13/03/2012 | 09:59:00

Phố Hàng Bừa và nghề rèn Hòe Thị

Phố Hàng Bừa sau đổi là phố Lò Rèn xưa nằm trên đất thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Bồ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hầu hết thợ rèn ở đây đều là người làng Hòe Thị.
 
 Huyền tích về cậu bé làng Gióng (làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vụt lớn lên cưỡi ngựa sắt, mặc áo giáp sắt, cầm gậy sắt đánh tan giặc Ân thời vua Hùng đã chứng minh sức mạnh của nghề rèn sắt ở nước ta. Thư tịch cổ cho biết có một trung tâm luyện sắt xuất hiện từ rất lâu đời, đó là làng Nho Lâm (Diễn Châu – Nghệ An), do cụ tổ Lư Cao Sơn truyền dạy nghề cho dân ở đây. Đến đời Trần, thợ rèn Nho Lâm đã đi khắp nơi lập nên những làng rèn Trung Lương, Vân Chàng…và khoảng thế kỷ 16 – 17, thợ rèn Nho Lâm còn theo chúa Nguyễn vào nam lập nên phường rèn Tam Thái – Quảng Nam. Ngoài việc rèn các công cụ phục vụ cho việc đồng áng, đồ dùng gia đình, họ còn rèn vũ khí để đánh thắng lũ giặc xâm lược. Sử sách còn chép: vào thời nhà Hồ (đầu thế kỷ 15), thợ rèn Thăng Long đã chế tạo ra súng thần cơ rất tối tân, khiến vua nhà Minh phải kính nể. Những người thợ rèn Thăng Long ấy quê gốc ở làng rèn Hòe Thị (tên Nôm là Canh), nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đầy là một làng cổ, những cư dân đến sinh sống ở đây ít nhất đã trên 2000 năm. Hòe Thị có nghề dệt vải nhỏ, tương truyền do bà Hoa Dung công chúa (thời Hùng Vương thứ 18) dạy cho, bên cạnh nghề dệt dân ở đây còn có nghề rèn khá nổi tiếng. Không biết nghề rèn đến Hòe Thị từ bao giờ, nhưng tương truyền vào thời Hậu Lê, có một người quê Thanh Hóa đưa nghề rèn vào đây. Vị đó về sau được thợ rèn của làng tôn làm tổ sư nghề. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng 5 âm lịch, dân thợ tổ chức ngày giỗ tổ rất thành kính, trang trọng, mở đầu bài văn tế có câu: “Thanh Hoa tiên sinh tự Đắc Tài…”
 
 Căn cứ theo cuốn: “Đắc tộc đại tôn lập phả” soạn năm Long Đức 4 (1735), về sau đến niên hiệu Khải Định 9 (1923) được khắc vào bia dựng tại nhà thờ họ, thì cụ tổ nghề quê gốc ở xã Cổ Định huyện Nông Cống, xứ Thanh Hóa, di cư ra sống tại làng Hòe Thị. Đến đời thứ 12 là cụ Nguyễn Đắc Thời, sinh được bốn người con trai, người con trai thứ hai là Nguyễn Đắc Danh đỗ Hương cống được bổ làm Tri phủ Thanh Hoa. Người con út là Nguyễn Đắc Tài theo anh đến nhậm sở, học được nghề rèn trở về làng mở lò và dạy nghề cho dân. Vì thế phường rèn Hòe Thị về sau đã lập nhà thờ ở xóm Chợ thờ Nguyễn Đức Tài làm tổ nghề. Trải qua thời gian đắp đổi, lại thêm chiến tranh tàn phá, nhà thờ tổ nghề bị đỏ nát, dân thợ rèn chuyển về cúng tế tổ nghề tại nhà thờ họ Nguyễn Đức.
 
 Thợ rèn Hòe Thị suốt mấy thế kỷ chuyên sản xuất nông cụ, hàng dân dụng và vũ khí. Sau mỗi mùa vụ, họ thường kéo nhau từng tốt mang lò bễ đến chợ hay những làng lân ận rèn thuê hoặc bán những hàng làm sẵn như: liềm, hái, bừa, cuốc, dao, kéo…vũ khí thô sơ để bảo vệ thôn xóm. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có thể xem đây là bước ngoặt đối với làng rèn Hòe Thị. Lúc này, do sự thâm nhập cuẩ phường Tây, Hà Nội trở thành một đô thị khá phát triển với những nhu cầu mới về xây dựng nhà cửa, công sở, đường sắt, cầu cống…kinh tế hàng hóa cũng bắt đầu khởi sắc, thợ rèn Hòe Thị đã nhanh nhạy taccsh rời nông nghiệp kéo vào Hà Nội và một số tỉnh để hành nghề và khuyếch trương nghề nghiệp làng mình.
 
 Lớp thợ rèn đầu tiên vào Hà Nội chia làm hai cánh. Một cánh (đông nhất) đến phố Hàng Bừa (sau đổi là Lò Rèn), cánh kia đến phố Sinh Từ (sau đổi là Nguyễn Khuyến, thuộc quận Đống Đa), còn rải rác một số ít hành nghề ở các phố Kim Mã, Hàng Bột, Ô Chợ Dền…Số thợ còn lại ở làng vẫn sản xuất và làm gia công cho các chủ thầu, các cửa hàng buôn ở Hà Nội.
 
 Cánh thợ đến phố Hàng Bừa (hay còn gọi là Hàng Cuốc) lúc đầu làm nông cụ như cày, cuốc, liềm, hái, dao phát bờ bán cho người các tỉnh lên Hà Nội mua. Đến phố Hàng Bừa, dù mua hàng làm sẵn hay ngồi đời rèn tại chỗ, mọi người đều yên tâm vì chất lượng đã bền lại đẹp. Sản phẩm rèn Hòe Thị tuy không phải loại hàng thủ công mỹ nghệ nhưng do ưu điểm “ăn chắc mặc bền” nên được nhiều nơi hâm mộ và đã từng được đưa tham dự Đấu Xảo tại Paris. Để đáp ứng với nhu cầu thị trường, người thợ rèn đã không ngừng cải tiến mẫu mã, sản xuất nhiều mặt hàng chất lượng cao đòi hỏi tay nghề lão luyện và tinh xảo. Ông Nguyễn Thế Tảo, chủ hiệu Thế long, người thợ rèn Hòe Thị đầu tiên ra Hàng Bừa sản xuất mặt hàng Bulông theo đơn đặt hàng của nhà Quảng Hưng Long và các nhà thầu của Pháp để làm đường xe lửa Hà Nội – Vân Nam, Hà Nội – Sài Gòn…Ngoài ra, hiệu này còn làm cửa sắt hoa, cửa xếp, bản lề phục vụ xây dựng các biệt thự công sở, các công trình văn hóa và sản xuất các công cụ cung cấp cho các ngành nghề khác nhau như khoan sắt, kìm, búa, chàng, đục…
 
 Nghề rèn ngày một phát triển, thợ rèn Hòe Thị kéo ra phố Hàng Bừa ngày một đông, 80 – 902% dân phố là người Hòe Thị, họ cùng nhau góp công, góp của xây đền thờ tổ nghề tại nhà số 1 để xuân thu hương khói tưởng nhớ công ơn người đã dạy nghề khiến cho cuộc sống người thợ ngày một ấm no, thịnh vượng. Mặt hàng sản xuất và bán ở phốn ngày một nhiều, không chỉ có bừa, hay cuốc. Vì thế phố đổi tên là phố Lò Rèn, tên phố tồn tại suốt từ thời thuộc Pháp đến tận ngày nay.
 
 Một cánh thợ khác trong đó có ông Nguyễn Đắc Nghị ra lập nghiệp ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) từ năm 1896 đặt tên hiệu là Sinh Tài (Sinh là phố Sinh Từ, Tài là tên tổ nghề). Sản phẩm dao, kéo của hiệu Sinh Tài không những nổi tiếng ở Hà Nội mà các tỉnh đâu đâu cũng tìm mua. Dao có nhiều loại, dao dép chuyên để cắt da làm giầy Khải Định hay giầy Tây, loại này lưỡi phải mỏng, cứng và sắc, dao cạo râu lưỡi thật sắc sống lại dày, dao cầu để thái thuốc đông y, dao răng cưa dùng vót đũa, dao thái thịt trong nhà, trong các hàng phở…Kéo thì có loại dùng cắt tóc, người thợ đã tạo thế để khi cắt tóc, bắn ra ngoài, không bị rơi xuống vai, xuống cổ như kéo của Pháp, kéo cắt vải dùng cho thợ may, lưỡi sắc ngọt. Tất cả sản phẩm đều được đóng dấu nhãn hiệu Sinh Từ, nhằm giữ tín nhiệm với khách hàng. Ở phố này còn có ông Nguyễn Đức Diêm, chủ cửa hiệu Sinh Lợi cũng sản xuất mặt hàng dao kéo nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Bằng những sản phẩm của mình, thợ rèn Thăng Long đã đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng của thị trường Hà Nội cũng như cả nước.
 
 Tính đến năm 1945, Hà Nội đã có vài trăm thợ rèn Hòe Thị, họ tập trung đông nhất ở phố Hàng Bừa, vì thế đây là nơi mua bán và sản xuất đồ rèn nhộn nhịp nhất Thăng Long. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, 70 thợ rèn phố Hàng Bừa mang theo gia đình gần 200 người lên vùng Chi Chủ (huyện Thanh Ba – Phú Thọ) sản xuất vũ khí như dao, mã tấu, kiếm, nòng sung, phục vụ cho bộ đội và du kích đánh giặc. Hòa bình lập lại, thợ rèn Hòa thị người trở về quê hương, người về lại phố Hàng Bừa, tiếp tục làm nghề tổ để phục vụ cho quốc kế dân sinh.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark