22/12/2012 | 13:36:00

'Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya'

Nói đến 36 phố phường Hà Nội, không thể chỉ kể ra những chiếc xe kéo tay, rồi xích lô, rồi xe đạp và xe hơi mà quên đi “tiếng leng keng tàu sớm khuya” của chiếc tàu điện.

Thời ấy, tàu điện là hiện đại, lạ lẫm trong con mắt mỗi người dân Hà Thành. Nhìn chiếc tàu điện lừ lừ tiến, không kéo còi và xình xịch như xe lửa, nhiều người lắc đầu khó hiểu làm sao nó lại chạy được? Nó còn kéo theo mấy toa dài dặc phía sau và chở được nhiều người, nhiều hàng nữa. Tàu điện có đường ray riêng, nên tất cả phương tiện tham gia giao thông phải nhường. Trật tự và cần mẫn, những chiếc xe chạy bằng điện từ từ chuyển động trên đường ray, không huyên náo, không ầm ĩ quá, thật hợp với phong vị phố xá, khiến người dân mới đầu rất háo hức, cố trèo lên đó đi cho biết, nhất là bọn trẻ.

Cụ Lê Khánh, người phố Hàng Đào năm nay 95 tuổi kể: Khi tàu điện xuất hiện, dân hàng phố đổ xô ra xem, nhiều người chưa dám bước lên vì sợ. Thế rồi một thời gian sau cũng quen dần và rồi thì mê đi tàu điện luôn, bởi nó vừa rẻ, vừa thuận tiện, lại an toàn. Những bà gánh hàng cồng kềnh có thể lên toa cuối cùng mà không bị đuổi. Trẻ em theo mẹ ra Bờ Hồ ăn kem, được leo lên tàu điện là thích thú lắm. Ông Khánh bảo: Bọn chúng tôi học Trường Bưởi, sáng leo tàu điện, tối lại leo tàu điện về nhà vì được bác tài không thu vé.

Tư liệu về phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội cho biết, tàu điện “chạy bằng điện trên đường ray riêng”. Tháng 5-1900, người Pháp chính thức xây dựng Nhà máy Xe điện Hà Nội và tiến hành đặt đường ray. Ngày 10-11-1901, tuyến xe điện đầu tiên dài khoảng 18km được khai thác. Ngày 18-12-1906, khai thác thêm 5,5km tuyến Bạch Mai. Cả hệ thống tàu điện hồi ấy duy nhất chỉ có một ngã ba ở cạnh hồ Hoàn Kiếm, chếch cầu Thê Húc, đối diện với vòi phun nước, đầu phố Cầu Gỗ - Hàng Gai.

Ngã ba ấy có một đường đi Bưởi, một đường xuống Bạch Mai, đến chợ Mơ và một đường vào Hà Đông. Người ở tỉnh xa về lớ ngớ thường cứ dặn nhau “nếu lạc, cứ lên tàu điện nó sẽ kéo ra Bờ Hồ”. Ngày ấy, người dân thấy đi tàu điện là một thú vui, là phương tiện thuận lợi, an toàn. Viên chức, ký lục tới công sở, các bà gồng gánh, buôn bán, hoặc đi chơi, thăm thú cảnh quan Thủ đô lên tàu điện là chắc nhất. Các tuyến đường đều tỏa ra từ Bờ Hồ tới các cửa ô, kéo dài tới tận Hà Đông rất thuận lợi. Nó chạy khoan thai, từ tốn, khoảng chục ki-lô-mét/giờ, khách ngồi tàu tha hồ ngắm cảnh phố phường. Mỗi khúc quanh nó đủng đỉnh chậm lại, người phụ tàu cầm một thanh sắt nhanh chóng chạy xuống bẻ đường ray cho tàu đi theo lộ trình. Lúc này tàu reo lên một hồi leng keng thật vui tai.

Để ý kỹ nó cũng có tâm hồn, có ngôn ngữ đấy. Này nhé, sáng tinh mơ khi các bà, các cô tấp nập quang gánh trên vai từ các cửa ô chở hàng vào thành phố, tiếng tàu cứ ầm ầm, náo nức. Những trưa hè nắng như đổ lửa, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray nghe sao uể oải. Vào đêm, khi những ngọn đèn đường tỏa xuống quầng sáng vàng đục, tiếng chuông tàu nghe cũng mệt mỏi như bác tài rã rời sau một ngày bẻ lái. Rồi những đêm mưa phùn, gió bấc, trong tiếng lá rơi xào xạc, những bước chân hối hả bước lên tàu… Giữa cái rét se lạnh, mệt mỏi, hành khách bỗng ấm thêm bởi tiếng hát, tiếng nhị, tiếng phách của bố con ông hát xẩm: “Này anh khóa ơi!... ngày anh đi lên kinh thành ứng thí, em ở nhà nuôi mẹ một mình… tủi lắm! Này anh khóa ơi!…”. Mấy người hảo tâm dúi vào chiếc nón rách bươm trên tay cô bé vài chinh. Quang cảnh phố phường ngày ấy vừa thanh, vừa vui, vừa buồn, vừa mang hồn phố được cách tân, cố ngoi lên hiện đại bằng chiếc tàu điện leng keng.

Chiếc tàu điện tồn tại mãi đến những năm đánh Mỹ. Nhớ lắm, nó tiễn những đoàn quân ra trận, lên chốn biên cương, vào Nam chiến đấu. Cần mẫn, chăm chỉ đưa những chàng lính trẻ đứng trên tàu, cố chìa tay ra khỏi ô cửa mốc thếch, bụi bặm, chạm vào bàn tay cô bạn gái làng hoa lần cuối, để rồi người đi mất hút vào cuối phố, người ở nhìn theo tay vẫy vẫy hoài, tiếng leng keng xa dần, nhỏ dần rồi tắt lịm. Hơn hai phần ba thế kỷ bền bỉ, tàu ra tàu vào, xuống Mơ, lên Bưởi, không một ngày ngừng nghỉ. Một thời người ta đã cải tiến nó chạy bằng bánh lốp, tháo dỡ hết đường ray cho đường phố phong quang, rộng rãi. Nhưng rồi nó không thể đáp ứng được sự đi lại do phát triển dân cư ồ ạt, nên tàu điện, xe điện bị xóa sổ, lùi vào dĩ vãng, nhường cho xe buýt. Bây giờ, hình ảnh, âm thanh chiếc tàu điện lầm lũi, cần mẫn, chiếc ngược, chiếc xuôi, không giao cắt, không xung đột chỉ còn in sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ người Hà Nội đã trung tuổi, nhất là độ thất thập trở lên.

Khi phương tiện giao thông này bị “giải thể” thì những ký ức về nó đã ghi dấu ấn trong văn chương, nghệ thuật. Thi sĩ Bùi Ngọc Diệu trong bài “Nhớ” nổi tiếng hoài cảm tàu điện Hà Nội: “…Những dãy nhà cao chấp chới ánh đèn/Tiếng tàu điện leng keng gọi khách…”. Trong bài “Nhớ về Hà Nội” nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng nhắc đến hình ảnh một thuở: “Nhớ những con đê dài lối xe, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”. Và như thế, chẳng có chiếc tàu điện nào đứng “leng keng” chờ khách ở ngã ba nữa. Và giọng “xẩm tàu điện”, một di sản văn hóa độc nhất vô nhị nơi kinh thành cũng từ giã cuộc chơi.

Mai đây, chắc chắn Hà Nội sẽ có hệ thống tàu điện hiện đại. Đi ngầm, đi trên cao, với vô số điểm giao cắt không đồng mức nên sẽ không chỉ có một ngã ba như tàu điện ngày xưa. Rồi đây, khách đi tàu phải đến ga, lên toa lắp ghế đẹp, êm bóng, có máy điều hòa, tiếng chạy êm ru… liệu có ai nhớ đến “tiếng leng keng tàu sớm khuya” như trong bài hát kia? Những người yêu Hà Nội thì thầm với nhau: Giá như nơi phố cổ lại có tàu điện leng keng, cần mẫn đưa khách đến chợ đêm, ngày một đông vui mà không phải tổ chức những bãi trông, giữ xe ngổn ngang giữa đường phố như bây giờ nhỉ… Kể làm thế nào thì cũng không dễ, nhưng nhớ thì ai cũng có quyền, bởi vì đấy là phong vị phố Hà Nội.
 

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark