16/03/2010 | 18:33:43

Nữ họa sỹ không chuyên tuổi… 90

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thi.

Men theo con đường sâu và hẹp nằm sát bờ sông Nhuệ ở tận cuối phố Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Lê Thi - lão họa sỹ không chuyên đã ngấp nghé tuổi…90 với gia tài gần 2.000 bức tranh; trong đó nhiều bức đã được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật.

Cánh cổng ngôi nhà vừa mở ra, chúng tôi đã bắt gặp ngay hình ảnh một cụ già vóc dáng nhỏ bé có tấm lưng còng và mái tóc bạc trắng, đang mải mê hướng dẫn người học trò tuổi cũng chừng đã ngoài… 60 hoàn thiện từng nét vẽ trên tranh tĩnh vật.

Bước lên căn nhà sàn - nơi đặt phòng vẽ của cụ, không gian hội họa bỗng ngập tràn với rất nhiều bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu và bột màu, được treo hoặc đặt khắp phòng.

Đây chính là kết quả của sự sáng tạo từ đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của nữ họa sỹ chưa từng được học qua một trường lớp hội họa nào và cũng chỉ chính thức làm quen với hội họa từ năm 1994, khi đã ở tuổi…74.

Trong số hơn 2.000 bức tranh mà cụ Thi đã vẽ, khá nhiều bức đã được chọn tham dự các triển lãm như: triển lãm mỹ thuật khu vục đồng bằng sông Hồng, triển lãm tranh phụ nữ quốc tế Việt-Pháp, triển lãm mỹ thuật người cao tuổi toàn quốc…

Tài năng vẽ tranh của cụ đã được ghi nhận bằng giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Nguyễn Trãi của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tây trước đây, giải thưởng của Hộ Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là tấm bằng khen của Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) với thành tích sáng tác được nhiều tác phẩm mỹ thuật, đóng góp cho phong trào sáng tác mỹ thuật ở Việt Nam.

Giờ đây, ở tuổi 89 cụ vẫn miệt mài sáng tạo. Cụ bảo: "Tôi vẽ rất nhanh, cứ như có gì bên trong thôi thúc, khi ngồi trước giá vẽ, bút màu, các nét vẽ cứ tự nhiên hình thành mà không cần vẽ nháp, không cần phác họa gì cả, cứ thế chấm màu lên luôn."

Chị Phạm Kim Quy, nhà ở khu tâp thể Giảng Võ nguyên là giáo viên, nay đã nghỉ hưu đang học ở nhà cụ Lê Thi được 6 tháng nay cho chúng tôi biết: “Tôi gặp may nên mới được cụ nhận là học trò. Bao nhiêu người đến xin học nhưng cụ đều từ chối, bảo là có học hành ở trường lớp nào đâu mà làm thầy được. Tôi xem Tivi thấy cụ vẽ đẹp quá, mình về hưu rồi, rảnh rỗi cũng muốn tìm niềm vui cuộc sống qua hội họa nên quyết định tìm đến cụ. Cụ để tôi tự do sáng tạo, chỉ hướng dẫn cách pha, phối màu sao cho hợp lý, sinh động hơn thôi.”

Ngừng đôi tay cầm cọ, cụ Lê Thi nhỏ nhẹ cười, khiêm tốn cho biết, cụ vẽ hoàn toàn theo bản năng, chẳng có bài bản, nguyên tắc gì nhưng nhiều người cứ tìm đến, nhất quyết xin học. Cụ chỉ dám hướng dẫn họ cách cảm nhận, cách phối màu thôi chứ còn làm thầy thì không dám đâu.

Thong thả lấy cái cối nhỏ, giã miếng trầu cho giập, rồi vừa bỏm bẻm nhai trầu, lão họa sỹ không chuyên vừa kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với hội họa của cụ.

Những năm tháng còn trẻ, cụ công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, sau khi nghỉ hưu, cụ về sinh sống ở Hà Đông cùng con cháu. Cả một đời tất bật thay người chồng đã mất sớm sớm nuôi dạy con trưởng thành, cụ chỉ có cơ hội đến với hội họa khi đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Đó là khi đứa cháu nội đến tuổi đi học, cụ Thi chiều cháu và cũng là để giúp cháu dễ học, dễ tiếp thu nên cứ học đến chữ cái nào, cụ lại minh họa bằng cách vẽ hình lên cho cháu xem.
 
Chẳng hạn, đến chữ B là hình một con bê, con bò đang nhẩn nha gặm cỏ; đến chữ H lại là hình vẽ một bông hoa hồng đỏ thám… Cứ thế, những nét vẽ mỗi ngày thêm mềm mại, có hồn, bất chấp tuổi cao, sức yếu khiến cụ Thi ngày càng đam mê với hội họa.

Vẽ một cách cảm tính, không theo bất cứ quy tắc nào, bài học nào về bố cục, về tạo hình, cụ Thi cũng bỏ qua luôn cả bước vẽ phác thảo bằng bút chì trước khi phủ sơn dầu hay bột màu, vậy mà các bức tranh do cụ vẽ vẫn rất sinh động, có hồn khiến bất cứ ai có dịp thưởng thức đều thán phục, trầm trồ.

Đề tài trong các bức tranh của cụ rất giản dị. Từ khung cảnh đàn gà bên cây khế, cảnh câu cá buổi đêm hay một màn sương bảng lảng lúc sớm mai, cánh đồng lúa vàng, bến nước quê hương, vườn cây ao cá ngay trước nhà … đều được cụ thể hiện thật tự nhiên với đường nét và màu sắc rất chân thực trong từng nét vẽ.

Say mê vẽ đến mức, cụ Thi còn tận dụng luôn cả những mẩu thừa, mảnh vụn của các miếng toan trên những bức tranh đã hoàn chỉnh, được cụ cắt cho gọn gàng cho vừa với khung treo để tiếp tục vẽ thêm những bức tranh tí hon vô cùng độc đáo.

Mang ra cho khách xem mấy bức tranh xinh xinh có kích cỡ chỉ bằng bàn tay, vẽ bình cúc hoa cúc tím dịu dàng hay một đĩa hoa quả sinh động, cụ Thi cười móm mém khoe, "Nhiều người tình cờ đến thăm phòng tranh, thấy những bức tranh "tí hon" như thế này, rất thích. Có người còn muốn mua nhưng tôi chẳng biết ra giá bao nhiêu vì bức tranh chỉ bé thế thôi mà…"

Trò chuyện với cụ bà mê vẽ Lê Thi, chúng tôi càng thêm bất ngờ khi được biết, không chỉ vẽ tranh mà cụ còn quyết tâm học và đã sử dụng thành thạo máy vi tính để viết… tiểu thuyết.

Hiện, bộ tiểu thuyết mang tên "Ngược dòng" của cụ đã hoàn thiện và cụ đang mong chờ có một nhà xuất bản nào đó đứng ra nhận in ấn, phát hành.

Nhà thơ Vũ Dương Tá- hiện là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Việt Nam khi đến thăm phòng tranh của cụ Thi đã xúc động, cảm phục viết tặng cụ mấy dòng thơ: Lưng còng, tay cọ thẳng, thảnh thơi/ Nhà sàn một khoảng tung hoành vẽ/ Cối trầu thư giãn lúc nghỉ ngơi...

Lòng đam mê và tài năng sáng tạo của những con người bình dị như cụ bà Lê Thi ở phố Xa La, quận Hà Đông phải chăng đã và đang góp một phần dẫu là nhỏ bé, minh chứng cho nét tài hoa, tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp cuộc sống ở những công dân của Thủ đô nghìn tuổi hôm nay./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark