25/11/2009 | 09:11:00

Những vườn lan quý trong lòng thủ đô Hà Nội

(Ảnh minh họa: Internet)

Nằm không xa trung tâm Hà Nội, xã Đông La, huyện Hoài Đức nổi tiếng với nghề trồng hoa lan, trong đó có những loài hiếm trên thế giới.

Nghề trồng lan mới có ở xã Đông La vào khoảng năm 1990 do một số cựu chiến binh mang về từ rừng Trường Sơn. Từ chỗ chơi lan như một thú vui, người dân Đông La đã phát triển nghề trồng lan cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Nội và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đến nay, cả xã Đông La đã có 52 hộ trồng lan với những vườn lan rộng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét vuông. Nghề trồng lan ở xã Đông La tập trung nhiều nhất ở thôn Đông Lao và Đồng Nhân, với những vườn lan như Trường Uyên, Thực Hà, Tiền Hảo...

Theo lãnh đạo xã Đông La, nghề trồng lan đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, một hộ trồng lan cũng có lãi hàng trăm triệu đồng, gấp nhiều lần nghề nông nghiệp.

Ủy ban Nhân dân xã Đông La đã quy hoạch 10ha vùng bãi để nuôi trồng hoa lan, cây cảnh, nhằm phát triển kinh tế địa phương trong những năm tới.

Ẩn trong không gian trầm lắng của vùng đất bãi, vườn lan của anh Nguyễn Hữu Nguyên, xóm 4, thôn Đồng Nhân mang lại một cảm giác thư thái lạ. Trên mảnh đất rộng 1400m2, một nửa diện tích trồng loại lan cátlaia, còn lại là các loại lan rừng như đai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc...

Vườn lan của anh có một số loài lan biến thể như sóc ta hoa đỏ, trằm tím lá viền trắng, đai trâu hoa trắng giá vài triệu đồng/cây, đặc biệt có một cây cátlaia biến thể hoa màu vàng chanh, chỉ duy nhất có ở vườn lan này. Theo anh Nguyên, cây lan này có giá trên 30 triệu đồng và loài lan biến thể được khách nước ngoài rất ưa chuộng.

Anh Nguyên chia khu vườn thành từng khu trồng các loài lan khác nhau để khách hàng dễ lựa chọn, khu trồng lan công nghiệp, khu trồng lan rừng, nhiều loài trông rất ấn tượng như cây mai trúc lan ít nơi có, giống mang về từ Điện Biên, lá thanh như lá trúc, thân mảnh mai rủ xuống như liễu, ra hoa 2 mùa màu vàng tuyền, nhỏ xinh.

Trong vườn của anh Nguyên còn có gần 100 gốc phi điệp trắng, mỗi gốc giá khoảng 1 triệu đồng.

Anh Nguyên cho biết, bắt đầu trồng lan từ năm 2000, đến nay gia đình anh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng vào vườn lan, thu hoạch rải rác trong năm, nhiều nhất là trong dịp Tết, có dịp Tết bán được trên 300 triệu đồng tiền hàng.

Anh Tạ Công Thực, chủ vườn lan Thực Hà, thôn Đồng Nhân, một người rất tâm huyết với nghề trồng lan cho biết, cùng một dòng hài lan nhưng loài hài lan bình thường hoa nâu vàng bán trên thị trường rất rẻ, trong khi lan biến thể có giá tới 100 USD/cây ở Hà Nội, hoặc 2.000 USD/cây nếu bán ra nước ngoài.

“Lúc đầu chưa ai dám đầu tư, sau mọi người trong xã đều thấy trồng lan là một nghề có thể kiếm sống được. Trồng lan chỉ có lãi chứ không có lỗ, anh Thực nhận định.

Hiện nay trong mảnh vườn rộng trên 400m2 anh trồng trên dưới 100 loài lan. Những loài lan được khách hàng ưa chuộng thường là phi điệp tím, phi điệp hồng, kiều tím, kiều hồng, kiều vàng, đai châu, quế lan hương, tam bảo sắc...

Anh Thực đã cùng 16 thành viên trong xã thành lập Hợp tác xã dịch vụ thương mại nuôi trồng hoa lan, cây cảnh để tìm đường xuất khẩu lan.

Là một người chơi lan sành sỏi, anh Thực đi đến nhiều vùng để tìm mua lan. Hiện nay, thu nhập từ trồng lan của gia đình anh bình quân cũng được 60-70 triệu đồng/sào/năm.

Vào dịp cuối tuần, nhiều khách tham quan vào các vườn lan chọn mua hoa, trong đó cả khách đến từ Trung Quốc, nơi cung cấp nguồn giống lan trồng công nghiệp cho các hộ dân ở đây.

Chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, vùng hoa lan Đông La đang nuôi trồng để có những giò phong lan làm đẹp cho ngày đại lễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark