12/03/2010 | 14:24:00

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ - Cây vĩ cầm lặng lẽ

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ. (Ảnh: TT&VH)

Nguyễn Quang Bích ở Hà Nội là một con phố đẹp và yên tĩnh, với những mái nhà xưa cũ nhấp nhô phủ bóng lên nhau.

Trong một căn nhà cổ trên con phố này là nơi sinh sống của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, người từ lâu lắm rồi đã được gọi bằng danh xưng đầy yêu mến: “Beethoven của Việt Nam.”

Gia đình ông có mặt đã bao nhiêu đời ở Hà Nội, chính ông cũng không biết nữa. Hiện ông sống thanh thản bằng lương hưu của một nhà giáo và chút tiền kiếm được từ bản quyền âm nhạc.

Gia sản đặc biệt nhất của ông là chín bản sonate viết cho violon và piano. Ông chỉ soạn cho vĩ cầm và dương cầm. Ông coi vĩ cầm là vua của các loại nhạc cụ, có khả năng diễn đạt được những tình cảm thiết tha nhất, sôi nổi nhất. Trong các sonate của mình, ông để cho vĩ cầm và dương cầm đối thoại với nhau, cùng trò chuyện, thúc đẩy cho tác phẩm phát triển.

Cuối năm qua, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Hà Nội đã vinh danh ông bằng Giải thưởng Văn hóa di sản Patrimoenia 2009. Một người nước ngoài khi vô tình nghe bản Sonate số 8 của ông đã rất thích và giới thiệu cho ngài Đại sứ Thụy Sỹ. Không ngờ ngài Đại sứ cũng mê bản sonate số 8 và có ý muốn nghe hết chín tác phẩm của ông. Sau khi giới thiệu các tác phẩm này với các nhạc viện, nhạc sĩ của Thụy Sỹ, một buổi lễ trang trọng đã được tổ chức để tôn vinh ông tại Hà Nội.

Ông đã dành toàn bộ số tiền giải thưởng đó cho các trẻ em nghèo và tàn tật tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vì cuộc sống của ông không có nhiều nhu cầu, con cái trong gia đình đều đã thành đạt, trong khi còn nhiều trẻ em đang thiếu thốn, vẫn phải sống trong vất vả.

Cụm từ “Beethoven của Việt Nam” khởi đầu là do những người ở Đại sứ quán Pháp gọi ông. Với sonate, tuy chỉ soạn chín bản nhưng ông lại nhận được sự đánh giá cao với hầu hết các tác phẩm của mình. Bà B.Fournier - từng là Chủ tịch của nhiều kỳ thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu thích bản Sonate số 6, nghệ sĩ Isabelle Durin - cây violon số 1 của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Ile-de-France thích bản Sonate số 7 và số 9, Giáo sư Ngô Văn Thành - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia lại thích bản Sonate số 4... Với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã được đánh giá rất cao hai tác phẩm Sonate số 4 và số 8.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là tấm gương về lao động sáng tạo, là tấm gương về tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Ông là một Nghệ Sĩ Lớn với nghĩa viết hoa. Giới nghệ sĩ Việt Nam ghi nhận cống hiến của ông suốt đời vì âm nhạc dân tộc.”

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Với tư cách là một chứng nhân, bằng tác phẩm của mình, ông đã cất lên tự đáy lòng chân thật nỗi dằn vặt của một thời, nỗi dằn vặt của dân tộc và cả nhân loại. Và vì thế, nó cứ lan tỏa mãi trong thế giới loài người.”

Giáo sư Ngô Văn Thành - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận xét: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là người tài năng. Các tác phẩm của ông luôn được thể hiện trong một mạch cảm xúc mãnh liệt, tuy được viết theo cấu trúc âm nhạc Tây phương nhưng lại thể hiện một tâm hồn rất Việt Nam, bằng ngôn ngữ âm nhạc rất riêng.”

Trong buổi tôn vinh ông của Sứ quán Thụy Sĩ, một thính giả có tên Aymeric Bes đã nhận xét: “Nhạc của ông cũng như thơ, duyên dáng, nhẹ nhàng mà sâu lắng, hiện đại mà lại thuộc về mọi thời đại. Cảm ơn về sự chia sẻ của biết bao nhiêu là tài năng.”

Đáng lưu ý rằng, ông không được đào tạo một cách bài bản chính quy và cũng không có điều kiện tốt để sáng tác một cách chuyên nghiệp.

Nhà soạn nhạc cổ điển Nguyễn Văn Quỳ nói: “Tôi nghĩ con người khi sinh ra trước hết phải biết sống có tình cảm và tình cảm đó phải là trong sáng. Có được sự trong sáng ở tâm hồn thì mới làm chủ được trí tuệ. Từ đó mới xây dựng được sự nghiệp cho đồng loại, tổ quốc và chính bản thân. Tôi cũng đề cao nhạc buồn bởi nếu không biết buồn thì làm sao biết yêu thương? Schubert có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Có thể có âm nhạc hay mà không thể buồn được chăng?” Chính vì thế, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các sonate của tôi luôn hội tụ ba yếu tố tình cảm, trong sáng và trí tuệ.”

Khi năm cánh quân về tiếp quản thủ đô, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là người sáng tác bài “Hoan hô quân đội giải phóng thủ đô,” “Hà Nội giải phóng” và được yêu cầu góp phần tổ chức sáng tác, huấn luyện học sinh nội thành biểu diễn phục vụ ngày 10/10/1954.

Ông yêu Hà Nội từ ngày được sinh ra tới tận bây giờ. Khi được tiếp xúc với ông, ở con người này toát ra phong thái lịch thiệp của một người Hà Nội đích thực. Ông khuyên nhủ chúng tôi rằng, “ở đời nên sống lặng lẽ mà làm cho tốt.”

Nếu cần một hình ảnh để so sánh về ông, chúng tôi xin chọn cụm từ: “cây vĩ cầm lặng lẽ”./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark