27/01/2012 | 09:02:00

Những dấu mốc của thành Thăng Long thời Trần

Cuộc đảo chính yên ả năm 1225 đã làm cho kinh đô Thăng Long đổi chủ mà hầu như không một chút xao động. Tên kinh thành vẫn là Thăng Long. Điện coi chầu vẫn là Thiên An, nhà Trần đã tiếp thu toàn bộ kinh sư nguyên vẹn. Vào những năm đầu thay đổi triều đại đó thật khó phân biệt cái gì là di vật thời Lý và cái gì là di vật thời Trần.
 
 Những năm sau nữa, nhà Trần đã tu bổ xây dựng thêm theo nhu cầu triều chính. Nhưng trục trung tâm Thiên An – Đoan Môn vẫn không thay đổi.
 
 Các vòng thành có nhiều lần gia cố, mở rộng, sửa sang.
 
 Về vòng La Thành có một sự kiện đắp thành Đại La được sử chép lại như sau: “Năm Canh Dần (1230) định các phường về hai bên tả hữu kinh thành, bắc chước đời trước chi làm 61 phường. Đặt ty Bình Bạc (tức là Kinh Doãn xét kiện tụng ở kinh thành), hoặc có làm rộng thêm phía ngoài thành Đại La”.
 
 61 phường là số phường nhiều nhất của kinh thành, như vậy diện tích của kinh thành nới rộng rất nhiều. Qua điều tra điền đã thấy rằng, có nhiều địa danh như phường Thành Công (phường Nhược Công xưa), phường Xã Đàn, phường Thịnh Quang (Nam Đồng), phường Kim Liên, phường Hồng Mai (tức Bạch Mai) nay ở ngoài phạm vi đường La Thành.
 
 Một đoạn phố tiếp nối với phố Minh Khai ngày nay vẫn mang tên Đại La. Như vậy đoạn đường từ Ngã Tư Sở qua đường Trường Chinh, qua Đại La, qua Minh Khai sang Vĩnh Tuy xưa kia phải là tường thành. Đúng vậy, con đường này vẫn cao hơn hai bên tuy đã nhiều lần bị bạt đi làm đường phố.
 
 Ở quãng ngã tư Trung Hiền, nơi phố Đại La tiếp nối với phố Minh Khai còn có chỗ gọi là cửa ô Chó Đá. Những con chó đá đã bị bỏ đi nhưng gọi là cửa ô thì chỉ có thể là cửa mở ở vòng La Thành (La thành thứ hai, La Thành lớn) ở ngoài vòng La Thành có từ thời Lý từ Giảng Võ đi Đống Mác ra Lãng Yên. Gọi thành này là Đại La là rất đúng vì vậy thành này bao một phạm vi rộng hơn La Thành rất nhiều.
 
 Thư tịch, địa danh, thực địa đều ủng hộ sự có thật một vùng thành chạy từ Ngã Tư Sở, qua đường Trường Chinh, đường Đại La, đường Minh Khai tới Vĩnh Tuy rồi theo đê sông Hồng ngược lên ô Đống Mác để nối với La Thành thời Lý.
 
 Đoạn thành Đại La này là sản phẩm mới của thời Trần đã tạo nên vòng Đại La thành của Thăng Long lớn nhất xưa nay, dài tới trên dưới 30km, bao gồm toàn bộ kinh đô vào trong lòng nó.
 
 Vòng Long Thành ở thời Lý mới đắp sơ sài. Song thời Trần đã đắp kiên cố hơn và đặt quân canh gác nghiêm mật, sử chép: “Canh Dần (1230)…Lệnh tội đồ theo thứ bậc khác nhau…tội đồ làm lao thành binh thì thích vào mặt bốn chữ, làm việc dọn cỏ ở Phượng thành Thăng Long, lệ vào quân Tứ Sương.
 
 Năm 1243, sử lại chép “tháng 2 đắp thành bên trong gọi là thành Long Phượng …” thế là Long thành được đổi gọi Long Phượng thành. Long Thành, Phượng Thành, Long Phượng thành chỉ là một, là tòa thành nhỏ bên trong được đặt tên cao quý nhất.
 
 Về cung điện, lầu các, hành lang giải vũ, tất thảy đều nguyên vẹn của thời Lý. Thời Trần xây thêm không ít, đặc biệt năm Canh Dần (1230) đã xây dựng cung Thánh Từ (nơi Thượng Hoàng ở), bên tả và cung Quan Triều (nơi vua ở) bên hữu. Đây là hai cung đối xứng như hai bên Thiên An có bộ máy quan chức quan trọng nhất của triều đình. Chế độ Thái Thượng Hoàng là chế độ đặc biệt của triều đình nhà Trần. Đi theo nó là kiến trúc cung đình, là quan chức cũng riêng của nhà Trần.
 
 Hoàng thành Thăng Long đã từng trải qua nhiều phen binh hỏa. Thế nhưng Thiên An, Đoan Môn, hai kiến trúc tiêu biểu, con đường trục Thiên An – Đoan Môn có thể gọi là đường thần đạo của Thăng Long thì vẫn còn đậm dấu tích trong Hoàng Thành. Tìm thấy những dấu tích này sẽ cho ta những kết luận xác đáng về trung tâm kinh đô Thăng Long thời Lý – Trần./.

Bản để in Lưu vào bookmark