02/06/2022 | 11:34:00

Phát triển xe đạp công cộng tại Hà Nội: Nhận diện 'đối thủ cứng đầu'

Loại hình xe đạp công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước áp lực giao thông đang ngày một lớn ở các đô thị của Việt Nam, xe đạp công cộng được xem là giải pháp kiềm chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô.

Do đó, việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhất trí giao Sở Giao thông vận tải xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại 5 quận trung tâm là một trong những thông tin được chờ đợi những ngày qua.

Xã hội hóa phương tiện công cộng

Là đơn vị triển khai xây dựng đề án, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết đề án dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội sẽ triển khai theo hai giai đoạn với tổng mức đầu tư là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc hoàn vốn dự án sẽ thông qua thu phí cho thuê xe.

Cụ thể, giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2022 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 30 tỷ đồng. Giai đoạn này sẽ triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10-15 chiếc.

Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… làm sao để thuận lợi nhất cho người dân lấy xe và trả xe.

Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2024, đơn vị sẽ đầu tư thêm 3.000 xe tại 350 điểm, tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Mức phí đơn vị dự kiến người dân tiếp cận xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/giờ xe đạp cơ; giá phí cho thuê cả ngày là 50.000 đồng/ngày và hiện cũng được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh khi Công ty Trí Nam triển khai từ 15/12/2021. Đối với xe đạp điện, sau khi doanh nghiệp có cụ thể mức đầu tư cho một xe được nhập về sẽ tính toán để đưa ra mức phí cụ thể.

“Sau 3 tháng triển khai, loại hình xe đạp công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình, đã có gần 110.000 người tham gia sử dụng. Ước tính nếu như mức độ người dân sử dụng kỳ vọng tại 2 thành phố này, trong khoảng 4 năm doanh nghiệp sẽ hoàn vốn,” ông Dân tiết lộ.

Mặt khác, ông Dân cho rằng trên app (TNGO) cũng đã cài đặt hệ thống có thể kết nối với các dữ liệu phương tiện công cộng khác, chẳng hạn các xe đang di chuyển, cung đường như thế nào, người dùng có thể đi từ điểm A đến điểm B, đoạn nào đi xe buýt, đoạn nào đi xe đạp, đoạn nào đi bộ.

Đề nghị thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông qua việc bố trí mặt bằng cho các trạm đặt xe, ông Dân quả quyết ngay sau khi được Ủy ban Nhân dân Hà Nội chấp thuận, công ty sẽ bắt tay vào thực hiện và chỉ sau 2-3 ba tháng là có thể vận hành.

Thách thức lớn nhất là xe máy

Tại Hà Nội, nhiều người vốn đã sử dụng xe đạp làm phương tiện đi làm, đi chơi cũng tỏ ra hào hứng với dịch vụ xe đạp công cộng.

"Em đã biết tới dịch vụ xe đạp công cộng và thấy rằng nó rất phù hợp với các bạn sinh viên xa nhà, cần một phương tiện đơn giản, tiết kiệm để đi học, đi làm thêm. Ngoài ra, em thấy nó còn phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, họ mượn xe đạp để thăm quan, di chuyển với khoảng cách gần tới các địa điểm du lịch ở Hà Nội," Trần Lê Quốc Thắng, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Về mặt môi trường, xe đạp không tạo ra khí thải nên phương tiện này là một trong những phương thức vận tải xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Hơn nữa, người dân đi xe đạp cũng giúp cải thiện đáng kể sức khỏe...

Khẳng định phát triển xe đạp công cộng là một giải pháp trong tổng thể các giải pháp về phát triển giao thông bền vững ở các đô thị và là xu hướng tất yếu, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng phải giải quyết vấn đề hạ tầng để lôi kéo người dân đi xe đạp, đặc biệt là sử dụng xe đạp công cộng.

“Vì vậy, Thành phố Hà Nội phải phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề về phát triển giao thông đô thị bền vững; có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nhu cầu sử dụng xe đạp theo vị trí, không gian và thời gian, cho các nhóm đối tượng,” ông Tuấn khuyến nghị.

Dịch vụ xe đạp công cộng được đưa vào triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đánh giá về mô hình xe đạp công cộng, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nhìn nhận xe đạp phù hợp với cự ly 5km trở lại và sẽ rất hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, ông Thủy nhận định xe đạp công cộng sẽ vấp phải sự cạnh tranh với xe máy bởi sự sự thua kém về tốc độ, tính tiện ích. Do vậy, xe đạp chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai.

Một chuyên gia giao thông khác cũng nhìn nhận thách thức lớn nhất để thúc đẩy người dân các đô thị đó chính là xe máy. Xe máy tiện dụng, tính tiếp cận rất cao, bởi xe đạp đi ở đâu thì xe máy cũng có thể có mặt ở đó, thậm chí còn đi nhanh và xa hơn.

“Ở Việt Nam đi 200m cũng đi xe máy, một số bộ phận người dân không thích đi xe đạp. Chưa kể, thời tiết ở Hà Nội vào mùa Hè sẽ rất oi nóng, không phù hợp cho việc vận động đạp xe,” vị chuyên gia này chia sẻ.

Đưa ra bài học dịch vụ này đã triển khai ở chợ Đồng Xuân và thất bại, vị chuyên gia này cho biết muốn phát triển xe đạp công cộng, cơ quan quản lý Nhà nước phải khảo sát kỹ nhu cầu đến đâu, quy mô tối thiểu có hiệu quả thì mới thu hút được nhà đầu tư tư nhân.

Để đón bắt xu hướng, làm định hướng cho các thành phần kinh tế, Nhà nước chấp nhận bù lỗ giai đoạn đầu cho các nhà đầu tư, có như vậy mới phát triển các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark