04/08/2010 | 15:51:00

PGS-TS Hà Đình Đức và chuyện rùa hồ Gươm

Hàng ngày PGS-TS Hà Đình Đức thường bách bộ ra hồ Gươm để mong được thấy bóng dáng “Cụ rùa” nổi trên mặt nước. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Đình Đức là chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu về một cá thể rùa đặc biệt hiện đang sống ở hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) - Hà Nội.

Đó là một “Cụ rùa” thiêng trong tiềm thức văn hóa của người Hà Nội và cũng chính là cá thể duy nhất tại Việt Nam trong tổng số năm cá thể sống thuộc loài rùa Rafetus Swinhoei quý hiếm hiện còn sót lại trên trái đất này.

Dưới làn nước xanh như ngọc của hồ Gươm, có một cá thể rùa khổng lồ chẳng biết mấy trăm năm tuổi, chỉ biết người Hà Nội xưa nay vẫn quen gọi một cách thành kính là “Cụ rùa,” bởi tương truyền đây chính là rùa thần trong truyền thuyết vua Lê Lợi (ở thế kỷ 15) trả lại gươm báu cho rùa thần sau khi đánh thắng giặc Minh xâm lược.

“Cụ rùa” sống ở hồ Gươm từ đời này qua đời khác tạo nên nhiều huyền thoại trong trí tưởng tượng phong phú của người dân và sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học, trong đó có Phó Giáo sư-Tiến sĩ sinh học Hà Đình Đức, nhà rùa học hàng đầu của Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư Hà Đình Đức, "Cụ rùa" hồ Gươm có tên khoa học là Rafetus Swinhoei, đây là loài rùa được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.

Cũng theo ông, trên thế giới hiện chỉ còn năm cá thể sống thuộc loài rùa này, trong đó "Cụ rùa" hồ Gươm là cá thể duy nhất tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngoài giá trị ý nghĩa văn hóa mang yếu tố tinh thần rất lớn của người Việt, "Cụ rùa" hồ Gươm còn có ý nghĩa rất đặc biệt trong vấn đề đa dạng sinh học và bảo tồn loài.

Có dịp được trò chuyện cùng Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Đình Đức tại căn phòng làm việc của ông giữa không biết cơ man nào là sách, là tài liệu khoa học, chúng tôi chợt nhận thấy dường như trong trái tim ông tình yêu về Hà Nội cũng như niềm say mê nghiên cứu về loài rùa hồ Gươm lúc nào cũng dạt dào và cháy bỏng.

Suốt buổi gặp ngày hôm ấy ông đã say sưa nói về rùa, nói về các giải pháp bảo tồn môi trường hồ Gươm, nơi “Cụ rùa" thiêng đang ở.

Nói về sự nghiệp nghiên cứu rùa của Phó Giáo sư Hà Đình Đức, Sách kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2010 đã thống kê: Phó Giáo sư Hà Đình Đức là người có tới sáu công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về hồ Gươm, đã trả lời 106 cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn nước ngoài những vấn đề liên quan đến rùa và hồ Gươm, có 404 bài báo viết về ông với hồ Gươm. Và ngay bản thân ông cũng đã viết tới 300 bài về rùa hồ Gươm…

Đó quả là những con số kỷ lục về sự nghiệp khoa học của Phó Giáo sư Hà Đình Đức đối với vấn đề rùa hồ Gươm.

Phó Giáo sư Hà Đình Đức kể lại rằng, vào năm 1991, lần đầu tiên ông có cơ hội được tận mắt nhìn thấy “Cụ rùa” hồ Gươm bằng xương bằng thịt bơi lội trên mặt hồ và rồi như một cơ duyên ông gắn mình với công việc nghiên cứu rùa bắt đầu từ đấy.

Để bảo vệ cá thể rùa đặc biệt này, Phó Giáo sư Hà Đình Đức đã trăn trở, miệt mài gõ cửa các cấp chính quyền để trình lên những giải pháp mà ông dày công nghiên cứu.

Để phản đối dự án nạo vét Hồ Gươm, ông đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những lời tràn đầy tâm huyết như: “Công việc nạo vét hồ Gươm có thể làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn xưa nay của loài rùa quý và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong. Để bảo vệ loài rùa quý này, tôi tha thiết đề nghị tạm hoãn công việc nạo nét lòng hồ để tiến hành nghiên cứu những đặc điểm sinh thái và sinh học của loài rùa cũng như điều kiện sống hiện tại của chúng.”

Lá thư của ông đã được Chính phủ đồng tình và chia sẻ.

Có lần phát hiện thấy “Cụ rùa” Hồ Gươm bị nhiều vết thương tích trên mình, ông xót xa bàn với anh em trong Đội trật tự an ninh hồ Gươm tìm cách lần mò nhổ hết những chiếc cọc lởm chởm cắm trong lòng hồ mênh mông nước để “Cụ rùa” có thể bơi lội an toàn.

Hoặc có lần đang giảng bài ở trường hay tin “Cụ rùa” bị vướng vào cành cây, ông cũng lập tức gọi điện cho anh em trong Đội trật tự an ninh hồ Gươm bơi thuyền ra gỡ cứu “Cụ” thoát nguy... Tất cả những việc làm ấy cho thấy tình yêu của ông dành cho “Cụ rùa” tuy âm thầm, giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Để có thể tìm ra những giải pháp tối ưu và bền vững cho việc bảo vệ “Cụ rùa,” Phó Giáo sư Hà Đình Đức cũng đã nhiều lần tìm cách đưa vấn đề nghiên cứu bảo vệ loài rùa quý ở hồ Gươm ra bàn thảo tại các hội thảo quốc gia và quốc tế. Và chính ông đã trực tiếp viết đề cương trình bày ý tưởng xây dựng bãi nghỉ ngơi và sinh sản cho loài rùa hồ Gươm trên Gò Rùa ở giữa hồ Hoàn Kiếm.

Vừa qua, cùng với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Băng Sơn, Phó Giáo sư Hà Đình Đức đã được đề cử trao giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” vì đã có những đóng góp lớn trong việc bảo vệ loài rùa quý ở hồ Gươm.

Nói về những đóng góp của Phó Giáo sư Hà Đình Đức, Giáo sư Vũ Khiêu đã từng khẳng định rằng: “Phó Giáo sư Hà Đình Đức chính là người đã có công bảo vệ hai hồ quý của Hà Nội là hồ Gươm và hồ Tây."

Năm 2010 cả nước đang chung lòng hướng về sự kiện 1,.000 năm Thăng Long-Hà Nội và trong muôn triệu tấm lòng ấy có tấm lòng của một nhà khoa học luôn cống hiến hết mình vì sự sống của “Cụ rùa” thiêng, và cũng vì một nghĩa cử cao đẹp hơn nữa, đó chính là tình yêu Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến của người Việt.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Đình Đức:
 
 - Sinh ngày 23/3/1940, quê ở xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
 
 - Ông là giảng viên cao cấp tại Khoa Sinh học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
 
 - Ông là thành viên của nhiều tổ chức như Tổ chức Quốc tế Bảo vệ các loài động vật và thực vật quý hiếm (SSC/IUCN), Tổ chức Jersey Wildlife Preservation Trust, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Danh dự Ủy ban Bảo vệ Vườn Quốc gia Fontainebleau Pháp.


(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark