13/02/2010 | 09:00:00

Phiên “Chợ Viềng” trong lòng phố cổ Hà Nội

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Internet)

Đã từ lâu, cứ đến 20 tháng Chạp hàng năm, tại ngã 5 Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Rươi, Chả cá, Hàng Khoai lại có một phiên chợ - đó chính là phiên chợ Tết đặc biệt của người Hà Nội với đủ món đồ cổ, đồ cũ.

Cái thú vị ở đây chính là việc cả kẻ bán lẫn người mua quan tâm đến việc kiếm tiền thì ít, mà quan tâm đến việc tụ họp, giao lưu mới nhiều.

Phiên chợ đồ cổ này đã tạo thành một nét văn hóa ngày Xuân hiếm nơi nào có được và đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của dân mê đồ cổ Hà thành mỗi độ Tết đến, Xuân về.

“Chợ Viềng” trong lòng phố cổ

Theo các cụ cao niên sống ở phố cổ, chợ có từ thời Pháp thuộc. Chợ chỉ họp một lần duy nhất trong năm. Phiên chợ này được mọi người ví như “Chợ Viềng” trong lòng Hà Nội.

Gọi là chợ đồ cổ nhưng thực chất, lúc ban đầu chỉ là nơi tụ họp để giao lưu, trao đổi của dân mê đồ cổ ở Hà Nội (cũng có số ít người chơi đến từ tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Tây cũ), và là nơi để những người có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền chi tiêu trong ngày Tết mang đồ cổ, đồ cũ của gia đình đến bán.

Dần dà, một người bán thành mười người bán, một mặt hàng thành nhiều mặt hàng, đến nay, phiên chợ có bán tất cả các loại đổ cũ, đồ cổ: tranh chữ, hoành phi thờ, bát, đĩa, chum, nậm, chóe, bằng gốm, sứ, gỗ, bạc, đồng, đá.

Tất cả thứ gì bán được đều mang ra trưng tràn trên hè phố để bán, đủ mọi chủng loại, đủ mọi công dụng, đủ mọi giá tiền, từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm, vài triệu đồng, thậm chí có món quý hiếm lên tới vài chục triệu đồng.

Nét đặc biệt của phiên chợ này là khởi sự từ nhu cầu họp của dân chơi và sưu tầm cổ vật. Vì vậy, lợi nhuận từ phiên chợ không phải là điều quan trọng nhất, mà chủ yếu là có một địa chỉ văn hóa quen thuộc để những người có chung sở thích, chung đam mê gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Người bán hàng rất ngẫu hứng, không đặt nặng vấn đề lời lãi, người mua thì chọn hàng theo chủ đề, không quan tâm nhiều đến giá trị niên đại, ý nghĩa món đồ mà mua theo ý thích, miễn là vừa mắt, hợp gu là được.

Có những người hàng ngày giữ món đồ gia bảo trong tủ kính, nâng niu, lau chùi, đánh bóng suốt cả năm nhưng lại sẵn sàng mang ra chợ bày bán la liệt trên hè phố khói bụi để bạn bè chiêm ngưỡng.

Có người ở xa, thuê ôtô chở đồ từ nhà đến chỉ để gặp mặt anh tài rồi lại trở về, ai hỏi mua cũng không bán dù giá bao nhiêu đi nữa, nhưng cũng có khi gặp người tri kỷ lại sẵn sàng trao đổi hoặc bán giá rẻ như cho không để kỷ niệm, kết bạn.

Đối với người không chơi đồ cổ, họ cũng tham gia để thưởng thức một thú chơi ngày Tết và có thể mang về được món đồ ưng ý bày biện trong nhà để đón Xuân.

Đến nay, qua năm tháng tồn tại, chợ đồ cổ không còn đơn thuần mang tính chất giao lưu mà còn là dịp tốt để người buôn bán cổ vật làm kinh tế. Vì vậy, phiên chợ hôm nay không chỉ phát triển hơn mà còn là địa điểm buôn bán tấp nập mỗi khi Tết về.

Nhưng đáng quý nhất là vẫn giữ được “cốt cách” chợ - nơi tụ họp của những người bạn có chung sở thích, chung niềm đam mê đến chợ để chia sẻ niềm vui. Cứ đến hẹn lại lên, tất cả những người đã từng tham gia sinh hoạt ở phiên chợ đặc biệt này đều không ai muốn bỏ.

Dù Tết đến với bộn bề công việc, nhưng những người đã trót nặng lòng với đồ cổ, những người kinh doanh tại chợ vẫn dành thời gian để gặp gỡ, giao lưu. Tất cả đã tạo nên một nét văn hóa Xuân cần gìn giữ và lưu truyền cho Hà Nội, nhất là khi Hà Nội đang tiến gần đến ngày Thăng Long tròn 1.000 tuổi./.

Ngọc Lan (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark