12/03/2010 | 14:43:00

Phạm Minh Hạc - Người cả đời theo đuổi “giá trị con người”

Giáo sư Phạm Minh Hạc. (Ảnh: TT&VH)

Muốn giáo dục con người, trước hết phải hiểu tâm lý và giá trị con người - Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người từng là thuyền trưởng chèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam vượt qua khó khăn những năm đầu đổi mới chia sẻ.

Người con của đất Thăng Long

Dù đã bước qua tuổi 75, ông vẫn đang miệt mài theo đuổi những nghiên cứu phục vụ sự nghiệp “trồng người” của nước nhà. Giáo sư Phạm Minh Hạc sinh năm 1935 tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Nói về quê hương, ông tự hào đó chính là một nơi tiêu biểu cho vùng văn hóa Nam Thăng Long xưa.

Ông sinh trong gia đình có công với cách mạng, ông nội cụ đồ Duy, tên thật là Phạm Thượng Chí, một trong sáu đảng viên đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ đảng năm 1930 ở làng Đông Phù, một trong những chi bộ đảng đầu tiên của Hà Đông. Sau khi bị địch khủng bố, cụ dời làng xuống Cổ Am, Hải Phòng và mất ở đó.

Tiếp nối cha, người chú ruột ông sau này cũng là Bí thư chi bộ Đông Phù, là người kết nạp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Đảng. Cha ông, một người buôn bán giỏi có tiếng trong vùng là người hết lòng ủng hộ cách mạng, nuôi giấu nhiều nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Thọ Chân và được kết nạp Đảng năm 1944. Sau này, trước khi xây dựng Nhà máy thuốc là Thăng Long, Bộ Nội thương thành lập Công ty thuốc lá thuốc lào miền Bắc, với tài kinh doanh nổi tiếng trước đó, cha ông trở thành giám đốc đầu tiên.

Trong kháng chiến chống Pháp, Phạm Minh Hạc học tại trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền, Quân khu 3. Giải phóng thủ đô, ông trở về Hà Nội học Đại học Văn khoa. Sau một năm học, ông được chọn là một trong bốn sinh viên của trường đi đào tạo ở Liên Xô, ông học ngành tâm lý giáo dục. Ở phương tây, tâm lý giáo dục đã phát triển từ cuối thế kỷ 19 nhưng ở Việt Nam thì còn rất mới mẻ. Ông nhớ lại, chính Bác Hồ đã sớm coi trọng vai trò của tâm lý, ở phần phụ lục trong "Nhật ký trong tù," Bác đã nói bốn yếu tố xây dựng xã hội thì tâm lý là yếu tố đầu tiên rồi mới đến các yếu tố khác.

14 năm theo học ở Liên Xô, từ đại học đến bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, ông ví von, số vàng để đào tạo người làm khoa học còn nặng hơn cái đầu của họ, trung bình cái đầu của chúng ta chỉ có 1,4kg thôi nhưng tiền đào tạo thì phải nhiều hơn. Phần lớn tiến sĩ đều là con em gia đình cách mạng, con em công nông, nhà nghèo. Nếu không có Đảng và chế độ cho đi học, thì khó mà kham nổi.

Trở về từ nước ngoài, sau bao năm cống hiến, giờ ngoảnh đầu nhìn lại, ông bảo thế hệ ông đã làm hết mình, đó cũng là trách nhiệm đối với đất nước. Đối với ngành tâm lý giáo dục, từ những năm 70 đến hết những năm 90, ông là chủ biên và là tác giả của sách tâm lý học từ trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm đến đại học sư phạm.

Người thuyền trưởng trong gió bão

Năm 1981, ông làm Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, từ năm 1985 đến 1987 là Thứ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Viện trưởng. Sau đại hội đổi mới tháng 12/1986, tháng 2/1987 ông được cử làm Bộ trưởng, đến năm 1990 khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học, ông làm Thứ trưởng thứ nhất đến 1996, rồi về làm Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo trung ương.

Ông trở thành bộ trưởng giáo dục giữa lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau 10 năm khủng hoảng kinh tế xã hội. Ông nhớ lại, đó là năm đổi tiền, lạm phát trên 800%, nhiều người có một khối tiền sau một đêm ngủ dậy mất hết không còn gì nữa. Đời sống giáo viên vô cùng eo hẹp, trường học bị “vỡ” từng mảng một, giáo viên bỏ trường, một loạt trường không có người dạy, không có người học. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giữ cho các trường đừng tan vỡ.

Để tìm cách đổi mới, ông nghiên cứu kỹ các bài phát biểu của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, người thầy lớn của ông. Ông triệu tập 81 đại biểu bàn về đổi mới tư duy giáo dục, hình thành hệ tư tưởng đổi mới giáo dục tuyên bố tại Hội nghị giáo dục toàn quốc ở Vũng Tàu tháng 7/1987. Khẩu hiệu được đưa ra lúc đó là: Khôi phục giữ vững, củng cố, ổn định và phát triển. Đầu tiên phải chấm dứt việc thầy giáo bỏ dạy, học sinh bỏ học, khôi phục lại trường lớp, giữ đến đâu phải củng cố ổn định đến đấy, sau đó mới nghĩ đến phát triển.

Bộ Giáo dục kêu gọi cả hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân tham gia vào công cuộc giáo dục mà sau này gọi là xã hội hóa giáo dục, đồng thời tìm cách nhân rộng kinh nghiệm những nơi làm tốt. Sau Hội nghị giáo dục toàn quốc, Bộ trưởng Phạm Minh Hạc trực tiếp chủ trì ba hội nghị ở ba miền ở Hà Nội, Tuy Hòa, Đồng Tháp để trực tiếp trình bày các biện pháp cứu nguy giáo dục nước nhà.

Các địa phương, chính quyền và nhân dân có điều kiện gì thì đóng góp vào để nuôi các thầy cô giáo, cho con em đi học để giữ lấy trường. Tư tưởng của ngành được chính phủ chỉ đạo, quán triệt trong toàn quốc. Cuối tháng 9/1987, tình hình dần ổn định. Đời sống tối thiểu của giáo viên được đảm bảo, học sinh đến trường trở lại.

Để bồi dưỡng học sinh giỏi, ông đề ra tư tưởng đại trà và mũi nhọn, hướng vào các trường chuyên lớp chọn. Từ lớp chuyên toán đầu tiên của khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965 cho đến tháng 7/1987 khi tuyên bố tư tưởng đại trà và mũi nhọn cả nước chỉ có sáu trường lớp chuyên. Bộ Giáo dục đưa ra chủ trương là mỗi tỉnh có một trường chuyên (riêng Hải Phòng gọi là trường Phổ thông Năng khiếu). Hệ thống trường chuyên bắt đầu nở rộ, đến nay, 70 trường chuyên hiện có vẫn là “mũi nhọn” góp phần đào tạo đội ngũ nhân tài của đất nước.

Năm 1990, ông đề xuất với Chính phủ và Quốc hội phát động Kế hoạch 10 năm phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Sau 10 năm, ngày 26/12/2000, khi không còn là bộ trưởng, ông được Chính phủ giao trách nhiệm, tuyên bố trên Đài Truyền hình Việt Nam với đồng bào trong nước và thế giới, nước Việt Nam đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. 10 năm làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chống mù chữ và phổ cập tiểu học, ông đã làm hết sức mình. Việc này hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển quốc gia.

Ông tâm sự: “Nước mình nông dân nhiều, tôi là bộ trưởng phải đem chữ đến cho mọi người dân nghèo, chính họ là người có công đầu trong cuộc giải phóng đất nước, là lực lượng chính của cách mạng.” Ông đặt ra ưu tiên số một là phải tìm hiểu thực tiễn của nhà trường, đi vào những nơi khó khăn nhất. Ông ký quyết định lãnh đạo Bộ Giáo dục, kể cả bộ trưởng một năm tổng cộng phải có ba tháng đi địa phương, đến địa phương phải đến các trường học và phải dự giờ. Không thiếu những trường học xa xôi ở Hà Giang, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long in dấu chân vị bộ trưởng tâm huyết.

Báo Giáo dục và Thời đại từng viết chuyện Bộ trưởng Phạm Minh Hạc trong chuyến công tác tại huyện U Minh, sau hơn một tiếng đi xuồng từ huyện vào lớp học ở rừng U Minh, ông đến lớp thì chỉ có trò không có thầy, vì thầy giáo “bỏ đi uống rượu,” và vị bộ trưởng đã thay thầy giáo đứng lớp dạy buổi học đó.

Từ lúc làm Thứ trưởng đến khi về hưu, mỗi ngày ông làm việc 15 tiếng là bình thường. Phòng làm việc của ông đều có hai buồng, có giường gối, chăn màn nhưng 21 năm chưa bao giờ ông nằm trên chiếc giường nghỉ trưa, dù chỉ một lần. Với tâm lý học, ông là người xây dựng khoa học tâm lý-giáo dục và làm Chủ tịch Hội khoa học tâm lý-giáo dục từ khi Hội này thành lập (1990) đến nay; xây dựng, sáng lập khoa học nghiên cứu con người và trở thành Viện trưởng đầu tiên Viện này từ 1999-2006.

Khi tôi hỏi điều mong muốn nhất của ông đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà hiện nay, ông bảo: “Mục tiêu cao nhất là phát triển con người, nhiệm vụ của nhà trường là dạy chữ, dạy người, nhưng chúng ta mới chú trọng dạy chữ thôi, vẫn rất thiếu về việc dạy nghề, dạy người. Giáo dục toàn diện tạo ra giá trị của con người, đóng góp và giá trị chung xã hội. Đến bây giờ, sau 25 năm đổi mới, tôi vẫn luôn mong ba điều là đủ trường lớp, đủ thầy giáo và đủ sách cho các cháu học sinh. Đó là tình cảm sâu nặng nhất trong lòng tôi với các em học sinh và sự nghiệp giáo dục. Chắc không ai có thể chê cười điều đó được.”

Phạm Minh Hạc được cấp bằng tiến sĩ năm 1971, bằng tiến sĩ khoa học năm 1977, được công nhận Giáo sư Giáo dục học năm 1984, chuyên ngành tâm lý học, được phong Viện sĩ Hàn lâm khoa học chính trị Nga năm 1999. Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên 59 cuốn sách về tâm lý học thần kinh, tâm lý học nhân cách, tâm lý học đại cương, tâm lý học nhân học; Giáo dục học: đường lối, chính sách, chiến lược giáo dục; Nghiên cứu con người, văn hóa và nguồn nhân lực.

Ông là người phụ trách biên soạn Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục năm 1996. Đến nay, kết luận của Bộ Chính trị tháng 4/2009 nêu rõ tiếp tục thực hiện Nghị quyết này trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì... 


(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark