14/07/2010 | 16:53:00

Người nghệ sĩ già lặn lội phục sinh múa cổ

Múa Bài Bông. (Nguồn: Internet)

Giấu mình dưới những tán đa cổ kính đất Thăng Long, trong những mái đình làng là rất nhiều điệu múa cổ xưa có giá trị văn hóa đặc biệt.

Tiếc nuối những giá trị văn hóa độc đáo có nguy cơ biến mất, những “lão tướng” độ tuổi xưa nay hiếm, bao gồm những nghệ sĩ đã về hưu của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, đã lên đường đi tìm điệu múa cổ xưa.

Những bước chân khắp nẻo

Có ai ngờ, ba liên hoan múa cổ Thăng Long hoành tráng diễn ra liên tiếp vào ba xuân (2007, 2008, 2009) mà Hà Nội có được lại do công sức của những vị nghệ sĩ già, tuổi cao, sức yếu.

Những năm 2005, 2006, 2007, hơn chục nghệ sĩ của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, bao gồm những tên tuổi như nghệ sĩ nhân dân Liên Ngọc Canh, Trần Lê Cung..., mà người ít tuổi nhất cũng đã 60, cao tuổi nhất là 80, đã lặn lội khắp các vùng quê Hà Nội.

Người đầu tiên khởi nguồn hành trình là nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh - nguyên Giám đốc Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội.

Từng đi sưu tầm, nghiên cứu múa ở nhiều vùng khác nhau của Hà Nội và chủ nhiệm chương trình “Kế thừa, phát triển nghệ thuật múa cổ Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội,” đã nghiệm thu và xuất bản thành sách, nhưng nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh nhận thấy công trình đó chưa đủ, chưa xứng tầm và cần thực tế chứng minh.

Vì vậy, cần tiến hành một công trình phục hồi múa cổ Thăng Long, nhất là khi Hà Nội đã gần 1000 năm tuổi.

Hỏi lý do tại sao các bác không nghỉ ngơi, dành thời gian nghiên cứu, đọc sách mà lại chấp nhận đường trường vất vả, có nghệ sỹ trả lời giản dị: “Mình không làm thì ai làm. Lớp trẻ, hiện đại bay giờ không chịu làm, nếu mình không làm thì các giá trị văn hóa độc đáo sẽ mất hết.”

Mỗi nghệ sĩ tham gia chương trình nhận phụ trách tìm hiểu một làng, bắt đầu những chuyến đi về dài dằng dặc, mê mải, liên tiếp. Khi thì nhờ con cháu đưa đi, khi bắt ôtô khách, có lúc gọi cả xe ôm, có người còn tự đi xe máy từ làng này sang làng khác.

Trong thời gian giúp dân làng luyện tập phục hồi các điệu múa, việc về đến nhà khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm là chuyện bình thường với các lão tướng. Tập quên mệt, quên đói, có hôm từ 2 giờ chiều đến 11 giờ đêm mới mua cái bánh mì ăn tạm.

Những ngày giáp Tết, khi nhà nhà đang chuẩn bị sắm tết cho gia đình thì những người phụ nữ trong nhóm phục dựng múa cổ vẫn ở trong một làng nào đó. Tết vừa rồi, các lão tướng chỉ chịu nghỉ khi nghệ sĩ nhân dân Ngọc Canh bảo các cô tạm dừng làm việc từ ngày 28 Tết.

"Cả làng cùng vui" và ý nghĩa cuộc đời

Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh kể lại, thường thì đa phần các cán bộ xã trẻ đều ngơ ngác, rằng làng mình không hề có điệu múa ấy. Nhưng may mắn là sau khi xem các tài liệu nghiên cứu, họ đều rất nhiệt tình giúp đỡ, khi chợt nhớ ra điều gì, chợt nhớ đến ai còn có thể biết đến điệu múa.

Có thể nói, những bước chân của các nghệ sĩ đã đem đến một tinh thần, một sức sống mới lạ lẫm cho dân làng. Các điệu múa từ cổ xưa nay tưng bừng sống dậy. Sáng sáng, chiều chiều, sân đình làng lại vang tiếng nhạc, người già cùng trẻ con hăng say tập múa.

Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Canh kể lại một kỷ niệm đặc biệt: “Đến làng Phú Nhiêu, nói đến múa Bài Bông, nghệ nhân Nguyễn Thị Ga đã 92 tuổi như trẻ lại, vẫn kể vanh vách từng điệu múa cổ, hào hứng nhận truyền lại điệu múa cho các thế hệ sau.

Tại nhiều làng, có cụ say sưa tập đêm, tập ngày. Có buổi chiều lạnh chứng kiến cụ cởi trần, tập múa gậy, chúng tôi ứa nước mắt, khoác cho cụ tấm áo ấm. Các cụ là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi.”

Múa Phật giáo cũng có rất nhiều sản phẩm đặc sắc, nhưng thuyết phục được các nhà sư không phải là dễ, bởi họ quen sống khép kín, khiêm nhường, bình tĩnh. Nhưng rồi trước tấm chân tình vô tư, trong sáng của các nghệ sĩ già, cuối cùng, các nhà sư đem đến những điệu múa đẹp nhất cho chương trình múa cổ.

Dĩ nhiên, điều khiến các nghệ sĩ buồn nhất là khi những hy vọng hồi sinh một điệu múa hoàn toàn tắt ngấm.

Hết sức ấn tượng với múa chén của phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), nhưng khi nghệ sĩ Hồng Hà (76 tuổi) đi xe máy tìm đến thì những người biết về điệu múa đều đã là người thiên cổ.

Sau gần hai năm lặn lội làng này xóm khác, tập luyện ngày đêm, vui vẻ xen lẫn thất vọng, các nghệ sĩ đã phục hồi được hơn 30 điệu múa cổ. Như vậy, trong danh sách 54 điệu múa, thì số mất đi là non nửa. Nhiều điệu múa còn rải rác nhiều nơi, các nghệ sĩ rất tiếc chưa đi đến được.

Nói về ba liên hoan múa cổ Thăng Long hoành tráng với sự tham gia của hàng ngàn nghệ nhân và các diễn viên không chuyên, nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh bồi hồi: “Người tổ chức vui. Người chỉ đạo vui. Người thực hiện vui. Cả làng cùng vui. Đây đúng là một câu chuyện ý nghĩa nhất trong cuộc đời mà chúng tôi có được”./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark