22/03/2010 | 16:31:55

Phan Trác Cảnh - Người sưu tầm sách cũ ở Hà Nội

Giáo sư Việt Nam học Kenji Tomita, người Nhật (trái) cùng chủ thư viện sách cũ tư nhân Phan Trác Cảnh. (Ảnh: TT&VH)

Ông chủ thư viện sách cũ tư nhân ở số 5, phố Bát Đàn, quận Ba Đình, Hà Nội là người nho nhã, trầm tính, kiệm lời, tính nết đặc trưng của một người suốt đời đắm chìm giữa muôn trùng sách.

Những người "nghiện" sách khoa học xã hội, đặc biệt là sách địa chí, lịch sử các dân tộc Việt Nam, đều đã không ít lần gõ cửa địa chỉ này.

Trong căn nhà phảng phất mùi giấy cũ và mùi thuốc lá của chủ nhân, gần 10 tấn sách chất chứa xung quanh các bức vách, cầu thang lên xuống, lối đi. Sách bày kín giá kệ khắp các tường và sách có mặt trong tất cả các căn phòng của ngôi nhà bốn tầng.

Cuốn Souvernirs de Hue in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau viết kỷ niệm về Huế đã sờn rách được bọc lại cẩn thận. Các quyển Hán văn tân giáo khoa thư xuất bản năm 1928 và Ngũ thiên tự năm 1929 cũng còn nguyên vẹn. Nhiều báo, tạp chí đầu thế kỷ trước như Phong Hóa, Phụ Nữ Tân Văn, Gia Định Báo, Gió Mới, Văn Mới, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Phong vẫn đang nằm trên kệ thách thức thời gian.

Ông Cảnh chỉ cho xem bộ tài liệu đồ sộ gồm 46 cuốn về dân tộc Chàm, 11 tập chuyên nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam và những cuốn sách quí viết về người Mường, Thái, Mông, Tày... "Tác phẩm văn học hay có thể được tái bản, nhưng các sách nghiên cứu cổ rất kén người đọc, nên hiếm hoi lắm. Nó đang tuyệt bóng dần trên thị trường" - ông Cảnh ưu tư.

Toàn bộ bộ sưu tập của ông tập trung vào một chủ đề lớn: Việt Nam học. Từ nhiều năm nay, mỗi ngày ông giành chừng 12 tiếng cho việc sưu tập và làm sách, đến đêm khuya thanh vắng mới có thời gian thưởng thức tri thức trong gia tài đồ sộ của mình. “Càng đọc càng thấy mù mịt, chẳng biết bao giờ cho đủ,” ông Cảnh nói.

Chủ nhân của nhà sách số 5 Bát Đàn này do quá mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn mà thành nghiện sách. Nửa chừng xuân của Khái Hưng là quyển sách đầu đời làm ông Cảnh mê mẩn, đó cũng là bản in đầu tiên mà ông vẫn gìn giữ đến giờ như kỷ vật của đời mình. Ngay thời gian còn làm việc ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã xây dựng "gia tài" sách cũ.

Những ngày đầu khó khăn, ông phải nhịn cả suất ăn sáng, gói thuốc lá quen thuộc để có tiền mua sách. Bạn bè tưởng ông đã đổi nghề buôn ve chai khi thấy ông cứ lẽo đẽo đi lùng sách quí trong giấy vụn. Người đàn ông gốc Hà Nội này đã cứu hàng vạn cuốn sách khỏi lò nấu giấy. Đến nay, sau gần cả cuộc đời đọc sách, những tác giả làm ông yêu mến nhất là Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giầu, Hoàng Xuân Nhị.

"Hình như sách cũ cũng có linh hồn. Mình quí nó thì nó sẽ tìm mình," ông chủ tiệm sách Bát Đàn nói. Ông Cảnh kể qua thời đầu chật vật, nhiều người đã tự tìm đến mua bán, trao đổi sách. Thậm chí, một số người ở miền Nam cũng cung cấp sách cũ cho ông. Họ quí ông vì không chỉ bán sách, ông còn là người đọc sâu, biết trọng sách quí.

Họ thêm nể ông vì nhà sách không kinh doanh bát nháo mà được nâng niu cẩn thận như thư viện quí. Chính vì vậy, một số người trong những tên tuổi vang bóng như Trần Quốc Vượng, Vương Hồng Sển, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc đã xúc động khi thấy tác phẩm mình được nâng niu ở vị trí trang trọng trên kệ sách nhà ông. Không ít người viết sách đã dần trở thành bạn tâm giao của ông chủ thư viện số 5 phố Bát Đàn.

Ngoài nhiều quyển đặc biệt không bán, còn hai thứ được ông Cảnh lưu giữ kỹ là cuốn thư mục sách do mình biên soạn và bút tích, hình ảnh những người đọc đáng kính. Giáo sư Nhật Yao Takao lần đầu ghé đây khi còn là sinh viên và nhà sách này còn là ngôi nhà cấp bốn với mái tôn thấp nóng, nhưng Takao đã tìm thấy những cuốn sách cần cho nghiên cứu của ông.

Đến nay đã 17 năm trôi qua, nhưng năm nào ông cũng sang Việt Nam để tìm sách và gặp bạn tri kỷ là ông Cảnh. Nhiều chuyến ông còn dẫn theo sinh viên để họ tiếp tục đọc sách quí nơi này.

Vợ chồng nhà khảo cổ nổi tiếng Kikuchi Seichi và Abe Yuriko cũng thành bạn tâm giao của ông Cảnh trong những lần ghé thăm, tìm tài liệu khảo cổ về gốm sứ Việt Nam. Một người Nhật khác, Giáo sư Việt Nam học Kenji Tomita đặt chân đến kho tàng sách của ông Cảnh từ năm 1983 và từ đó đến nay hai người trở thành bầu bạn của nhau.

Vì cùng chung một niềm yêu sách, ông đã có hàng trăm bạn quốc tế đến từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, nhiều người trong số đó là giáo sư, nhà ngoại giao, khách du lịch cũng như những người bạn Việt Nam mê sách ở khắp đất nước.

Ông Cảnh tâm sự chính những người đọc đáng kính đã giúp mình quyết tâm theo nhà sách đến cùng. Ông bạn Takao hay nhắc nhở bạn: "Ông không có quyền nghỉ hưu, ông chưa được chết, để còn giữ nhà sách này cho đến khi tìm được người xứng đáng nhận lại nó.”

"Tôi nghĩ sách có hồn. Nó biết tìm đến người đáng kính hoặc người đáng kính sẽ tìm đến nó.”, ông Cảnh nói.

Trong gia tài sách của mình, ông Cảnh có gần 300 cuốn về Hà Nội, cuốn xưa nhất là Hà Nội chỉ nam của tác giả Nguyễn Bá Chính xuất bản năm 1923. Ông mới vừa sưu tầm được cuốn Chuyện Hà Nội của Vũ Ngọc Phan xuất bản năm 1941. Ông đọc kỹ cuốn này, bởi Vũ Ngọc Phan dám nói khá gắt gao cả về những mặt trái của Hà Nội, mà là những mặt trái ẩn ngay sau tiếng thơm của đất Kinh kỳ.

Giả dụ như chuyện dân Kinh kỳ sành ăn, mà đó toàn là những đặc sản từ khắp các vùng quê, nhưng hễ mở miệng ra lại chê người nhà quê-những người mà ông Phan trân trọng gọi là “ân nhân của người Kẻ chợ,” chuyện dân Hà Nội là “thợ nói,” chỉ ngọt đầu môi là giỏi; cái bệnh sính hội họp của dân Bắc Kỳ, mà phần nhiều, theo ông Phan là “những cuộc hội họp ồn ào vô vị..."

Tuy vậy, bực đấy mà cũng yêu lắm đấy, hẳn thế nên người viết mới phải xuýt xoa yêu Hà Nội bằng một cái giọng không nén nổi tự hào thế này: “Người ta đặt hy vọng vào Hà Nội nhiều quá. Mà điều ấy cũng không lấy gì làm lạ, khi người ta nhớ lại rằng, nếu ở nước Nam có cái thành phố nào cổ nhất vẫn còn tươi sáng dưới ánh mặt trời, Hà Nội phải là người anh cả.”

Sách cũ, nên hẳn nhiên, có những điều đã cũ, đã ít nhiều xưa khác so với bây giờ. Chẳng hạn như chuyện Hà Nội là đất văn chương: “Mười năm bút mặc giang hồ - Có về Hà Nội cơ đồ mới nên.” Bởi nhẽ: “Hà Nội là một nơi vừa tốt vừa xấu, vừa hay vừa dở, nên về đường tâm lý, cái không khí Hà Nội là thứ không khí dễ thở cho nhiều người. Nó là thứ đất bồi, nên đem đánh những giống văn nhân nghệ sĩ (giống chứa nhiều tiên nhiều quỷ nhất trong tâm hồn) đến giồng, những giống này rất chóng hoàn thổ, rất dễ đâm chồi nảy lộc.”

Gia tài sách của ông Cảnh thừa sức cung cấp tư liệu cho hàng trăm luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ. Và trên thực tế điều đó đã trở thành sự thật.

Ngôi nhà bốn tầng mặt phố, lại còn là phố cổ, nằm cách phở “tự phục vụ” Bát Đàn và café Quỳnh ngày nào (của gia đình nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh) có mấy số nhà - rõ là “đáng giá ngàn vàng,” vậy mà suốt từ năm 1983 khi ông Cảnh về hưu ở tuổi 48 đến nay, ngôi nhà vẫn cứ đứng an nhiên, lặng lẽ ở đây, với cái biển sắt cũ hơn cả dòng chữ: “Nhà sách cũ” - như thách thức những người từng gãy lưỡi thuyết phục chủ nhân cho thuê nó.

Phan Trác Cảnh đã lựa chọn gắn bó phần đời còn lại của mình với việc sưu tập sách. Rất nhiều người đã biết ơn ông vì điều đó./.

Quốc Việt (TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark