10/10/2010 | 15:02:00

Phố Lý Thái Tổ

Phố Lý Thái Tổ. (Ảnh: Nghìn năm Thăng Long)

Hà Nội có nhiều đường phố mang tên các vị vua đã có công dựng nước và giữ nước, để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công lao của các vị vua đó.

Đặc biệt có một con phố mang tên một vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý - Lý Thái Tổ. Ông là người có công định đô, xây dựng, mở mang kinh thành, đặt nền móng cho Thăng Long, Thủ đô ngàn năm của đất nước.

Xưa kia, phố này vốn là đoạn đê cũ của sông Hồng, ranh giới giữa các thôn Tả Lâu, Trừng Thanh Hạ Kiếm Hồ, Vọng Hà (tổng Tả Túc) với các thôn Nhiễm Thượng, Hậu Bi, Hậu Lâu (tổng Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian trước gọi là phố Hàng Vôi trong. Thời Pháp thuộc đổi thành đại lộ đô đốc Courbet. Sau Cách mạng tháng Tám năm1945 mang tên phố Lý Thái Tổ.

Phố Lý Thái Tổ có chiều dài dài 882m đi từ phố Lò Sũ, nối tiếp phố Nguyễn Hữu Huân đến Quảng trường tháng Tám, cắt ngang qua phố Trần Nguyên Hãn, phố Ngô Quyền, phố Lê Lai, phố Lê Phụng Hiểu, qua Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, có chỗ rẽ vào phố Lê Thạch và phố Lý Đạo Thành.

Phố Lý Thái Tổ nằm ở trung tâm Thủ đô có mật độ dân số đông, dân trí cao, các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Những nét xưa chỉ còn trong ký ức, thực tế trên mặt phố thay đổi hẳn, hàng hóa đa dạng, phong phú sầm uất, thị trường buôn bán khá hiện đại.

Phố Lý Thái Tổ là nơi tọa lạc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ tại Việt Nam, do người Pháp xây dựng vào những năm 90 thế kỷ XIX, có tên “nhà băng Đông Dương."

Trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, chính quyền thực dân Pháp đã quản lý và phát hành tiền tệ thông qua Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội), một ngân hàng có vai trò là ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại của Đông Dương thuộc Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng bước xây dựng nền tài chính tiền tệ độc lập. Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngày nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ Việt Nam.

Năm 1996, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, ngành Ngân hàng vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngày 6/5/2006, tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, ngành Ngân hàng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý nhất - Huân chương Sao vàng.

Phố Lý Thái Tổ có một địa điểm mà nhiều em thiếu nhi biết đến đó là Cung Thiếu nhi Hà Nội đó là nơi vui chơi giải trí của lứa tuổi học trò. Thời Pháp thuộc nơi đây là hai cơ sở: Phía Bắc là Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ), còn ở phía Nam là Câu lạc bộ của người Pháp. Sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), hai cơ sở này trở thành Câu lạc bộ Thiếu nhi thành phố. Năm 1973 Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng với sự giúp đỡ của Tiệp Khắc (cũ). Công trình rộng trên 10.000m2, khánh thành ngày 19/2/1977 tại số 36, phố Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Cung Thiếu nhi Hà Nội gồm có tòa nhà trung tâm sáu tầng, với gần 100 phòng trang thiết bị hiện đại để sinh hoạt, học tập các môn kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật… Trải qua hơn một nửa thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành Cung Thiếu nhi Hà Nội luôn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ Hà Nội, của những ai đã từng đến sinh hoạt, vui chơi tại đây.

Di tích Cách mạng nhà số 38 Lý Thái Tổ (nay là Phòng truyền thống Cung Thiếu nhi Hà Nội), nơi đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là, tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, buộc thực dân Pháp phải công nhận quyền tự chủ và thống nhất đất nước của Việt Nam.

Trên phố Lý Thái Tổ bên số lẻ, đoạn Lò Sũ đi lại (số 25) có trường tiểu học Trưng Vương và Nguyễn Du, và nhiều trụ sở của các cơ quan Nhà nước: Viện văn học và Viện ngôn ngữ học (20 Lý Thái Tổ), Trung ương hội (59 Lý Thái Tổ), Chi cục dân số và kế hoạch hóa gia đình…

Du khách đến phố Lý Thái Tổ sẽ được ngắm một đường phố văn minh, trật tự, an toàn giao thông, cây cổ thụ sum xuê, đặc biệt vào mùa Hè cả đường phố tràn ngập màu đỏ của hoa phượng vỹ cùng với nhiều biệt thự sang trọng nằm ẩn mình trong những khuôn viên rợp bóng cây.

Phố Lý Thái Tổ là một trong những con phố đẹp của Hà Nội, là điểm dừng chân của du khách gần xa đến với Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark