05/06/2022 | 09:29:00

Người tiêu dùng Thủ đô 'luyện bí kíp' để ứng phó với 'cơn bão giá'

Trong thời điểm vật giá leo thang, nhiều người tiêu dùng tự đi chợ nấu ăn để mang cơm theo khi đi làm, thay cho thói quen ăn hàng quán trước đây. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Vật giá leo thang do ảnh hưởng của giá xăng dầu đã khiến đời sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Thắt lưng buộc bụng” hay cắt giảm chi tiêu... đã trở thành những cụm từ quen thuộc với người tiêu dùng suốt nhiều tháng vừa qua. Thậm chí, nhiều người đã phải tập thay đổi những thói quen thường ngày hay “vắt óc” nghĩ ra muôn vàn “chiêu” để thích ứng với mặt bằng giá mới.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Giá xăng dầu liên tục “lập đỉnh” từ đầu năm khiến nhiều hàng quán phải điều chỉnh tăng giá bán để ứng phó với “cơn bão” giá. Vì vậy, xu hướng người lao động, sinh viên... chuẩn bị cơm nhà mang theo cho bữa sáng hay bữa trưa ăn bên ngoài trước kia đang ngày càng phổ biến.

“Cách đây vài tháng, tôi đổ xăng đầy bình xe máy chỉ hết khoảng 50.000 đồng, nhưng bây giờ đã tăng lên mức khoảng 80.000 đồng. Chi phí xăng dầu tăng mà lượng đơn hàng còn sụt giảm, nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải tìm công việc khác,” anh Hoàng Xuân Thiện, tài xế công nghệ đang làm việc tại Hà Nội cho biết.

Thu nhập giảm trong thời điểm vật giá leo thang nên anh Thiện đã chủ động nấu cơm tại nhà rồi mang theo ăn để “tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy.”

“Trước đây mình là người thường xuyên ăn ngoài quán cho tiện, nhưng bây giờ các quán cơm bình dân nhìn chung đều tăng khoảng 10.000 đồng/suất, nên mình cũng khá xót tiền. Ở trọ nên mình có thể tự nấu ăn, chỉ cần điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt. Thời buổi bão giá khiến thu nhập kém, vì vậy tự nấu ăn rồi mang cơm theo là một cách để tiết kiệm,” anh Thiện chia sẻ.

Những ngày này, vợ chồng anh Trần Đức Tâm (23 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không còn thường xuyên lui tới những phòng trà, quán càphê hay những rạp phim mỗi tối cuối tuần vì giá cả tăng cao.

“Với mình, càphê không đơn thuần là một thức uống quen thuộc, mà còn là 'liều thuốc' để giảm stress trong công việc và cuộc sống, nhưng để duy trì sở thích trong thời buổi bão giá là điều khó khăn bởi các chi phí sinh hoạt khác đều tăng thêm. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng gen Z của chúng mình không vì thế mà 'kém vui,' bởi còn nhiều hình thức giải trí khác như đọc sách hoặc cày nốt những bộ phim trên các nền tảng online,” anh Tâm cho hay.

Nguoi tieu dung Thu do 'luyen bi
kip' de ung pho voi 'con bao gia' hinh anh 1Chuyển đổi phương tiện đi làm sang xe đạp là giải pháp "lợi cả đôi đường" - vừa cải thiện sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Kể từ khi chuyển phương tiện đi làm thành xe đạp, anh Đinh Kỳ Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết đã tiết kiệm được gần 100.000 đồng/tuần - số tiền theo anh là tương đối lớn trong thời buổi trượt giá.

“Những ngày đầu tiên mình cảm thấy khá tốn sức và cũng ngại khi là người duy nhất ở cơ quan đi làm bằng xe đạp, nhưng dần mình cũng quen và tự nhủ dậy sớm đạp xe vừa giúp cải thiện sức khỏe, vừa là giải pháp tiết kiệm trong thời buổi giá xăng tăng chóng mặt,” anh Sơn nói.

Tích cực săn “sale” giảm giá

Đối với đối tượng lao động trẻ là sinh viên làm thêm, việc thay đổi thói quen sinh hoạt là điều không dễ thích nghi. Trần Hoàng Anh, sinh viên năm nhất Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tin rằng với nhiều người tiêu dùng, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại.

“Dù không mua gì nhưng hằng ngày mình vẫn lướt xem các ứng dụng Shopee, Lazada... như một mạng xã hội. Bên cạnh những ngày sale số đôi (5/5, 6/6...), giữa tháng và cuối tháng, mình có thể xem live để nhận voucher giảm giá, chơi game tích điểm đổi quà, hay đọc bình luận để chọn mua sản phẩm chất lượng,” Hoàng Anh cho biết.

Nguoi tieu dung Thu do 'luyen bi
kip' de ung pho voi 'con bao gia' hinh anh 2Săn hàng online giá rẻ - "bí kíp sinh tồn" của nhiều sinh viên trong cơn bão giá. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Là một tín đồ mua sắm online, chị Hoàng Lộc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ “bí kíp” săn hàng giá rẻ: “Tôi thường đặt hàng vào các khung giờ vàng như 0h-9h-12h-21h, hoặc vào mục “flash sale” để tìm những sản phẩm có giá chỉ từ 1.000 đồng... Ngoài ra, để tối ưu chi phí, tôi và nhóm bạn thường tổng hợp danh sách những sản phẩm cần thiết rồi đặt mua trên cùng một tài khoản, bởi đơn hàng càng giá trị thì ưu đãi đi kèm càng lớn.”

Không chỉ người tiêu dùng mà các chủ cửa hàng cũng ưa chuộng hình thức bán hàng online: “Với tính năng gộp đơn được cung cấp bởi các dịch vụ như beDelivery, beCar... tôi có thể gộp tối đa 10 đơn/lần trên cùng một tuyến đường, vừa tiện lợi mà phí vận chuyển cũng nhẹ nhàng hơn,” chị Đắc Ly, chủ cửa hàng giò chả tại quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Với những người tiêu dùng không có thói quen đặt hàng online, tăng cường việc mua sắm tại các hệ thống siêu thị cũng là một lựa chọn hợp lý. Theo lý giải của nhiều “thượng đế,” hiện nay các hệ thống siêu thị thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá các sản phẩm nhằm hỗ trợ người tiêu dùng vào mỗi cuối tuần hay các dịp đặc biệt như đại lễ 30/4-1/5, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 hay Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 Âm lịch)... Cũng tại các hệ thống siêu thị, khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán qua các ví điện tử, vừa tiện lợi lại có cơ hội nhận thêm nhiều ưu đãi.

Nguoi tieu dung Thu do 'luyen bi
kip' de ung pho voi 'con bao gia' hinh anh 3Các chương trình khuyến mãi tại nhiều hệ thống siêu thị giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực tài chính. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Hiện nay, với các dịch vụ như tích điểm mỗi lần mua hàng, tư vấn sản phẩm, chăm sóc khách hàng cùng hàng ngàn sản phẩm đa dạng từ thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn, đến sản phẩm điện tử, đồ gia dụng hay quần áo thời trang… của những thương hiệu uy tín trên thị trường, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm tại các chuỗi siêu thị lớn để nhận ưu đãi, thay vì mua hàng tại những cửa tiệm truyền thống hay chợ dân sinh trong thời kỳ bão giá./.

Việt Anh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark