14/08/2010 | 15:38:00

Phố Đường Thành

Chùa Kim Cổ trên phố Đường Thành. (Nguồn: Internet)

Phố Đường Thành, thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố dài 468m, nối phố Phùng Hưng, góc Cửa Đông đến phố Hàng Bông.

Phố Đường Thành vốn đi qua địa phận thôn Hữu Đông Môn và thôn Kim Cổ, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương của Thăng Long-Hà Nội xưa.

Nguồn gốc tên phố

Thời nhà Nguyễn, phố là con đường dẫn tới cửa phía Nam của mang cá bảo vệ cửa chính Đông Môn (tức Cửa Đông) của thành Thăng Long, vì vậy, phố có tên là phố Cửa Thành.

Thời Pháp thuộc, phố được gọi là phố Thành (rue de la Citadelle). Sau Cách mạng Tháng Tám, phố chính thức được đặt tên là Phố Đường Thành.

Chùa Kim Cổ

Ngay giữa khu phố náo nhiệt trong trung tâm thành phố, tại số 73 Đường Thành, có một ngôi chùa cổ với cái tên “Kim Cổ cổ tự” thờ bà chúa Tấm, tên gọi thân thiết mà người dân dành để gọi bà Nguyên phi Ỷ Lan tài sắc vẹn toàn.

Chùa Kim Cổ thuộc địa phận thôn Kim Bát, sau đổi là thôn Kim Cổ, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Di tích còn có tên là Đồng Thiên quán, hay đền Kim Cổ.

Thôn Kim Cổ còn có tên là Cổ Vũ - một địa danh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long. Vào thế kỷ 11, vua Lý Thánh Tông đã xây dựng cung điện tại Kim Cổ dành cho Nguyên phi Ỷ Lan. Nguyên phi đã cho dựng quán Đồng Thiên trong khu vực cung điện. Đầu thời Tây Sơn, quán được dời sang thôn An Thái. Trên khu nền cũ, dân làng Kim Cổ đã dựng ngôi đền thờ Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Đời Tự Đức triều Nguyễn, cùng với việc mở rộng quy mô của đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, Phật giáo cũng được đưa vào thờ tại đền. Từ đó di tích có thêm tên gọi là chùa.

Ngôi chùa Kim Cổ đã được nhiều lần trùng tu. Quá trình xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích được Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Đốc học Thanh Hóa là tiến sĩ Lê Duy Trung ghi lại trên tấm bia “Kim Cổ thôn bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 13 (năm 1860).

Chùa Kim Cổ trước đây có quy mô kiến trúc lớn, hình chữ “Tam." Về sau khi người Pháp phá dỡ chùa, nhân dân địa phương đã góp tiền xây dựng lại. Hiện nay, chùa có quy mô kiến trúc nhỏ, kề sát với hè phố Đường Thành, gồm cổng vào, khu thờ tự và khoảng sân hẹp trước đền.

Cổng chùa được xây bằng gạch do các trụ biểu kết hợp với những mảnh tường nhỏ hợp thành. Bên trên cửa, lối vào làm kiểu hai tầng tám mái với các góc đao cong ngược lên. Cổ diêm giữa hai mái đắp nổi bốn chữ Hán “Kim Cổ cổ tự." Kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ “Đinh."

Hiện nay, chùa Kim Cổ còn bảo lưu được bộ di vật, minh chứng cho sự hiện diện của di tích trong lịch sử cụ thể gồm “Tám pho tượng Phật thuộc nghệ thuật thế kỷ 19, một pho tượng Nguyên Phi Ỷ Lan ngồi trong khám, một pho tượng Thánh Mẫu, tượng Thánh Chầu; ba tấm bia niên hiệu triều Nguyễn: một quả chuông đồng niên hiệu triều Nguyễn, hai hạc thờ đứng trên lưng rùa; một bức cửa võng, một bức cuốn thư chạm rồng, ba bức hoành phi sơn son, hai đôi câu đối...

Ngoài ra, di tích còn lưu nhiều đồ thờ tự khác như cây đèn, cây nến, bát hương sứ, lọ hoa. Giá trị nổi bật nhất của di tích do chính bà Nguyên phi Ỷ Lan xây dựng để làm nơi tu luyện, tham thiền học đạo của bà trong một thời gian dài trước khi gánh vác những công việc trọng đại của Quốc gia.

Chùa Kim Cổ là một trong những di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu trong hệ thống di tích tưởng niệm về Nguyên Phi Ỷ Lan ở Hà Nội và các vùng phụ cận.

Rạp Hồng Hà

Rạp Hồng Hà, số 51 Phố Đường Thành, trước đây là Rạp Olympia, một trong những rạp chiếu bóng được xây dựng đầu tiên ở Hà Nội. Ngày nay, rạp đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức giao cho Nhà hát Tuồng Trung ương quản lý, đây là địa điểm hoạt động nghệ thuật thường xuyên của Nhà hát Tuồng Trung ương và các đơn vị nghệ thuật khác có nhu cầu về địa điểm biểu diễn tại Hà Nội./.

Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark