11/09/2010 | 15:50:00

Người phụ trách âm thanh trong ngày Độc lập

Nguyễn Dực và vợ, bà Lê Thị Tý.

Ông chủ cửa hiệu radio Hà thành Nguyễn Dực trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước: phụ trách âm thanh trong ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, 2/9/1945.

Lần nào kể lại câu chuyện vào ngày 2/9 với các con, ông Nguyễn Dực cũng xúc động và tự hào. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: "Khi vừa chào cờ xong thì Hồ Chủ tịch nhìn vào ba micro và khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt hiệu Phillips ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên và lập tức có tiếng "phù" từ cái loa dội lại khá to. Hồ Chủ tịch lùi lại một chút rồi nói: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", phía dưới lập tức vang lên: "Có ạ!"...

Với Nguyễn Dực và cả gia đình ông, hạnh phúc và vinh dự lớn nhất là ông được trực tiếp góp phần chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của quốc gia, dân tộc.

Là con thứ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Dực không phải là cái tên được nhắc đến nhiều như những người anh em Nguyễn Kỳ, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Giang, Nguyễn Phùng trong gia đình danh giá này. Năm 15 tuổi, cha mất, cảnh nhà sa sút, Nguyễn Dực quyết định theo học ngành lắp máy ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội.

Ông sớm lập được sự nghiệp riêng. 20 tuổi, Nguyễn Dực đã nổi tiếng khắp kinh kỳ với cửa hiệu Nguyễn Dực radio, 43 Hàng Bài, cửa hàng âm thanh lớn nhất Hà Nội thời đó. Khách hàng của ông khi ấy là các chủ rạp chiếu bóng, đồn điền, chủ các hãng kinh doanh nước ngoài. Công việc làm ăn thuận lợi, đời sống vật chất đầy đủ không khiến ông thờ ơ với tình hình đất nước. Được các cán bộ cách mạng như Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt giác ngộ, từ đầu những năm 1940, Nguyễn Dực đã thường xuyên đem hệ thống loa máy của gia đình đi phục vụ công tác tuyên truyền của cách mạng.

Ông là người "đứng đằng sau nhiều sự kiện cách mạng trọng đại" theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của cụm từ này. Tháng 8/1945, ở cuộc míttinh ngày 17/8 của Tổng hội Viên chức tại Nhà Hát Lớn biến thành diễn đàn của Việt Minh, toàn bộ trang thiết bị âm thanh đều do Nguyễn Dực mang từ cửa hàng cá nhân đi phục vụ. Người vợ trẻ đang mang thai con gái đầu lòng ở tháng thứ bảy cũng tham gia may lá cờ Việt Minh khổ lớn cho ngày đại lễ.

Sau thành công của lễ míttinh ngày 17/8/1945, Nguyễn Dực hăng hái tham gia các phong trào giành lại chính quyền ở các địa phương lân cận. Ông cũng là người trực tiếp lắp đặt hệ thống đài phát sóng đầu tiên ở Việt Nam. Lời: “Đây là đài tiếng nói Việt Nam…” lần đầu vang trên cả nước vào ngày 25/8/1945 là do ông đọc.

Lắp đặt thành công hệ thống phát sóng, Nguyễn Dực tiếp tục tham gia giành lại chính quyền ở Ninh Bình. Tuy nhiên, khi vừa tới Ninh Bình, ông được đại diện Tổng bộ Việt Minh Trần Quang Huy cử về Hà Nội gấp, với lý do "có việc quan trọng."

Chỉ đến vị trí bàn giao đài phát cho Sở Vô tuyến điện theo yêu cầu của ông Trần Quang Huy, Nguyễn Dực mới biết việc quan trọng ấy là chuẩn bị âm thanh cho một cuộc míttinh rất lớn tại vườn hoa Ba Đình.

Nguyễn Dực cùng với ông Ngô Huy Quỳnh, kiến trúc sư dựng lễ đài bắt tay ngay vào việc. Ông được phân công nhiệm vụ mắc một hệ thống truyền thanh cho hàng vạn người nghe.

Ông tâm niệm, đây là sự kiện lớn, phải cố gắng. Ông đã tính toán rất kỹ trong thời gian ngắn, về việc dùng loại tăng âm, loa, micro và vị trí đặt thiết bị đáp ứng yêu cầu truyền thanh quy mô lớn... Cuối cùng, chiếc loa xa nhất được đặt ở khu vực nhà thờ Cửa Bắc, chiếc loa gần nhất đặt ở gần vườn hoa Canh Nông (nay là công viên Lenin). Công việc hoàn thành vào ngày 1/9.

Ngày 2/9, khi Bác Hồ đứng trên lễ đài đọc tuyên ngôn Độc lập, ông Dực gần như nín thở nhìn vào đèn tín hiệu theo dõi hệ thống âm ly.

Và như bao người dân đất Việt khác, ông hạnh phúc đến trào nước mắt, khi từ vườn hoa Ba Đình, tiếng Bác vang vọng, với những lời đanh thép khẳng định quyền độc lập của nước Việt Nam./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark