14/04/2010 | 10:57:00

Phạm Gia Khải - Nhà tim mạch học hàng đầu

Giáo sư Phạm Gia Khải (giữa) hướng dẫn các thực tập sinh cách thăm khám bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tim.

Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng lao động Phạm Gia Khải gắn liền với những thành tựu nổi bật của ngành tim mạch học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch học can thiệp. Ông còn là một chuyên gia uy tín của nhiều tổ chức tim mạch học lớn trên thế giới.

Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khải, vị Chủ tịch đáng kính của Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam là một ông già có vóc dáng thấp nhỏ, khuôn mặt phúc hậu cùng với mái tóc bạc trắng như sương.

Xoay xoay trên tay một quả tim mô hình màu đỏ, ông nói với tôi như đang nói với chính người bệnh của mình: “Anh, tôi, và cả loài người trên thế giới này có thể mất đi một phần cơ thể nhưng không thể mất đi quả tim nhỏ bé này vì nó là trung tâm của sự sống, là khởi nguồn của tình yêu và cũng là căn nguyên của mọi lòng thù hận…”

Giáo sư Phạm Gia Khải bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng chính những thất bại đắng cay mà ông đã từng nếm trải trong nghề, ví như chuyện một thanh niên 17 tuổi mắc bệnh tim nặng không thể qua khỏi đã tặng ông món quà nhỏ là bao thuốc lá Tam Đảo cùng với lời nhắn gửi: "Cháu biết chú không chữa được bệnh cháu đâu, nhưng chú nhìn kỷ niệm này để sau này chữa được những trường hợp bị bệnh như cháu."

Chứng kiến nỗi tuyệt vọng của người bệnh và cũng là nỗi bất lực của chính bản thân, ông buồn bã: “Tôi đã bó tay nhìn người bệnh ra đi trong sự bất lực của chính mình vì thực sự lúc ấy những hiểu biết về tim mạch học của chúng ta còn quá ít." Và có lẽ câu nói đau lòng của người bệnh như một lời trăn trối định mệnh đã thôi thúc dẫn bước ông từ một bác sĩ đa khoa hệ nội trở thành một nhà tim mạch học hàng đầu của Việt Nam.

Nói đến thành công của riêng mình hầu như ông không nói gì nhiều mà chỉ nhắc đến những kỷ niệm vui qua những lần tự tay cứu sống được người bệnh, ví như chuyện ông đã cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi được chứng kiến niềm vui của người nhà một bệnh nhân mắc chức u tụy tạng bị hôn mê và lên cơn co giật đã được ông cứu sống năm nào...

Những chuyện đại loại như thế đối với ông cho đến giờ phút này xem ra không thể nhớ hết, nhưng đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời làm nghề chữa bệnh cứu người của ông.

Trong số những thành quả nổi bật của ngành tim mạch học Việt Nam hiện nay mang đậm dấu ấn tài năng và trí tuệ của ông có thể kể đến như kỹ thuật siêu âm trong chẩn đoán các bệnh tim, kỹ thuật nong động mạch vành, đặt stent, nong van hai lá bằng bóng qua da, bít các luồn thông bẩm sinh trong các tổn thương vách ngăn các buồng tim, thăm dò điện sinh lý tim, dùng sóng radio triệt phá các ổ ngoại vị và các đường dẫn truyền bất thường gây loạn nhịp tim...

Đặc biệt, kỹ thuật sửa van hai lá là một kỹ thuật khó mà ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam đã ứng dụng thành công hiện đang được đông đảo các chuyên gia khu vực và thế giới tham khảo học tập.

Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, ông không còn trực tiếp đứng bên bàn mổ nhưng không vì thế mà ông đã nói lời chia tay với sự nghiệp ngành y của mình. Bởi như những gì mà ông từng chia sẻ, đó là: “Lĩnh vực tim mạch rất cần khả năng tiếp cận với y học thế giới để cập nhật các kiến thức không ngừng phát triển trong thời đại hiện nay, vì chỉ chậm thông tin một chút thôi, biết bao nhiêu người bệnh đã bị thiệt thòi do ta không có thái độ tiếp cận phù hợp." Chính vì vậy mà người ta thường xuyên thấy ông có mặt tại các diễn đàn và hội nghị quan trọng của ngành tim mạch học trong nước và quốc tế.

Bàn đến đạo đức của nghề y, một trong những vấn đề mà xã hội quan tâm hiện nay, ông đã không ngần ngại chia sẻ: “Tôi quý trọng người khiêm tốn, trung thực, giản dị. Tôi e dè người kiêu ngạo và thích nổi danh, vì tính cách đó sẽ gây ra biết bao đau khổ cho đồng nghiệp và cho bệnh nhân..."

Trước lúc chia tay, nhân nói tới chương trình mổ tim miễn phí cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giáo sư Phạm Gia Khải đã thổ lộ: “Tôi thương các cháu nhưng sức người có hạn, ngân sách nhà nước cũng có chừng, cho nên tôi mong có thêm nhiều Mạnh Thường Quân, nhất là các bạn kiều bào ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế hãy dang rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ các cháu”./.

Giáo sư, tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Anh hùng lao động Phạm Gia Khải sinh ngày 30/4/1936 tại Hà Nội.
 
 - Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (2007)
 - Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005)
 - Thành viên Hội Tim mạch Pháp (1991)
 - Thành viên Hội Tim mạch Hoa Kì - FACC (2005)
 - Thành viên Hội Tim mạch Âu châu - FESC (2009)
 - Thành viên Hiệp hội Tim mạch Đông Nam Á (2007), và Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Đông Nam Á (2008-2010)
 - Chủ tịch Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam (từ năm 2004).


(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark