08/03/2015 | 06:26:00

Người thợ đàn đất Thăng Long chế tác các loại nhạc cụ dân tộc

Chúng tôi đến xưởng đàn của ông Cao Kỳ Kỉnh ở ven chợ Thành Công (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) gặp lúc ông đang cắm cúi xẻ gỗ làm cần đàn cho đàn nhị.

Cao hứng khi có khách đến nói chuyện, ông đứng dậy lấy cây sáo tre ra thổi... Tiếng sáo vi vút lúc trầm lúc bổng cuốn hút chúng tôi.

Ông Cao Kỳ Kỉnh quê ở làng Quế Dương, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông lớn lên trong gia đình có nghề làm nhạc cụ.

Năm 2004, vợ chồng ông lên Hà Nội bán hàng mưu sinh. Những lúc rảnh rỗi, ông lựa gỗ đẽo làm đàn rồi chiều tối mang ra chơi. Dần dà, nghe tiếng đàn, nhiều người ưa thích tới đặt mua nên từ đó ông Kỉnh mở xưởng chế tác đàn ngay tại nhà.

Sau một thời gian mày mò, dày công nghiên cứu, ông chế tác được hầu hết các loại đàn truyền thống của dân tộc.

Để tìm nguyên liệu chế tác đàn, ông lặn lội về tận quê nhà ở Quế Dương lùng sục khắp nơi mua những loại gỗ tốt như vông, gạo, lim, trắc, thông (loại không có dầu).

Những loại nhạc cụ lần lượt ra đời nhờ sự kiên trì, mày mò, sáng tạo của ông Kỉnh. Ông Kỉnh vừa là chủ và cũng vừa là người thợ duy nhất của xưởng đàn.

Xưởng đàn của ông đã sản xuất được 20 loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn tính, đàn đáy, đàn tam thập lục, đàn tỳ bà, đàn hồ, đàn nguyệt, tiêu, sáo, khèn mèo, trống cơm...

Khách hàng của ông là các đội văn nghệ ở Hà Nội và nhiều sinh viên trường âm nhạc, bởi đàn do ông sản xuất có chất lượng tốt và giá cả phải chăng.


Ông Cao Kỳ Kỉnh miệt mài xẻ gỗ làm đàn


Với những dụng cụ đơn giản như chiếc bào cũ kỹ này, ông Kỉnh đã làm nên nhiều loại nhạc cụ độc đáo có chất lượng âm thanh tốt


Chiếc khoan máy giúp ông khoan chính xác những chiếc lỗ để gắn thanh lên dây đàn trên cần đàn


Ông Kỉnh tỉ mẩn chỉnh sửa một chiếc đàn nguyệt


Những phím đàn được trau chuốt, mãi dũa cẩn thận


Ông Kỉnh tự tay lên dây đàn cho từng chiếc đàn do mình sản xuất


Và ông cũng tự mình thẩm âm những chiếc đàn vừa làm xong
.

Ông Kỉnh giới thiệu với chúng tôi một số loại nhạc cụ do chính ông cải tiến có hiệu quả. Đối với đàn bầu, ông thay đổi hộp cộng âm, không dùng thiết bị tăng âm nhưng đàn vẫn có âm lượng cao gấp 3 lần bình thường và tiếng nghe trầm ấm hơn. Còn với cây đàn tam thập lục ông đã “nâng cấp” từ 16 dây thành 19 dây để âm thanh nghe vang rõ.

Ngoài việc chế tác nhạc cụ, ông Cao Kỳ Kỉnh còn tích lũy được cả một “kho” kiến thức về các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Vì thế ông có thể nói vanh vách về tính năng của từng loại đàn.

Ví dụ, đàn nhị thuộc bộ dây có 2 dây có âm vực rộng, âm thanh trong sáng, mềm mại thường dùng diễn tả tâm trạng thầm kín, buồn phiền. Đàn tranh hình hộp dài khung hình thang, âm sắc trong trẻo thể hiện điệu nhạc vui tươi.

Đàn bầu thuộc nhạc cụ đàn một dây, ngày xưa dùng tơ tằm xe thành sợi dây đàn. Đàn bầu có hai loại là thân tre và đàn hộp gỗ đều cho âm thanh ngọt ngào, sâu lắng.

Đàn đáy chỉ có ở Việt Nam, độc đáo từ hình dạng, âm thanh đến thể loại âm nhạc được dùng cho hát ca trù.

Đàn tam thập lục hình thang cân có 36 dây, âm thanh thánh thót, rộn rã, giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu, chèo, cải lương...

Những loại nhạc cụ dân tộc do ông Cao Kỳ Kỉnh chế tác thường có giá từ vài trăm nghìn tới hai triệu đồng. Với ông, làm đàn ngoài việc mang đến thu nhập cho cuộc sống còn là một thú vui tao nhã nhằm bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống của ông cha./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark