27/06/2016 | 14:43:23

Người viết bộ tự điển chữ Nôm lớn nhất Việt Nam

Những công trình nghiên cứu về chữ Nôm và ngôn ngữ học của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng.


Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nguyên Chủ tịch hội Ngôn ngữ học Việt Nam, được giới khoa học xã hội Việt Nam đánh giá là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học và nghiên cứu Hán Nôm.

Điều đó thể hiện rất rõ qua các cuốn sách chuyên luận như “Khái luận văn tự học chữ Nôm” (2008), “Âm tiết và loại hình ngôn ngữ” (2012) và gần đây nhất là bộ "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" đồ sộ nhất từ trước tới nay với dung lượng lên tới 2.323 trang, sưu tập và dẫn giải hơn 9.450 hình chữ Nôm khác nhau, trong đó có tới gần 3.000 chữ Nôm tự tạo chưa hề có mặt trong các tự điển và các font chữ Nôm hiện đang sử dụng.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Hồng tiếp chúng tôi ngay tại tư gia, đó là một căn nhà tập thể phảng phất nét cổ kính, yên bình trên phố Kim Mã Thượng (Hà Nội).

Trong không gian yên tĩnh, câu chuyện về sự ra đời của bộ tự điển chữ Nôm được coi là đồ sộ nhất từ trước đến nay đã được chính tác giả của nó kể lại với rất nhiều thông tin thú vị.

Giáo sư Nguyễn Quang Hồng cho biết, để biên soạn được bộ tự điển chữ Nôm đồ sộ này, ông đã phải mất hàng chục năm cho việc sưu tầm, phiên âm, khảo cứu, phân loại, mô hình hoá gần một vạn chữ Nôm từ hàng trăm văn bản gốc, và tiếp đó là 7 năm trời chỉ để ngồi máy tính biên tập và gõ chữ.




Vốn tính cẩn thận, nghiêm túc trong nghiên cứu nên giáo sư Nguyễn Quang Hồng rất coi trọng tính chuẩn xác trong việc xử lý các cứ liệu. Vì vậy, mỗi chữ Nôm trong bộ tự điển của ông đều có ví dụ trích dẫn cụ thể từ các văn bản cổ với đầy đủ thông tin về nguồn dẫn, số trang. Thậm chí, mỗi nghĩa sử dụng khác nhau cũng có ít nhất một câu ví dụ như thế đi kèm. Vì thế mà chữ nào chưa có chứng cứ bằng văn bản cụ thể và tính chuẩn xác không cao thì ông đều không đưa vào tự điển.

Có lần, ông chia sẻ với học trò ở lớp cao học của mình về một chữ Nôm mà ông đã dày công tìm kiếm ở nhiều văn bản nhưng chưa tìm ra các nghĩa cổ khác của nó, thì một cậu học trò cho biết chữ Nôm ấy có trong gia phả của dòng họ mình.

Nắm bắt được nguồn thông tin ấy, giáo sư Nguyễn Quang Hồng đã tìm hiểu, nghiên cứu, hoàn thiện chứng cứ và tìm đủ nghĩa của chữ đó.

Nhiều người cho rằng trong bộ tự điển chữ Nôm của ông không chỉ có chữ Nôm mà còn có cả một kho chứng tích về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ở đó, qua các ví dụ trích dẫn để làm rõ nghĩa cho các chữ Nôm, người ta thấy có những tác phẩm danh tiếng của các đại thi hào như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu… và cả những tác phẩm văn xuôi như “Truyền Kỳ mạn lục giải âm”, Các Thánh truyện (Công giáo), Cổ Châu lục (Phật giáo),… với nhiều giá trị tư tưởng lớn của cha ông xưa để lại, cho đến các tục lệ văn hoá truyền thống ẩn hiện trong những câu thơ ca, hò vè của dân gian xưa.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã nhận định, đây là bộ tự điển chữ Nôm kiểu mới, với dung lượng lớn hơn và chất lượng cao hơn so với các tự điển chữ Nôm trước đây, thể hiện kiến thức uyên thâm, cùng những phương pháp mới mẻ và những quan niệm mới về cấu trúc chữ Nôm của tác giả.

Ông Lee Collins, Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ thì cho rằng, bộ tự điển này với những trích dẫn rõ ràng, là một mốc quan trọng trong tiến bộ của nghiên cứu chữ Nôm mà nhiều năm sau các học giả vẫn cần tham khảo.

Nói về giá trị sử dụng, giới chuyên gia đánh giá bộ tự điển này không chỉ dành cho người nghiên cứu, mà hướng tới số đông độc giả.

Độc giả có thể không nhất thiết phải tra cứu gì, chỉ mở ra đọc đôi ba dòng cũng có thêm kiến thức về văn hoá Việt. Còn các cụ ở nông thôn cũng có thể mang tới đình chùa để tra tìm chữ, nghĩa trên các câu đối chữ Nôm.

Mặc dù đã có trong tay nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao, nhưng dường như giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Hồng vẫn chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm được.

Vì thế ông vẫn miệt mài nghiên cứu, bởi ông luôn tâm niệm rằng: “Không một điều gì tốt đẹp của hiện tại lại không mang trong đó những dấu ấn của quá khứ. Và muốn biết quá khứ của cha ông ta thế nào thì phải qua con đường văn tự, đó là chữ Nôm. Có như vậy chúng ta mới hiểu được tinh thần, tư tưởng và mới có thể kế thừa văn hoá truyền thống của cha ông ta”. Vì lẽ đó, chữ Nôm với Tiếng Việt và văn hóa Việt sẽ mãi là một tình yêu lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Quang Hồng./.

(Báo Ảnh Việt Nam)

Bản để in Lưu vào bookmark