09/07/2010 | 15:12:00

Phố Ô Quan Chưởng

Phố Ô Quan Chưởng. (Nguồn: Internet)

Phố Ô Quan Chưởng dài 80m từ đường Trần Nhật Duật đến cửa Ô Quan Chưởng, thông ra phố Hàng Chiếu, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ phố Ô Quan Chưởng có thể dẫn ra 4 phố: Hàng Chiếu, Đào Duy Từ, Thanh Hà và Trần Nhật Duật.

Phố Ô Quan Chưởng nhỏ, ít người qua lại. Trên phố chỉ có hơn chục số nhà, kinh doanh một số ít các mặt hàng.

Phố được hình thành từ thời Pháp thuộc, có tên là Rue des Nattes en joncs (nghĩa là phố Chiếu Cói), chuyên buôn các loại chiếu cói từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình chở lên

Phố được xây dựng trên nền đất phường Đông Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ, vốn thuộc tường phía Đông tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long. Toàn thành được đắp từ năm 1749. Căn cứ vào các di tích còn trong đình Thanh Hà ở nhà số 77 phố Hàng Chiếu thì năm 1817 cửa ô đã được làm lại để mở rộng đường đi. Ngày xưa sông Hồng còn chảy sát bờ đê. Ô Quan Chưởng kề bên sông. Lúc đầu ở đây bán nhiều chiếu cói, dần dà các hàng bán chiếu lui vào phía trong, chỗ phố Hàng Chiếu ngày nay.

Ô Quan Chưởng nằm ở đầu phố, là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, di tích được xếp hạng năm 1995. Ô Quan Chưởng tên chữ là “Thanh Hà Môn” (cửa Thanh Hà), được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 ( năm 1749). Đến năm Gia Long thứ ba (năm 1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay.

Tương truyền, tên gọi ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội ( ngày 20/11/1873), chúng kéo quân từ dưới tàu chiến đậu ở bến sông lên, khi bắt đầu qua cửa ô Thanh Hà thì vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân ta do một viên quan chưởng cơ chỉ huy và bị thiệt hại khá nặng. Về sau Thực dân Pháp có thêm viện binh. Kết cục quân ta từ viên Chưởng cơ cùng toàn thể binh lính gồm một trăm người đều anh dũng hy sinh. Để tỏ lòng ngưỡng mộ người Chưởng cơ anh dũng, nhân dân đổi gọi cửa ô là ô Quan Chưởng.

Cửa ô còn nguyên một cửa chính và hai cửa con hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu. Ngày xưa có lính tuần canh gác ở đây để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Bên tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm binh lính sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô.

Ô Quan Chưởng không những là một di tích của Thăng Long-Hà Nội, mà còn là chứng tích về tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của người Thăng Long- Hà nội xưa.

Ca dao về Ô Quan Chưởng có câu:

“Long Thành bao quản nắng mưa
Cửa ô Quan Chưởng bây giờ còn đây”./.

Thúy Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark