15/11/2012 | 10:36:00

Nhớ lắm phố phường Hà Nội với xe đạp năm xưa

Nền kinh tế phát triển, các đô thị ngày càng nhiều nên đường phố Hà Nội tấp nập xe cộ qua lại, Hà Nội cũng vậy. Dưới cái nắng hè oi ả, gay gắt chen chân trên từng con phố vào giờ tan tầm mới thấy đường phố Hà Nội chật chội quá. Không khí ô nhiễm đặc quánh mùi khói xe, mù mịt bụi đường, tiếng còi, tiếng máy nổ giục giã.

Với ai đến Hà Nội lần đầu hẳn phải ngạc nhiên “xe máy nhiều quá”. Không nhiều sao được khi nó trở thành phương tiện giao thông chính ở thành phố này. Những lúc ấy ta mơ màng nhớ về Hà Nội nhiều năm về trước, ước gì con phố trở về cái thuở hiền hòa, bình lặng với hàng xích lô thong dong, tiếng leng keng tàu điện, hay những làn xe đạp chậm dãi. Nhớ lắm phố phường Hà Nội với xe đạp một thời:

Nhớ khi xưa anh trở em trên chiếc xe đạp cũ,
Nhớ khi xưa bao mộng mơ trên chiếc xe đạp cũ…

Thời ấy thứ phương tiện phổ biến là xe đạp. Hà Nội từng sánh ngang với các thành phố xe đạp khác trên thế giới như: Bắc Kinh (Trung Quốc), Amsterdam (Hà Lan)… nhưng xe đạp Hà Nội vẫn mang nét độc đáo riêng biệt.

Thuở những năm 50, xe đạp khi ấy là mốt thời thượng, phương tiện sang trọng của riêng giới tri thức. Nhớ biết bao những cô nữ sinh trường Trưng Vương kiêu sa trong tà áo dài trắng tinh khôi, thướt tha trên chiếc xe Peugeot (Pơgiô) đỏ mận, Arrayla xanh sẫm hay chiếc Duyra trắng bạc tung tăng trong nắng hồng. Hình ảnh ấy đã trở nên thân thương và thơ mộng với Hà Nội 36 phố phường.

Nó đã in sâu vào ký ức của người Hà Nội, đậm chất thơ rất riêng của mảnh đất Hà thành. Rồi đến xe đạp Thống Nhất, Phượng Hoàng xanh đen khỏe khoắn kiêu hãnh trên phố. Thứ xe chuyên để chở đồ hay đi đường trường.

Thời kỳ kháng chiến bóng dáng xe đạp vẫn bon bon trên mọi con phố, rong ruổi trên đường làng. Xe đạp trở thành quan trọng trong mỗi gia đình, đưa người đi sơ tán, nào là bếp dầu, mắm muối, quần áo… bao nhiêu là đồ đạc chất lên xe.

Hẳn ai cũng xúc động, khâm phục sức mạnh đoàn kết phi thường của người Hà Nội, bao người con nơi đây cùng với chiếc xe đạp dung dị vẫn hiên ngang trong bom đạn, vượt đèo dốc, chuyển nhu yếu phẩm, lương thực vào chiến trường xa xôi.

Sau ngày đất nước giải phóng, đường Hà Nội rợp bóng cây. Thời kỳ này xuất hiện nhiều xe đạp hơn. Chủng loại có đủ cả: Thống Nhất, mi ni, Eska… với đủ mọi hình dáng khung: thấp, cao, ngang… Vì thế, Hà Nội có riêng một phố chuyên sửa chữa, bán phụ tùng xe đạp mang tên Phố Huế. Cả phố nườm nượp xe đạp.

Hiện nay, nhu cầu về xe đạp thấp. Người đi xe đạp giờ chủ yếu là học sinh, người cao tuổi, các bà nội trợ tiện việc chở đồ. Vì thế, cuộc sống vẫn cần lắm chiếc xe đạp thân thương. Những vòng xe vẫn âm thầm quay đều trên mỗi con phố nhỏ.

Nhưng biết đâu, vào một ngày nào đó người Hà Nội lại tìm đến với chiếc xe đạp, hay xe đạp cải tiến chạy bằng điện hay năng lượng mặt trời như người Bắc Kinh vậy. Mỗi khi tắc đường, chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn, ta lại nhớ đến ngày xưa và tự hỏi “Bao giờ cho đến ngày xưa?”. Hà Nội phố lại tấp nập xe đạp, trên cầu Long Biên cổ kính, thong dong ngắm Hồ Gươm và 36 phố phường.

Quay đều, quay đều, quay đều
Thương hoài những vòng xe…./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark