03/10/2009 | 08:00:00

Người giữ lửa cuối cùng của phố Lò Rèn

Ông Nguyễn Phương Hùng lo lắng mai này biết ai còn giữ lửa cho phố (Ảnh: Chí Dũng/Vietnam+)

Khối sắt đỏ rực được người thợ cẩn thận nhấc lên, nhúng vào xô nước ì xèo vui tai đến lạ. Chủ nhân của bễ lò cuối cùng của phố Lò Rèn, ông Nguyễn Phương Hùng quệt mồ hôi ngang mặt nói: Cả phố này chỉ mỗi nhà tôi làm rèn thôi.

Bây giờ, khi đến phố Lò Rèn cũng chỉ còn một bễ lò của ông Hùng tại số nhà 26 vẫn còn trơ gan đỏ lửa thách đố cùng với những biến chuyển dâu bể của thời cuộc. Còn mọi thứ gợi nhắc đến phố cũ nghề xưa dường như đã gần biến mất.

Đình xưa mất dấu

Đi dọc phố Lò rèn bây giờ là các hàng cửa sắt, cửa kính, giữa phố là cửa hàng điện máy mini nhộn nhịp khách ra vào. Với chủ đích đi tìm những thợ rèn còn sót lại của 36 phố nghề Hà Nội xưa, giờ với chúng tôi thật khó.

Tại ngôi nhà cũ kỹ mang kiến trúc từ thời Pháp thuộc, ông Nguyễn Thanh Sơn nói rằng nơi đây gia đình ông cư ngụ và cũng chính là ngôi đình thờ ông tổ của nghề rèn khi xưa.

Ông Sơn hiện cũng là ông Từ trông đình này đã ngót nghét gần hai chục năm. Trước đây cả nhà ông vốn cũng theo nghề rèn nhưng tới đời ông thì không còn.

Ngôi nhà số 1 ở phố Lò Rèn này được chia thành 2 tầng rõ ràng, tầng một là nơi và gia đình ông Sơn sinh hoạt ăn ở hàng ngày, còn tầng 2 diện tích khoảng 20m2 là nơi thờ ông tổ nghề rèn.

Trong kí ức của ông Từ đình Lò Rèn thì những ngày ông còn thơ bé, ngôi đình là khuôn viên rộng trên dưới 400m2 được xây bằng gỗ, mái đình cong vút giữa mây trời. Vào khoảng thời gian những năm 50 của thế kỷ trước thì đình thờ xây mới và sau một thời gian sau đó bàn thờ cũng bị di dời trên gác 2 của ngôi nhà như bây giờ.

Biết khách ghé thăm để tìm lại dấu tích của ngôi đình, ông Sơn bảo trước đó cũng có vài đoàn người đến đo đạc cẩn thận, đi tìm lại những dấu vết khi xưa nghe bảo để xác nhận di tích nhưng đều bất thành.

“Có đoàn khách tây đến người ta đo đạc từ dưới nền nhà lên cả nền mái đình, rồi đo cả chiều dài, chiều rộng. Sau đó cũng hỏi cụ thể về sự tích của đình. Nhưng tất cả các đoàn đến rồi đi, tới giờ đình này cũng chưa được công nhận gì hết cả”, ông Sơn nhớ lại.

Kể về sự tích ngôi đình ông cho biết, nơi đây từng là nơi chứng kiến của những sự kiện lớn gắn liền với nghề rèn.

Cụ thể: Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, Nghiệp đoàn thợ rèn đã được thành lập tại đình Lò Rèn. Rồi đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Mọi hoạt động của công nhân Liên đoàn thợ rèn đều được tổ chức tại đình này.

Ngược dòng thời gian, ông Sơn kể rằng phố Lò Rèn khi xưa vốn là phố Hàng Bừa, cũng làm nghề rèn nhưng khi Pháp sang đổi lại tên và được giữ mãi tới bây giờ. Ông Sơn bảo, chính người Pháp đã mang theo nghề rèn công nghiệp tới con phố này.

Các sản phẩm khi đó, chủ yếu là rèn theo đơn đặt hàng của Pháp như bulông theo đơn hàng của công trình xây dựng đường sắt Hà Nội đi Vân Nam và Hà Nội đi Sài Gòn. Rồi tất cả các đồ sắt cho các công trình xây dựng công sở, xây dựng các công trình văn hoá công cộng lớn như cửa sắt hoa, hàng rào, cổng, bản lề... đều được người thợ rèn ở Hà Nội làm ra.

Và nhiều mặt hàng công cụ người thợ rèn Hà Nội chế tạo rất đẹp và bền như khoan, kìm, búa, đục...

Tuổi thơ và phân nửa cuộc đời ông Sơn gắn liền với cái bễ rèn, theo cha học làm thợ đến nay cuối đời lại làm ông Từ cho chính ngôi đền thiêng mà dân người làm nghề rèn vẫn hằng tâm niệm: Đi đâu làm gì cũng có tổ nghề!

“Nhưng nay cả con phố thời tuổi thơ tôi cũng mất dấu dần theo thời cuộc”, ông Sơn ngậm ngùi.

Bễ lò cuối cùng của phố

Theo lời mách của ông Từ coi đình, chúng tôi đi dọc con đường nhỏ mong gặp được “ngọn lửa cuối cùng phố Lò Rèn”. Không khó để chúng tôi nhận ra cửa hàng của ông Nguyễn Phương Hùng.

Nằm ở vị trí khá đẹp, gần ngã tư phố Thuốc Bắc - Lò Rèn nhưng căn nhà nhỏ số 26 như lọt thỏm giữa rừng cửa hàng khung hoa cửa sắt nườm nượp khách ra vào. Ngồi trước cửa hiệu có duy nhất một anh chàng kỹ sư trẻ đang đợi ông chủ sửa giúp dăm chiếc đục đã mòn vẹt.

Tiếp chúng tôi là người đàn ông chừng ngoài 40 tuổi, dáng người to cao, nặng nề nhưng đôi mắt thì nhanh như cắt và sắc lẻm. Ông Hùng tay nện búa chan chát xuống chiếc đục bê tông còn rực lửa, ánh thép sáng chói bắn tung tóe. Thấy chúng tôi giật mình, ông cười khà khà giương chiếc tạp dề thủng lỗ chỗ nói: “Chắc cũng ít khi các anh được ngồi gần cái bễ, cái đe thế này hả. Cũng phải thôi, Hà Nội thì còn đâu lò rèn nữa mà ngắm”.

Ông Hùng kể: “Nhà tôi theo nghề rèn từ đời ông nội, tính ra cũng 3 thế hệ rồi. Cũng chả được học nghề hẳn hoi gì đâu, chả là từ bé đã ra phụ giúp bố, cứ nhìn bố thổi bễ, cầm búa, làm theo mà nên nghề thôi”.

Ông chủ cửa hàng rèn trầm giọng kể chúng tôi nghe về câu chuyện đời. Thời trẻ ông cũng từng bỏ ngang nghề rèn để theo nghiệp hàn: “Ngày đó làm trong xí nghiệp, tôi cũng là tay hàn chắc nghề đấy, nhưng rồi nhà máy giải thể. Ngẫm đi ngẫm lại, mình lại quay về kiếm miếng cơm với nghề rèn của cha ông. Âu cũng là cái duyên trời định”.

Phải duyên với nghề cả ngày chan chát tiếng búa tiếng đe rồi ông Hùng cũng “yêu” nó lúc nào không biết. “Bây giờ một ngày mà không được ngồi vỉa hè còng cọc cái búa hay nghe tiếng xèo xèo của sắt nóng gặp nước lạnh thì nhớ không chịu được”.

Nhớ lại thời xa xưa, ông Hùng kể rằng, ngày trước, kiếm được 5.000 đồng đến 10.000 đồng một ngày là oai lắm đấy, thời đó chăm làm là sống sướng. Nhưng nhu cầu vật liệu xây dựng tăng lên, người ta chuyển qua làm khung hoa, cửa sắt cho nhàn lại dễ làm, lời cao.

"Nói ra thì đau lòng nhưng cả khu phố nổi tiếng ngày nào bây giờ tính ra còn đúng hai nhà làm rèn, đó là tôi và ông già cuối phố. Nhưng nhà đó bây giờ cũng dần chuyển sang bán bún ốc rồi, bễ rèn xếp xó cả tháng trời có thấy nổi lửa đâu", ông Hùng bộc bạch.

Vò chiếc mũ lưỡi trai đã ngả màu tro lau mồ hôi, người thợ rèn độc nhất của con phố vang tiếng ngày nào tiếp lời: “Nghề này vừa nóng nực vừa nặng nhọc, vất vả. Bọn trẻ bây giờ lại chỉ thích điều hòa, quạt mát nên chả còn ai theo nghề cũng đúng thôi. Cứ như hai thằng nhỏ nhà tôi, trai tráng cả rồi nhưng chỉ ra phụ bố dọn dẹp đồ đạc cuối ngày, chứ bảo làm thì chịu”.

Lãng đãng trong dòng suy tư, ông Hùng tâm sự: “Thực tình mà nói thì vài năm nữa, khi các con trưởng thành, có gia đình, công ăn việc làm ổn định cả thì chắc gì tôi đã theo nghiệp cầm búa này nữa. Vậy thì cái nghề này, con phố này”, ông Hùng lắc đầu bỏ lửng câu nói.

Người ta vẫn bảo, nghề thợ rèn là nghề ồn ào bởi cả ngày chí chát tiếng đe, tiếng búa. Nhưng, trên con phố Lò Rèn vang danh năm nào, tiếng búa, tiếng bễ nơi cửa hàng rèn duy nhất còn sót lại sao yên ắng lạ kỳ. Lặng im trên con phố, mọi thứ như bị nuốt chửng bởi tiếng xèo xèo của máy cắt kim loại và dòng xe cộ ồn ã./.

Chí Dũng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark