quốc xẻng, cày bừa. Nhưng nhận biết nhu cầu của xã hội, từ đầu những năm 2000, cơ sở của anh Hùng đã chuyển sang làm sắt thép cơ khí phục vụ cho các công trình xây dựng nhỏ và nhận làm sắt thép gia công cho các doanh nghiệp của Khu công nghiệp Bắc Ninh. Cùng sự sáng chế ra hai loại máy bẻ, máy nắn giúp tăng năng suất lao động lên gấp 5 – 10 lần so với làm thủ công đã mang đến thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Ngoài việc sản xuất sản phẩm cơ khí, Phùng Xá còn trở thành địa chỉ tin cậy trong việc sửa chữa và sáng chế các loại máy móc cơ khí. Cơ sở sản xuất Sơn Việt mà chúng tôi được ghé thăm là minh chứng cho điều này. Được biết, trong ngành cơ khí chế tạo và sửa chữa máy móc, anh Nguyễn Đăng Sơn, chủ cơ sở sản xuất Sơn Việt là người đầu tiên của Phùng Xá nhận sửa chữa máy cơ khí. Khách hàng của Sơn Việt được trải khắp các tỉnh, thành miền Bắc.

Được biết, đầu năm 2015, “làng công nghiệp” Phùng Xá sẽ có thêm 2 khu công nghiệp làng nghề mới. Một khu chuyên cho các hộ sản xuất đồ gỗ và một khu cơ kim khí mở rộng hơn chục ha. Đây chính là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chuyển mình và phát triển không trên quê hương của Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark