18/03/2010 | 13:58:00

Phố Lý Nam Đế

Phố Lý Nam Đế (Ảnh: Vũ Hưng)

Phố Lý Nam Đế với chiều dài 1,1km, từ phố Phan Đình Phùng đến giáp đầu phố Trần Phú, chạy theo chân tường phía đông thành Thăng Long thời Nguyễn, nay thuộc hai phường Hàng Mã và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Phố này mang tên Lý Nam Đế - một vị vua tài đức của Việt Nam (503 – 548). Ông đã sáng lập ra nhà Tiền Lý. Ông tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn (1), người hương Thái Bình, trấn Sơn Tây. Ông khởi nghĩa năm 542, đánh đuổi quân đô hộ thống trị nhà Lương, lên ngôi vua năm 544, xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (gần thành phố Bắc Ninh bây giờ). Sau này bị quân Lương sang đánh, ông chống không lại, lui về vùng hồ Điển Triệt (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), và bị đánh tan, lánh vào động Khuất Liêu (Tam Nông) rồi mất, ở ngôi vua được 4 năm.

Một con phố bình thường như bao phố khác ở Hà Nội nhưng có những nét đặc trưng mà chẳng phố nào có được đó là khi chúng ta nói đến phố Lý Nam Đế, không thể không nói đến “phố nhà binh” hay “phố tin học".

Vì sao gọi là “phố nhà binh?"

Trước đây, phố là nơi đóng quân của một số cơ quan đầu não của Quân đội nhân dân Việt Nam - một bộ phận quân số của quân đội đóng ở trong thành. Hiện nay, phố này còn nhiều trụ sở, nhiều cơ quan văn hóa của quân đội như Báo Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ Quân đội, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Thư viện Quân đội…

Nét nổi bật của dãy phố là cổng lớn của doanh trại Quân đội nhân dân (Cổng thành phía Đông hay còn gọi là Cửa Đông), hai bên là khu tập thể của các sỹ quan và gia đình họ. Do vậy, nhân dân và bộ đội gọi phố này với cái tên thân mật là “phố nhà binh."

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, đây là điểm xuất phát của các chuyến xe đi vào chiến trường của các nhà văn, nhà báo, đạo diễn, quay phim quân đội vào các chiến trường B, sang chiến trường C, vào khu bốn… Cũng là nơi qua lại của các đơn vị ở các quân khu, quân chủng, các tỉnh đội lên làm việc với cơ quan văn hóa thuộc Tổng cục Chính trị.

Chỉ là một con phố nhỏ nhưng có tới hai cơ quan Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chính nơi đây đã hội tụ được nhiều các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ ưu tú và nghệ sỹ nhân dân của Quân đội như Thanh Tịch, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nam Hà, Dũng Hà.

Và, vì sao lại là “phố vi tính?”

Cuối năm 1988, tại con phố này là nơi tổ chức Tuần lễ Tin học đầu tiên, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã chính thức tổ chức đại hội và văn phòng của VAIP được đặt ở phố Lý Nam Đế. Một công dân của phố Lý Nam Đế được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của VAIP là tiến sỹ Quyễn Quý Sơn, sỹ quan Bộ Tổng tham mưu.

Vì là “phố nhà binh” nên dính đến nhiều công việc cơ mật, cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, dân sự ít có điều kiện để tiếp cận. Nhiều con cái nhà binh đã tham gia làm về các lĩnh vực điện tử và máy tính.

Theo tâm lý của khách hàng khi đi mua một bộ máy tính người ta rất thận trọng, ít mấy ai dám tự đi mua mà phải qua người quen, biết về thiết bị máy tính. Chính vì thế, nhóm kỹ thuật của quân đội và con em nhà binh được tín nhiệm và làm môi giới, nên mới có đất dụng võ.  

Thay vì cho thuê cửa hàng hoặc tự kinh doanh hàng điện máy, các chủ kinh doanh con em nhà binh đã chuyển hẳn sang lĩnh vực máy tính. Chẳng ai bảo ai, các cá nhân, cơ quan có nhu cầu về trang thiết bị máy tính đều tìm đến phố Lý Nam Đế để chọn lựa cho mình những thiết bị đúng chủng loại hợp với túi tiền của mình.

Cùng với sự phát triển kinh tế và bùng nổ về công nghệ thông tin, con phố nhỏ vốn là khu tập thể của các sỹ quan trung, cao cấp quân đội và gia đình của họ này, bắt đầu nhộn nhịp về thiết bị tin học kể từ những năm 1995. Đến nay, “phố tin học” đã trở nên sầm uất với khoảng hơn 100 Công ty và cửa hàng máy tính có thương hiệu như Nhà Phân phối chíp AMD, Công ty Phát triển Tin học Hà Nội (IDC)./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark