05/04/2010 | 14:54:50

Người dân Sơn Hà đi lên nhờ nghề truyền thống

(Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Internet)

Cho đến bây giờ, nhiều người dân ở xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cũng không rõ nghề dệt lưới chã và làm túi da ở đây có từ bao giờ, nhưng nhờ có nghề này mà đời sống người dân đã khá lên dần.

Con đường vào xã xưa kia là đường đất, nay được trải nhựa rộng rãi. Những ngôi nhà cao tầng ngày một nhiều. Là xã thuần nông nhưng nghề phụ ở đây lại rất phát triển và là nguồn thu nhập chính ở Sơn Hà.

Anh Vũ Hùng Cường, cán bộ phụ trách công nghiệp-thương mại-dịch vụ xã Sơn Hà cho biết: “Nghề đan lưới chã đã trở thành nghề truyền thống hàng trăm năm nay ở Sơn Hà, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thôn Thao Ngoại. Nghề dệt lưới chã đã giúp người dân làm giàu trên chính quê hương, giải quyết việc làm cho 70% số hộ trong thôn. Hàng sản xuất ra được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía Nam phục vụ người dân làm nghề đánh cá và các công trình xây dựng nên số hộ làm nghề ở đây sản xuất quanh năm."

Đi trong xóm đạo Thao Ngoại thanh bình, chúng tôi nghe rõ tiếng lạch xạch của máy dệt. Bên khung cửi, anh Vũ Văn Lếp mải mê với công việc thường nhật, đôi tay thoăn thoắt đưa từng sợi cước trắng muốt qua khung dệt, phía cuối khung cửi những tấm lưới vừa chắc, vừa dai cuộn tròn chắc nịch.

Thấy có khách, anh Lếp dừng tay tiếp chuyện: Mỗi ngày anh dệt khoảng 25kg lưới với tiền công được trả là 125.000 đồng, gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp.

Còn theo các cụ già ở Sơn Hà thì xưa kia, các hộ dân chủ yếu đan lưới đánh cá, giá rẻ; nay nghề này vẫn tiếp tục duy trì nhưng người dân chuyển sang dệt bằng máy, năng suất và ngày công lao động cao hơn nhiều so với trước.

Ngoài dệt lưới chã, thôn Thao Ngoại còn làm các nghề thắt lưới đánh cá, dệt tua trang trí hàng mã, làm hoa, may túi. Ông Vũ Văn Ghi, trưởng thôn Thao Ngoại tự hào với nghề truyền thống của quê hương mình nhưng cũng không khỏi băn khoăn bởi các hộ làm nghề luôn thiếu vốn.

Ông Ghi cho biết, do không có vốn nên hầu hết các hộ đều đi dệt thuê cho một số chủ thầu. Họ cung cấp nguyên liệu, các hộ nhận dệt thuê nên thu nhập không cao. Tuy làng nghề phát triển mạnh, đời sống bà con đã cải thiện hơn so với làm nông nghiệp nhưng số hộ giàu chưa nhiều.

Rời Thao Ngoại, chúng tôi được anh Vũ Hùng Cường đưa về thăm thôn Thao Nội. Khác với Thao Ngoại, ở đây bà con chủ yếu làm nghề may túi da đem lại thu nhập cao nhất trong các nghề phụ của xã. Quả thật, dọc hai bên đường của thôn, những ngôi nhà cao tầng san sát mà chủ nhân của chúng là những cặp vợ chồng trẻ làm nghề may túi.

Ông Phạm Minh Hùng, trưởng thôn Thao Nội cho biết: "Đây là lớp người năng động nhất trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương đấy nhà báo ạ." Trong những ngôi nhà cao tầng đầy ắp nguyên liệu may túi, già trẻ, gái trai, ai ai cũng bận rộn.

Thăm cơ sở sản xuất túi da Long-Hương chúng tôi được biết: Vợ chồng anh Long trước đây chỉ làm lót giầy, bao kính. Thấy túi da tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía Bắc, anh tiếp tục mở xưởng may túi.

Anh Long cho biết: “Những năm đầu vợ chồng anh chỉ làm khoảng vài chục chiếc/tháng, đến nay cơ sở của anh đã mở rộng nhờ tìm được mối tiêu thụ ổn định ở các tỉnh phía Nam. Anh đã mạnh dạn đầu tư 15 máy may, thuê thêm 15 lao động với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng."

Vợ chồng Long-Hương chỉ là một trong số 420 hộ làm nghề may túi da của xã Sơn Hà với doanh thu mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Nghề may túi da phát triển đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong và ngoài xã.

Điều đáng mừng là nghề may túi da đang được lớp trẻ tiếp cận và phát triển mạnh, bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tất cả các mẫu mã khách đặt hàng đều được những thợ thủ công lành nghề làm đúng yêu cầu, giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của số đông trong xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Huỳnh, cán bộ Phòng Công thương huyện Phú Xuyên cho biết, nghề dệt lưới chã và may túi da ở Sơn Hà đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong và ngoài xã, thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-thương mại dịch vụ của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề vẫn còn những bất cập như vốn sử dụng để sản xuất của người dân trong làng nghề còn hạn hẹp, quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, hình thức sản xuất nhỏ lẻ.

Năm 2009, cả xã Sơn Hà có 1420 hộ dân, trong đó có 1058 hộ làm nghề, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của xã lên 48 tỷ 939 triệu đồng. Hy vọng một ngày không xa, làng nghề truyền thống Sơn Hà sẽ trở thành một làng quê trù phú với nhiều ngành nghề mới, bắt kịp xu hướng thị trường. Huy động các nghệ nhân, thợ giỏi, hộ gia đình tham gia tích cực công tác truyền nghề, dạy nghề cho người lao động và phát triển làng nghề ổn định, bền vững./.

Tôn-Mai (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark