14/10/2009 | 17:29:00

Nguyễn Gia Thiều và khúc ca ai oán của cung nữ

Nguyễn Gia Thiều sinh năm Tân Dậu (1741) ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình quý tộc.

Thân phụ ông là Nguyễn Gia Ngô, làm quan võ, được phong tước hầu, gọi là Đạt Vũ hầu.

Thân mẫu ông là quận chúa Quỳnh Liên, con gái thứ sáu của chúa An Đô Vương Trịnh Cương. Như vậy Nguyễn Gia Thiều gọi chúa Trịnh Doanh là cậu ruột.

Ông là thích thuộc nhà chúa cho nên khi 5 tuổi, ông được nuôi trong nội phủ. Khi ông 18 tuổi, chúa ban cho chức Hiệu úy quản binh mã nhưng ông không để chí về đường công danh. Ông thường bỏ việc binh mã, về ở bên Hồ Tây, tự hiệu là Tâm Thi viện tử rồi lại lấy hiệu là Sưu Chân.

Lúc chúa Trịnh đến chơi nhà ông, lại cho hiệu là Sơn Thủy nhân hoa và sau cho thăng chức, cho nhà ở tại Cửa Nam, sai ông điều khiển việc xây tháp chùa Tiên Tích. Ông nhân dịp đó, sửa sang nhà ông rất là đẹp đẽ. Chúa Trịnh thường ngự đến chơi và khen rằng: “Vào đây có cái phong thú như ngư phủ lạc Đào Nguyên”.

Năm 22 tuổi, được thăng chỉ huy Thiêm sự, 26 tuổi thăng chỉ huy Đồng trị, 30 tuổi thăng Tổng binh Đồng trị. Nhờ lập được một số quân công, ông được phong tước hầu, gọi là Ôn Như Hầu. Năm Nhâm Dần (1782), ông sung chức Lưu thư xứ Hưng Hóa.

Đến khi nhà Tây Sơn chấm dứt nhà Lê Trịnh, ông không chịu ra làm quan bèn lánh lên vùng thượng du rồi về ở Hưng Hóa. Đến khi không thể ẩn lánh được nữa, ông về lại Bắc Thành (Hà Nội) nhưng vẫn không chịu ra thờ nhà Tây Sơn. Ông về quê ở cho đến ngày 9/5/1798 thì mất, hưởng thọ 58 tuổi.

Nguyễn Gia Thiều giữ một vị trí lớn trong lịch sử văn học Việt Nam qua tác phẩm "Cung oán ngâm khúc," tác phẩm đã gây bao xúc động trong lòng người. Nhưng đánh giá về ông, và về các tác phẩm của ông, lại có những ý khác nhau.

Xét về hoàn cảnh gia đình và xã hội, Nguyễn Gia Thiều từ khi còn là cậu bé lên năm đã sống trong cung thất của ông ngoại là chúa Trịnh Cương tuyệt đỉnh giàu sang và quyền lực.

Trong lúc nhân dân đói rách, thì cậu bé trong phủ chúa sống giữa vàng son, nhung lụa, tham dự và chứng kiến những cảnh ăn chơi cực kỳ xa phí. Từ trong khung cảnh ấy, Nguyễn Gia Thiều lớn lên, trở thành người tài hoa trên các mặt cầm, kỳ, thi, họa.

Về thi ca, ông sáng tác trên một ngàn bài thơ chữ Hán và một số bài thơ Nôm. Về âm nhạc, ông soạn nhiều bài ca, bài tán, đặc biệt là bản Sơn trung âm và Sở từ điệu. Về hội họa, ông có bức tranh lớn Tống sơn đồ dâng lên vua. Về kiến trúc, ông xây tháp ở chùa Tiên Tích và được chúa Trịnh giao cho việc trang trí cung đình. Rất tiếc là những công trình ấy không còn lưu lại đến ngày nay.

Được giữ chức Hiệu úy từ năm 18 tuổi, Nguyễn Gia Thiều tiếp tục được giao nhiều công việc quan trọng khác và được phong Hầu. Giá như ông cứ tiếp tục theo đuổi con đường danh lợi và an phận với cuộc sống phong lưu của một vị hầu tước thì cuộc đời ông không có gì đáng nói.

Địa vị quý tộc, bối cảnh cung đình, cuộc sống phong lưu và trách nhiệm triều thần đã không thể nào nặn ông trong một khuôn định sẵn.

Từng chứng kiến số phận gian truân của những người cung nữ, từng tiếp xúc với những cảnh thương tâm ngoài xã hội, ông càng nhận ra những sự bất công và phi lý đã diễn ra trong xã hội từ triều đình đến thôn dã.

Cuộc sống như một chiều gió muốn cuốn ông đi nhưng cái nhân tính bẩm sinh đã thức dậy ở con người ông, khiến ông đã vượt qua bao thử thách và vượt lên trên bản thân mình để trở thành một nhân cách đặc biệt.

Ông hiểu sâu sắc về hoàn cảnh những người cung nữ, và nêu lên những nét rất tinh vi về tâm trạng của họ. Tâm trạng này không chỉ của riêng cung nữ, không phải trước cảnh ngộ của riêng ông như người ta tưởng, mà là trước cảnh phù sinh của cả cõi nhân gian.

Nguyễn Gia Thiều đã gán cho người cung nữ những phẩm chất tuyệt vời, những cái quý giá nhất mà ông mong đợi ở con người: Đó là trí tuệ, là tài năng, là sắc đẹp, là sự cao cả của tâm hồn, là sự mãnh liệt của tình yêu. Nhưng những thứ ấy đáng lẽ phải đem lại vinh quang và hạnh phúc thì ngược lại chúng chỉ dẫn đến bi kịch và sự hủy diệt, chỉ chứng minh cho tính phi lý trong kiếp sống của cả nhân loại.

Ôngcũng cảm thức sâu sắc về cuộc sống phù du và thân phận mỏng manh của con người. Nhưng ông không tước bỏ niềm tin và vẫn muốn tìm ra một lối thoát.

Mọi con đường đều bế tắc. Nhưng Nguyễn Gia Thiều vẫn chờ đợi, chờ đợi cái ngày mà nhà vua sẽ quay trở về với người cung nữ, cũng như ánh sáng kỳ diệu nào đó sẽ đến với nhân loại đau thương.

Nguyễn Gia Thiều vừa là nhà triết học, vừa là nhà thơ. Nhà triết học đã giúp nhà thơ khái quát lên những nét cơ bản nhất của cuộc đời. Nhà thơ đã giúp nhà triết học biến những tư tưởng lớn thành những hình tượng khắc sâu vào tâm thức.

Ông là một nhà thơ trong những nhà thơ lỗi lạc nhất của dân tộc. Thơ ông là sự kết đọng đẹp nhất của một tâm hồn thẩm mỹ. Tài năng của ông trong âm nhạc, trong hội họa trong kiến trúc kết hợp với bộ óc vô cùng uyên bác đã giúp ông tạo nên những lời thơ như hoa, như ngọc.

Mỗi chữ trong câu thơ đều được gọt giũa công phu và tế nhị. Âm thanh và màu sắc cùng vẻ đẹp của ngôn từ đã tạo cho thơ ông một phong cách đặc biệt chẳng giống bất cứ ai./.

("Danh nhân Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark