05/12/2012 | 14:38:00

Những người ngày đêm thầm lặng làm đẹp cho Thủ đô

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”?...

Mỗi một người đều có sự lựa chọn nghề nghiệp, sự lựa chọn ấy đôi khi là ngẫu nhiên nhưng rồi cái nghiệp đeo đẳng với nghề có khi gắn bó với người ta suốt cả cuộc đời.

Mặc dù khối lượng công việc hết sức vất vả nhưng chưa bao giờ có trường hợp nữ công nhân xin nghỉ việc. Đây là công việc nặng nhọc và độc hại không phải ai cũng muốn làm, đến con cái trong nhà khi có ai đó hỏi thăm về nghề nghiệp của bố mẹ còn phải nói tránh đi, nghề nghiệp gì mà lại khó hiểu đến vậy?

Ở đây tôi muốn đề cập đến những người ngày đêm thầm lặng làm đẹp cho Thủ đô. Một ngày làm việc của người thợ công nhân thoát nước bắt đầu từ rất sớm. 6h30 sáng họ đã có mặt ở các tuyến mương thoát nước, họng thu nước để làm sạch sau một đêm ngập tràn rác thải vứt bừa bãi, đất, đá, túi nylon, chai lọ đang chờ khơi thông.

Với 9653 km cống rãnh, 2338 ga thu, 2143 ga thăm, 9,22 km mương, 6486 km sông và 7 hồ thuộc quận Ba Đình, một phần lớn quận Tây Hồ, một phần quận Hoàn Kiếm và phần địa bàn Hà Nội phát triển về phía bắc nhưng chỉ có hơn 200 công nhân, 7h30 sáng họ lại tiếp tục nạo vét các cống ngang, mương, sông. Mỗi khi lội xuống những hố ga, kênh mương nước đen sền sệt để vớt rác ai cũng nơm nớp lo sợ giẫm phải kim tiêm, mảnh chai…Dù biết nguy hiểm đang rình rập nhưng vẫn phải làm, và chỉ còn cách làm miệt mài cho sớm xong việc, ngày mưa cũng như là ngày nắng.

Làm việc trong những ngày nắng đã rất vất vả, mệt nhọc còn những ngày mưa cũng không kém phần nặng nhọc, đặc thù của công việc là lao động ngoài trời, giữa trời nắng, trời mưa, bão giông, sấm chớp, những người dân đi ngang qua còn phải nín thở vì mùi hôi thối của cống rãnh, rác rưởi thế mà họ, những người công nhân thoát nước vẫn âm thầm lặng lẽ làm việc.

Hai căn bệnh phổ biến của công nhân thoát nước là hô hấp và da liễu. Vì điều kiện thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm và môi trường làm việc độc hại nên đa số trong số họ mắc phải hai bệnh này. Nhưng hiện nay rất mừng là họ đã được cấp phát gần như đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ làm việc để phục vụ tốt hơn cho quá trình làm việc. Đặc biệt sau trận lụt lịch sử tháng 11/ 2008, Thành phố cũng phần nào quan tâm nhiều hơn đến công việc của những người chăm lo cho hệ thống thoát nước Thủ đô.

Cùng chung tay góp một phần không nhỏ trong việc làm đẹp cho bộ mặt Thủ đô, ngành thoát nước Hà Nội đã và đang tiến hành các công việc khẩn trương có hiệu quả, nạo vét bùn trên các kênh mương, khơi thông dòng chảy, vớt rác ở các hố ga, cửa cống nhằm lưu thông nước thải.

Cứ hình dung nếu như không có những con người thầm lặng ấy thì nước thải sẽ chảy ra sao?./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark