11/06/2011 | 10:00:00

Người giữ hồn văn hóa cho người Mông bản Phố

Ông Lý Seo Hồ sau màn biểu diễn múa khèn. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Bỏ lại phía sau tiếng vó ngựa trên những con đường đất quanh co bụi tung mù, chúng tôi tìm đến nhà ông Lý Seo Hồ, “kho tàng sống” văn hóa truyền thống của người Mông ở bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Tìm về bản sắc người Mông

Trong căn nhà vách liếp lưng chừng núi phảng phất mùi rượu ngô, thoáng thấy khách, ông Lý Seo Hồ vồn vã mời chào. Chưa kịp yên vị, ông đã cầm lấy chai rượu rót ra mời những vị khách đang còn ngác ngơ giữa không gian tuềnh toàng và lờ mờ sáng.

Trước vẻ bối rối của khách ông già họ Lý cất tiếng cười khà khà bảo: “Uống đi, rượu ngô bản Phố đấy. Phải uống xong nghe hát mới hay, có 60 độ thôi mà.”

Sau ly rượu thay lời chào, người đàn ông nay đã gần 70 tuổi say sưa giới thiệu cho chúng tôi về điệu múa sênh tiền, múa khèn món võ tay không… được coi là tinh hoa văn hóa dân tộc Mông mà ông đã miệt mài gìn giữ suốt 50 năm qua.

Với tay lên nóc tủ nơi để cặp khèn, chiếc gậy sênh tiền ông Hồ khoe tuổi thọ của những nhạc cụ đó cũng xấp xỉ tuổi thọ mình. Rồi bước nhanh ra sân, vừa vẫy tay vừa nói: “Ra sân xem biểu diễn cái bản sắc dân tộc người Mông đi.” Đoàn khách cả Việt lẫn Tây lại lục tục nối gót.

Tiếng khèn gọi bạn cất lên giữa buổi chiều bảng lảng khói sương vùng sơn cước như đưa người nghe về với những đêm chợ tình phố núi, nơi những đôi trai gái Mông tranh thủ những buổi hò hẹn để khoe điệu khèn hay và xúng xính váy áo xập xòe…

Khách còn đang chìm đắm trong không gian lả lơi của điệu khèn, ông Hồ đã tiếp tục với tay lấy “đạo cụ” sênh tiền trổ một hồi điệu múa cổ truyền thống. Tiếng lách cách của những lá nhôm nhịp theo từng cái hất tay, từng bước tiến lùi, trông đơn giản thế thôi nhưng lại chứa trong đó cả văn hóa tâm linh của dân tộc Mông.

Những động tác múa võ khi cương khi nhu lúc lại thư thái, uyển chuyển giữa miền sơn cước khiến cho đám trẻ vốn chỉ quen với cuộc sống nơi thị thành không khỏi lạ lẫm, thán phục.
 
Sau một hồi “biểu diễn” dường như đã thấm mệt, mặt đỏ lựng, ông Hồ kết thúc động tác và quay sang hớp thêm chén rượu tăng phần khí thế.

Ông nói nửa như phân trần nửa như kể lể: “Già rồi, ngày thì đi chăn bò ngoài bãi, chiều về chẳng biết làm gì uống chén rượu suông cho vui, gặp khách thì múa hát chứ thời buổi này thanh niên bản chỉ thích làm ăn, thích nhiều tiền hơn là học những cái truyền thống ấy.”

“Kho tàng sống” bản Phố

Vốn lận lưng của ông Lý Seo Hồ là 360 bài hát dân ca cổ dân tộc Mông với rất nhiều điệu múa, tiếng khèn, đánh võ tay… Tất cả được ông học và tích lũy chỉ trong vòng bốn năm (từ dạo mới đôi mươi). Với vốn liếng ấy, giờ đây ông trở thành “kho tàng sống” cho những ai muốn tìm hiểu về bản sắc người Mông ở Lào Cai.

Thế nên, người đàn ông cả đời chỉ quanh quẩn nơi bản Phố nay đã quen với việc mỗi ngày tiếp từ 3-4 đoàn khách Việt cũng có mà Tây cũng đông.

Ông Hồ bảo, con trai Mông biết múa khèn, chơi đàn môi lúc mới 12, 13 tuổi còn ông không chỉ biết múa mà còn tìm hiểu rất kỹ về nhạc cụ của dân tộc mình. Chỉ tay vào cây khèn ông giải thích rằng, khèn là loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông, được chế tác bằng ống tre.

Muốn làm được chiếc khèn hay và bền thì người con trai Mông phải mất cả tháng vào rừng tìm cho được cây tre đực, không lấy ngọn, cũng không lấy gốc chỉ lấy phần giữa rồi cho thêm những tay tre già, đục lỗ rồi buộc dây sao cho khi cầm cây khèn lên vừa nhẹ nhưng lại chắc, thổi lên tiếng phải trong.

Nhạc cụ này chủ yếu cho nam giới sử dụng trong đám tang và thanh niên dùng trong những ngày hội hè. Không chỉ để thổi khèn còn dùng để múa. Cứ mỗi mùa hoa mận nở trắng rừng thanh niên trai gái bản lại tụ tập nhau bên điệu múa và tiếng khèn. Nhưng ngày nay không còn nhiều chàng trai Mông biểu diễn được khèn nữa.

Vì thế, ông Hồ được coi như người giữ hồn cho đồng bào Mông. Bao năm qua ông vẫn miệt mài gìn giữ những câu hát ấy với ước mong ngày càng có nhiều thanh niên Mông học những bài hát điệu múa đó để cùng ông giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

Và ngày ngày vẫn có nhiều người tìm đến ngôi nhà nhỏ giữa lưng chừng núi để nghe ông hát những câu gọi bạn mà người Mông hay hát trong những phiên chợ tình.

Ông lo rằng rồi mai đây thanh niên Mông sẽ không còn ai hát những câu như: “Ta không lấy được mình làm vợ như con chim lẻ bóng nơi chân trời, mình và ta nên vợ nên chồng như chim trên rừng làm tổ khi xuân về.”

Tạm biệt ông Hồ khi ngoài kia trời đã bắt đầu giăng sương và không khí đã bảng lảng khói lam chiều, chúng tôi còn nghe văng vẳng tiếng ông hát: “Gió thổi lá cây bên suối, nếu ta là hạt mưa sương ta xin tan dưới bàn chân nàng”./.

ChiLê (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark