07/08/2010 | 15:10:00

Nhà văn Nguyễn Quí Đức: "Ở đây có mùa, có cuộc sống"

Chân dung nhà văn Nguyễn Quí Đức. (Nguồn: TT&VH)

Là một Việt kiều, sinh tại Đà Lạt trong một gia đình gốc Huế, từng sống và làm việc ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Morocco, Indonesia, Hongkong (Trung Quốc) vậy mà nơi cuối cùng nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức muốn ở lại là Hà Nội.

Cảm nhận của ông về Hà Nội là “Ở đây có mùa, có cuộc sống, có sự chịu đựng và lòng tự trọng của người Hà Nội.”

Năm 1989, lần đầu tiên tôi đến đây và rất thích Hà Nội. Sau đó, từ những chuyến công tác báo chí, tôi quen biết nhiều người, tìm hiểu được nhiều điều. Tôi thích học hỏi tính chịu đựng, biết cách trải qua khó khăn của người Hà Nội.

Đến năm 2006, tôi về Hà Nội ở hẳn. Cuối năm này, tôi chọn phố Triệu Việt Vương là nơi mở cửa hàng đầu tiên, đó là một cửa hàng bán đồ chơi, kỷ vật trang trí có tên Tadioto. Tadioto là Ta đi ôtô, chứ không phải là Tây đi ôtô nhé.

Triệu Việt Vương là con đường sinh hoạt sống động của người Hà Nội. Hàng ngày, người dân Hà Nội tìm đến, ngồi tràn từ trong nhà đến vỉa hè để uống cà phê, tán gẫu.

Hàng quán ở Triệu Việt Vương cạnh tranh lành mạnh, quán bên cạnh vẫn sẵn lòng cho khách hàng của tôi gửi xe, đi đâu về cũng nhận được lời hỏi han. Những nơi khác ở Hà Nội lạnh lùng hơn, không có tinh thần ấy.

Ở Hà Nội, ngoài phố Triệu Việt Vương, còn có Hàng Chiếu. Không rõ bạn có hay đến phố Hàng Chiếu không? Tôi thì rất thích, cứ tiện đường là ra đó. Với tôi, phố Hàng Chiếu mang đậm nét văn hóa dân gian cũng như nghề nghiệp cổ truyền.

Trên phố Hàng Chiếu, người ta bán đủ thứ, dây thừng, màn mùng, chiếu thảm, thậm chí cháo cá ở đó ăn cũng rất ngon.

Ở Hàng Chiếu, dân cư quần tụ, có cả những người dân từ ngoại tỉnh đến bán đồ, cũng có cả người dân định cư lâu năm. Bên quán nước chè do một ông già bán, người ta ngồi quây quần trò chuyện với nhau. Nhiều sinh hoạt cá nhân cũng có thể diễn ra trên vỉa hè.

Ngõ Tạm Thương trên đường Hàng Bông cũng hay, hay từ cái tên, Tạm Thương nghĩa là thương tàm tạm, hoặc trong chiến tranh, tạm thương cũng có nghĩa là bị thương nhẹ. Tôi thích thuê phòng ở khách sạn trong ngõ Tạm Thương.

Ở Tạm Thương, người ta bán nem chua rán và các đồ ăn vặt khác. Quán nào quán ấy chỉ là một căn phòng nhỏ, bên trong trống hơ trống hoác chẳng có gì ngoài mấy cái ghế con. Khách hàng đến ăn trong nhà hoặc là ngồi tràn hết ra cả ngõ, chật chội lối đi. Muốn tìm hiểu đời sống của người dân nơi đây, chỉ cần vào một cái quán là có thể biết được lắm thứ.

Trước khi mở quán, tôi có nhiều thời gian để tìm hiểu đồ ăn ở Hà Nội. Tôi rất thích ăn vặt, thói quen từ nhỏ sống ở Huế. Mấy ngày đầu tiên ở Hà Nội, năm 1989, tôi “khám phá” ra món bún chả. Có những ngày tôi ăn đến ba bữa bún chả.

Lần khác, họa sĩ Đỗ Tuấn đưa ra đường Tống Duy Tân ăn gà tần. Ngồi bệt, ăn uống trên vỉa hè là một thú vui, mặc dầu tôi không ưa vị thuốc bắc của gà tần lắm.

Tôi rất thích ăn bún chả Kim Đắc ở Hàng Mành. Giờ thì có đến mấy cửa hàng bún chả, sạch hơn, nhưng không ngon như xưa nữa. Lần khác, trong khách sạn ở Bảo Khánh, thấy nhân viên mang bún đậu về ăn trưa, tôi tò mò hỏi, anh nhân viên đó nói món ăn này chỉ dành cho người dân lao động, nhưng nhìn đã thấy thích, tôi ngồi xuống ăn cùng.

Tôi cũng hay ăn xôi ở hàng bà Thảo chỗ chợ Hàng Da. Vừa ngồi ăn, vừa vui vẻ trò chuyện, chia sẻ tâm sự với những người trong quán của bà dù tôi chả biết bà Thảo là ai.

Sống ở Hà Nội, thú vị nhất là đi xe đạp. Những năm 1990, nhìn xe đạp nhiều trên phố, thấy cuộc sống chậm, nhẹ nhàng.

Giờ ra phố, chỗ đi bộ cũng trở nên hiếm hoi, tính cách âm thầm chịu đựng, dịu dàng, đoan trang của người Hà Nội bị che lấp trong các biển quảng cáo, tòa nhà, tiếng còi xe tranh đường ầm ĩ, bụi, khói, sự nhọc nhằn của mưu sinh.

Điều oái oăm là ngày xưa khi còn cực nhọc về vật chất, người Hà Nội sống thư giãn hơn, gần gũi nhau hơn. Nay, mọi thứ trở nên đầy đủ thì một phần lớp trẻ mất đi tính chịu đựng, hình như sống không lý tưởng, không có gì khác ngoài những ham muốn vật chất tức thời, đêm đêm giam mình trong những quán karaoke bít kính đèn mờ, tôi thấy đó là một cuộc sống hơi bất bình thường. Xã hội cần có sự cởi mở trong sáng hơn.

Theo tôi, để nhịp sống của người Hà Nội diễn ra chậm hơn, yên tĩnh hơn, nếu là một người “toàn năng” tôi sẽ đề nghị người dân thành phố đi xe điện, loại xe dùng cho các sân gôn ấy.

Hoặc cũng có thể, tôi ngăn một số tuyến phố để đi bộ, làm một tuyến phà hay tàu thủy chạy trên hồ Tây, nối từ đường Xuân Diệu sang đầu Phan Đình Phùng. Việc ấy có thể giải tỏa được ách tắc giao thông, vừa tiết kiệm chi phí cho người dân.

Tính tôi nghịch ngợm lại hay tò mò, thích lang thang phố xá tìm kiếm những đồ linh tinh, phế phẩm. Khi tôi thấy cái lọ hoa thì nghĩ xem có thể dùng làm chai rượu được không, hoặc cái gốc cây nghĩ ra có thể làm đèn trang trí.

Cầm cái bao tải đựng gạo, tôi cũng nghĩ xem có thể làm thành một cái túi thời trang hay là may thành cái bọc yên xe máy được không. Có hôm đang đi mua cây cảnh, xin được tấm gỗ lót chậu, cũ kĩ nhưng tuyệt đẹp, tôi mang về làm bức tranh có đèn ưng ý.

Tôi quý trọng những món đồ đã được sử dụng qua thời gian, gắn bó với mồ hôi, công sức con người. Tôi mở cửa hàng Tadioto vì muốn tạo không gian cho mình thỏa sức nghịch và cũng muốn chia sẻ ý thích của mình với người khác.

Đồ tôi bán ra, có thể là những con robot biết nhún nhảy, hát, tôi chế từ mấy thứ nhặt, mua, sưu tầm, chế ghép, một thỏi đá vuông gắn tay chân búp bê, với ý tưởng “Mẹ tròn con vuông”, cái áo dân tộc kết hợp với quần tây, cái túi da cũ mua được từ một người thợ ở Morocco.

Đến năm 2008, sau khi tìm được địa điểm mới, tôi đóng cửa Tadioto - Đồ chơi để mở một Tadioto - Bar/Gallery. Mặc dù mang hình thức một quán bar, nhưng mục đích thực sự là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa.

Tôi mở "bar" mới với suy nghĩ tôi là người Việt, biết tiếng Việt, quen với nhiều nghệ sĩ Việt, vậy tại sao không trở thành cầu nối giới thiệu các nghệ sĩ Việt với nhau hoặc với bạn bè nước ngoài. Tôi đã sống nhiều thời gian ở nước ngoài, và tôi cũng muốn chia sẻ những gì mình đã có được.

Cách đây chừng 5 năm, nếu ở Hà Nội thi thoảng có sự kiện văn hóa gì, người ta sẽ rỉ tai nhau đi xem. Hiện nay, đời sống văn hóa ở Hà Nội thực sự phong phú, một ngày, bạn có thể nhận được mấy cái giấy mời xem phim, triển lãm, ca nhạc. Các loại hình nghệ thuật thể nghiệm ở Hà Nội đang phát triển, có một số loại hình như âm nhạc bắt đầu được công chúng đón nhận.

Tuy nhiên, trong nhiều sự kiện, nghệ sĩ cũng như công chúng ít quan tâm đến ý nghĩa của tác phẩm. Sự kiện thì có, nhưng nội dung chưa rõ rệt, chưa được đào sâu. Khi bạn hỏi một tác giả, anh ta hoặc không nói rành mạch được mục đích mình làm tác phẩm đó để làm gì, hoặc không dám nói thật.

Nếu bảo bạn thống kê trong một vài năm qua, có tác phẩm nào được coi là sáng giá, hay nhà văn nào ghi được dấu ấn qua tác phẩm của mình, không rõ bạn có nói ngay được không, tôi thì chịu./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark