08/12/2009 | 07:53:32

Nhà khoa học nước ngoài tìm hiểu khảo cổ Thanh Hóa

Cửa phía Đông của hang Con Moong. (Ảnh: Internet)

Trong hai ngày 6 và 7/12, hơn 60 nhà khoa học vừa tham dự Đại hội Hội Tiền sử Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPPA) lần thứ 19 đã cùng các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam tham quan các di chỉ khảo cổ ở Thanh Hóa.

Đoàn đã đi thăm Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long, thăm cuộc khai quật Nam Giao (Thành Nhà Hồ) và di chỉ hang Con Moong.

Phó giáo sư Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học) cho biết việc đưa các nhà khoa học nước ngoài về Thanh Hóa lần này một mặt để họ được đi thực tế, thăm quan những di chỉ khảo cổ cụ thể (đàn tế Nam Giáo và hang Con Moong), giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khảo cổ Việt Nam.

Mặt khác, chuyến thăm quan này sẽ giới thiệu được sự giàu có về tiềm năng văn hóa của Thanh Hóa, tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học khi chúng ta đưa các di tích này tham gia đề cử danh mục di sản văn hóa thế giới UNESCO, nhất là Thanh Hóa đang có đề cử di tích Thành nhà Hồ và tới đây sẽ là Hang Con Moong. Qua cuộc tham quan này, các nhà khoa học sẽ có những ý kiến đóng góp cho Việt Nam trong việc khai quật, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

Tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, các nhà khoa học rất thích thú với phòng trưng bày “Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa", có những bộ sưu tập cổ sinh được tìm thấy ở nhiều vùng miền núi Thanh Hóa, những di vật thời tiền sử ở núi Đọ, núi Nuông, núi Đa Bút, hang Con Moong... hoặc những sưu tập nông cụ, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, những chiếc trống đồng, thạp đồng cổ tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn... chứng minh cách đây 30-40 vạn năm con người đã có mặt và liên tục phát triển ở vùng đất này.

Tại di chỉ hang Con Moong, nơi được coi là "ngôi nhà lớn của người tiền sử", Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học đã trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất về di chỉ Con Moong.

Các nghiên cứu đã cho thấy địa tầng hang Con Moong thực sự là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa đã mất, là nơi quần cư liên tục của 3 nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á là văn hóa Sơn Vi, qua văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Bắc Sơn; là sự tiếp nối giữa thời kỳ đá cũ đến đá mới, từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt sơ khai.

Khu di chỉ hang Con Moong có thể xem là đặc trưng của di chỉ trải dài từ thời Cánh Tân sang giai đoạn đầu của thời Toàn Tân (từ 17.000 năm đến 10.000 năm cách ngày nay).

Trong đợt khai quật mới đây, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số công cụ như rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn, đồ gốm, các công cụ bằng đá, công cụ mũi nhọn xương, đặc biệt, các nhà khoa học tìm thấy mộ táng tiền sử được chôn theo tư thế bó gối... đây là những tư liệu khoa học vô cùng giá trị.

Tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng lộ trình hồ sơ khoa học di tích hang Con Moong trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Các nhà khoa học đều khẳng định đã được nghe nhiều báo cáo của nước chủ nhà Việt Nam trong Đại hội IPPA 19 tại Hà Nội, trong đó có các báo cáo về khu khai quật đàn tế Nam Giao nhà Hồ, di chỉ Con Moong nhưng trong chuyến thực tế lần này, họ đều quá bất ngờ trước những kết quả khai quật, những phát hiện về văn hóa ở Thanh Hóa và mong sẽ có nhiều dịp để tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa xứ Thanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark