16/01/2012 | 15:27:00

Người đưa lịch sử vào tiểu thuyết

Trong căn nhà nhỏ nằm ở ngõ phố Trần Khát Chân, kề Ô Đống Mác, Hà Nội, chúng tôi gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của ba bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng trên văn đàn gần đây là: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”.

Năm 1999, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trình làng cuốn tiểu thuyết "Hồ Quý Ly”. Tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1999 - 2000 ), giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Dưới góc độ lịch sử, cho đến bây giờ, Hồ Quý Ly vẫn là một nhân vật còn nhiều tranh cãi. Bằng nghệ thuật tái hiện khoáng đạt, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lật lại lịch sử cuối thời Trần (1225 -1400), góp thêm tiếng nói khám phá xã hội và con người Hồ Quý Ly. Xuyên suốt tác phẩm là bi kịch của Hồ Quý Ly, người cách tân đi trước lịch sử. Đồng thời tiểu thuyết còn là bức tranh đẹp về ngàn năm văn hiến với những địa danh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt thôn dã, những lễ hội dân gian, những phong tục tốt đẹp… được lưu truyền hay đã bị mai một theo năm tháng.

Tác phẩm “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh do Nhà xuất bản Phụ nữ - Hà Nội xuất bản 2009 là một cuốn tiểu thuyết viết về đề tài văn hóa phong tục Việt Nam, được thể hiện qua cuộc sống của những người dân ở một làng quê vùng bán sơn địa Bắc Bộ hồi cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Trong bối cảnh Pháp xâm lược Việt Nam, đạo Phật bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa lan rộng, người dân quê trở về với đạo Mẫu, một tôn giáo có từ ngàn đời. "Mẫu thượng ngàn" còn là câu chuyện tình yêu của những người đàn bà Việt trong khung cảnh một làng cổ. Đó là tình yêu vừa bao dung, vừa mãnh liệt của những người phụ nữ với bao đắng cay nhưng đầy chất phồn thực, bi hài quyện với mộng mơ và cao thượng. “ Mẫu thượng ngàn” cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử xã hội về Hà Nội cuối thế kỉ XIX gắn với việc người Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, việc xây Nhà thờ lớn, cuộc chiến của nghĩa quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc với người Pháp... “Mẫu thượng ngàn” cho thấy bút pháp mạnh mẽ sâu sắc, trữ tình đầy ấn tượng ở nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Đặc biệt, năm 2001, mượn tứ câu ca dao cổ “Ba cô đội gạo lên chùa, Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết cuốn tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”. Cuốn sách đã dẫn dắt độc giả vào cuộc phiêu lưu kì lạ, vượt qua quãng thời gian dài của cuộc kháng chiến chống Pháp đến đầu hòa bình lập lại sau 1954. Hai chị em chú bé An, sau một trận càn dữ dội của giặc Pháp, cha mẹ đều chết, đã phải bỏ quê hương trốn chạy. Họ trôi dạt đến một ngôi chùa, được sư cụ dang tay cứu vớt. Số phận An được gắn với chùa Sọ và làng Sọ, quê hương mới của An. Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” được viết theo lối cổ điển, mang tính luận đề về ảnh hưởng của đạo Phật. Sống động và giàu sức thuyết phục, tiểu thuyết khắc họa sâu sắc nét đẹp của văn hóa Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. “Đội gạo lên chùa” còn là sự gợi mở về lối sống Phật giáo trong xã hội hiện đại ngày nay. Theo nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” vẫn là câu chuyện về một làng quê, chỉ khác là được nhìn từ một ngôi chùa hằng gắn bó với số phận người nông dân và văn hóa làng. Ông cho rằng, sứ mệnh của văn chương phải nói được những tầng sâu ẩn ngầm của dân tộc chứ không phải chỉ là vấn đề của từng cá nhân.

Có thể nói, với ba bộ tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “ Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” người đọc không chỉ được tiếp cận và khám phá nhiều điều thú vị, hấp dẫn về những vấn đề văn hóa, lịch sử của dân tộc bằng ngôn ngữ của văn học, mà còn được biết đến một Nguyễn Xuân Khánh giàu lòng yêu quê hương, quý trọng những vốn di sản văn hóa của dân tộc. Và cũng chính từ ba bộ tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã thổi một luồn gió mới góp phần làm tươi mới hơn cho nền văn học của Việt Nam vốn đang còn buồn tẻ như hôm nay./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark