15/03/2010 | 16:50:00

Phố Trần Nhân Tông

Hồ Thiền Quang. (Nguồn: Internet)

Trần Nhân Tông tên thật là Khâm, sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, mất năm 1308.

Danh ông thường được sách sử nhắc tới vì quân Nguyên xâm lược nước ta ba lần thì hai lần Trần Nhân Tông làm vua (có sự cố vấn của cha là Thái thượng hoàng Thánh Tông).

Năm 1284, được tin quân giặc tập trung ở Hồ Nam, Trung Quốc tới 50 vạn tên, Nhân Tông liền trao cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế, tức là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang để lo chống giặc.

Đó là một việc làm sáng suốt, vì đã phán đoán đúng âm mưu địch và còn vì đã dám dùng Quốc Tuấn ở cương vị này. Căn nguyên là giữa dòng nhà vua và dòng Trần Quốc Tuấn vẫn còn hiềm khích.

Sau chiến thắng, ở ngôi thêm 5 năm, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con (là Anh Tông) làm Thái thượng hoàng. Có lần ông tự thân sang thăm vương quốc Chiêm Thành để thắt chặt tình hữu nghị. Sau đó ông đi tu trên núi Yên Tử.

Nhân Tông đã lập ra một môn phái Phật giáo mới là môn phái Trúc Lâm. Phái Trúc Lâm muốn đáp ứng hai yêu cầu chính trị của xã hội thời đó, thống nhất dân tộc trên bình diện ý thức hệ và hạn chế sự phát triển của mâu thuẫn giai cấp để duy trì một xã hội vừa mới hòa hợp đoàn kết đánh bại kẻ thù xâm lược.

Phố Trần Nhân Tông dài 1.040m, đi từ phố Huế đến đường Lê Duẩn. Đây nguyên là phần đất các thôn kể từ Đông sang Tây là Giáo Phường. Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa, Liên Thủy, đều thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, ba thôn trên hợp nhất lại gọi là Thiền Quang.

Đối với lịch sử cách mạng, phố Trần Nhân Tông có một ngôi nhà lưu niệm ở bên dãy số lẻ, số nhà 47. Đây vốn là trạm liên lạc bí mật của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội trong những năm 1926-1929, vốn là nhà của cụ Trần Quang Huyến.

Thời Pháp thuộc, đây là phố Công sứ Miribel. Sau Cách mạng, phố đổi thành tên như hiện nay. Ở giữa phố có “nhà thương đau mắt”, bắt đầu hoạt động từ 15/1/1919.

Do nhu cầu cuộc sống, người dân phố Trần Nhân Tông đã tự phát chia ra hai đoạn, đoạn phía Đông là phố buôn bán còn đoạn phía Tây là địa chỉ du lịch.

Thời xưa đây là đất các làng Giáo Phường, Quang Hoa. Gọi là Giáo Phường vì đời Lê là nơi tập trung các ả đào hành nghề ca hát gốc từ Thanh Hóa ra, hàng năm các làng vẫn thuê đi hát hầu thánh tại đình miếu. Làng Quang Hoa là một làng làm nghề chài lưới, đánh cá bán cho dân trên phố.

Thời Pháp thuộc, người ta xóa bỏ các làng để mở phố xá. Nhiều ngôi nhà kiểu mới đã mọc lên thay nhà lá, nhà gỗ, chủ yếu cho các công chức thuê ở.

Ngày nay, suốt đoạn phía Đông, từ phố Huế đến ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi tập trung các cửa hàng buôn bán quần áo. Cả một đoạn phố 600-700m, dọc hai bên số chẵn và số lẻ là hàng trăm cửa hàng kinh doanh các chủng loại quần áo.

Khúc cuối từ ngã tư Triệu Việt Vương đến ngã tư Bà Triệu, bên dãy số chẵn là khuôn viên Viện Mắt Trung ương. Đây là một bệnh viện đầu ngành, một trung tâm nghiên cứu và điều trị của cả nước các bệnh về mắt.

Mặt chính Viện Mắt Trung ương vốn nhìn ra phố Trần Nhân Tông, song vài chục năm nay được xây dựng mở mang nhiều nên cổng chính quay ra phố Bà Triệu.

Vào thời Pháp thuộc, cả dãy phố chỉ có bệnh viện này là hoành tráng nhất nên dân ta gọi nôm na là “phố nhà thương đau mắt”.

Sang đến đoạn phía Tây thì bên dãy lẻ là trường trung học Tây Sơn, thành lập thời Pháp tạm chiếm (1948-1954) dành riêng cho học sinh nữ nên có tên là trường Nữ học Tây Sơn. Qua bên kia đường là hồ Thiền Quang.

Sở dĩ hồ có tên này vì đây là hồ của làng Thiền Quang xưa. Thiền là một nhánh của Phật Giáo cho nên cũng được dùng với nghĩa là Phật. Thiền Quang là “ánh sáng của Phật”. Thiền còn có âm là Thuyền. Có người nói làng này xưa có nghề đan thuyền nan.

Hồ Thiền Quang hồi đầu thế kỷ XX rộng gấp đôi ngày nay. Nó được mở rộng sang cả phía Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, đoạn cuối phố Quang Trung, thậm chí còn thông với hồ Bảy Mẫu.

Đối diện với hồ Thiền Quang, bên dãy số lẻ là công viên Thống Nhất, phần phía Bắc là đất đai của hai làng Quang Hoa và Pháp Hoa. Hai làng này cũng như làng Thiền Quang, đều có chùa riêng.

Những năm 1925-1926, thực dân quy hoạch lại đô thị, một mặt thu hẹp hồ Thiền Quang, một mặt giải tỏa cả ba làng ven hồ để mở các phố Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Trần Nhân Tông. Duy có ba ngôi chùa của ba làng thì quy về một cụm bên phía Tây hồ, nay vẫn còn cụm ba ngôi chùa đó, cổng chính nhìn ra phố Trần Bình Trọng.

Công viên Thống Nhất vốn được mở trên đất các làng Kim Liên (phía Tây), Pháp Hoa, Quang Hoa và Thể Giao (phía Bắc và Đông), Vân Hồ (phía Nam). Quanh hồ Bảy Mẫu vốn là nơi làng Kim Liên xưa phơi vải nhuộm nâu một thời nổi tiếng với thương hiệu “vải nâu Đồng Lầm”.

Công viên Thống Nhất bao lấy hồ Bảy Mẫu do nhân dân Hà Nội lao động suốt từ cuối năm 1958 đến giữa năm 1961 tạo ra. Năm 1980, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Lenin, công viên được mang tên vị lãnh tụ này. Tới năm 2003, tên Thống Nhất được đặt trở lại còn tên Lenin được đặt cho công viên Chi Lăng vốn đã có tượng.

Điểm cuối của phố Trần Nhân Tông là bến xe ôtô phía Nam - bến xe Kim Liên.

Bến xe giờ đã chuyển xuống Giáp Bát và nơi đây đã mọc lên một khách sạn theo phong cách Nhật, đó là khách sạn Nikko./.


(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark