15/03/2010 | 16:09:00

Phố Pháo Đài Láng - Nơi lưu giữ hai di tích đặc sắc

Di tích Pháo Đài Láng. (Ảnh: Internet)

Phố Pháo Đài Láng, xưa thuộc đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, sau thuộc huyện Thanh Trì, đầu những năm 40 được sát nhập vào huyện Từ Liêm.

Xã Yên Lãng (Kẻ Láng) có ba thôn là Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ. Trước, phố này thuộc thôn Láng Trung. Nay, chia thành phường Láng Thượng và Láng Hạ thuộc quận Đống Đa.

Phố Pháo Đài Láng nằm trên đất phường Láng Thượng. Phố dài 600m, hình cánh cung, bắt đầu từ đường Nguyễn Chí Thanh, chỗ giao với đường Huỳnh Thúc Kháng đi qua khu di tích Pháo Đài Láng đến đường Láng ở cạnh số nhà 778.

Pháo Đài Láng do Pháp xây dựng vào năm 1940, trên 5 mẫu ruộng ở làng Láng Trung. Trong pháo đài đặt bốn khẩu pháo 75 ly, có đài chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm để đạn, hai khẩu đại liên và nhiều súng trường.

Cách mạng tháng Tám thành công, Pháo Đài Láng thuộc về quân đội nhân dân Việt Nam. Các chiến sĩ bộ đội và tự vệ xã Yên Lãng ở Pháo Đài Láng đã nhanh chóng làm chủ kỹ-chiến thuật, chuyển pháo cao xạ thành pháo mặt đất để sẵn sàng tấn công quân Pháp.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Pháo Đài Láng được vinh dự nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành (19/12/1946), mở màn cuộc kháng chiến của quân dân ta.

Ngay sau đó, Pháo đài đã lập chiến công vang dội bằng việc bắn rơi máy bay địch vào ngày 21/12/1946. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Bộ đội Pháo Đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội giam chân địch trong nội thành.

Trong những ngày này, tự vệ và nhân dân xã Yên Lãng đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ bộ đội Pháo Đài Láng chiến đấu. Ghi nhận những chiến công dũng cảm, kiên cường của quân và dân nơi đây, người ta đặt tên con phố dẫn vào pháo đài mang tên phố Pháo Đài Láng.

Pháo Đài Láng sau này trở thành di tích lịch sử cách mạng, một điểm tham quan du lịch ngay ở trong nội thành và được xếp hạng quốc gia vào năm 1993.

Khu di tích Pháo Đài Láng ngày nay, phần góc sân phía bên phải vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn. Mũi pháo lúc nào cũng hướng lên trời, luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đây là một trong hai khẩu pháo còn lại, là chứng tích cho sự mở đầu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân Hà Nội bảo vệ Thủ đô yêu dấu.

Bên trong khu di tích còn có nhà trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật quý như mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, bằng công nhận Pháo đài là di tích lịch sử-văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân pháo đài.

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ quả bom ba càng và năm đạn pháo cao xạ 75 mm, một mã tấu là vũ khí của tự vệ và bộ đội pháo đài sử dụng trong những ngày toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô.

Đây là những kỷ vật lịch sử được lưu giữ để giới thiệu với khách tham quan, là những chứng tích lịch sử để nhắc nhở thế hệ sau luôn ghi nhớ công lao của thế hệ cha anh đi trước.

Cùng với khu di tích Pháo đài, trên phố Pháo Đài Láng còn có một di tích cần được bảo vệ và gìn giữ, đó là khu đền Vườn. Sở dĩ gọi là đền Vườn vì ngôi đền này trước kia thuộc xóm Vườn, thôn Láng Trung.

Ngôi đền thờ đức Linh Lang Đại Vương. Ông là Thái tử thứ tư đời vua Lý Thánh Tông (1032-1072), mẹ là cung phi thứ chín, quê ở Đồng Đoàn, xã Bồng Lai, Đan Phượng, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngài có nhiều công lao đánh đuổi giặc Tống ở thế kỷ XI. Khi ngài hóa, được nhà vua sắc phong Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần.

Theo người xưa kể lại, đền trước là ngôi nhà ngói ba gian. Sau nhiều lần trùng tu, khôi phục, đền nay đã khá khang trang. Đối diện với số nhà 153 là cửa vào của ngôi đền.

Đền được xây bằng chất liệu bê tông giả gỗ, mặt quay ra phía Nhà Văn hóa Láng Trung. Trước đền có một giếng nhỏ, gọi là giếng mắt rồng. Phía bên trái ngôi đền là miếu hai bà (Hồng Hoa công chúa và Bạch Hoa công chúa).

Hàng năm, cứ vào mùng 9, 10 tháng Giêng lại diễn ra lễ hội truyền thống. Các hoạt động chính của lễ hội là lễ tế thần, lễ dâng hương của các cụ ông, biểu diễn văn nghệ như hát chèo, hát cải lương...

Ngoài lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, ngày 1/4, đền Vườn còn tổ chức lễ vào hè gọi là lễ Tam sinh (lễ vật gồm thủ lợn, ngan trắng và gà), đến ngày 1/7 lại tổ chức lễ ra hè.

Những ngày này không chỉ thu hút dân trong phố mà còn thu hút rất đông khách thập phương đến đây dâng hương, lễ tạ tỏ lòng thành kính.

Nay, diện mạo của phố Pháo Đài Láng đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, bên cạnh nếp sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống vẫn được người dân gìn giữ và phát huy./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark