13/07/2010 | 09:42:00

Phố Trần Nhật Duật

Phố Trần Nhật Duật thời Pháp thuộc. (Nguồn: Internet)

Phố Trần Nhật Duật dài hơn 800m, chạy theo hướng Bắc-Nam, dọc theo đê sông Hồng, từ phố Hàng Đậu (đầu cầu Long Biên) đến đầu phố Trần Quang Khải.

Đoạn từ cầu Long Biên đến phố Ô Quan Chưởng trước đây có tên là phố Hàng Nâu, thuộc địa phận thôn Nguyên Khiết thượng; đoạn còn lại là đất thôn Nguyên Khiết hạ và thôn Hương Bài. Cả ba thôn này đều thuộc tổng Tả Túc (sau đổi thành tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc các phường Đồng Xuân và Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thôn Nguyên Khiết thượng là quê hương của Nguyễn Đình Cáp, tác giả truyện thơ nôm “Quan âm Thị Kính” mà bấy lâu nay vẫn cho là tác phẩm khuyết danh.

Thời Pháp thuộc, nơi đây trên bến dưới thuyền tấp nập và được gọi là Bến Clémenceau. Lúc bấy giờ, luồng chính của sông Hồng chảy về phía Hà Nội chứ không vát về phía Gia Lâm như ngày nay, vì vậy đường này là một cảng sông nhộn nhịp mà trung tâm là chỗ cột đồng hồ, mọi người gọi dân dã là bến Cầu Cháy, có đò ngang qua sông.

Sau nơi đây thành nơi tụ hội thuyền bè và tàu thủy với ba bến: bến Ký Bưởi (nơi đỗ tàu của nhà doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi), bến tàu hiệu (nơi đỗ tàu của các hiệu khách Hoa kiều) và bến Sôva (nơi đỗ tàu của hãng Sôva). Cũng do thuận tiện tàu bè như vậy nên nơi đây có một cái chợ chuyên về thóc gạo, được gọi là Chợ Gạo.

Ngược thời gian vài chục năm nữa thì đây chính là cửa sông Tô Lịch, nơi qui tụ hàng hóa từ mọi ngả về Thăng Long nên chầu quanh đường Trần Nhật Duật là những phố chuyên doanh các thứ hàng do đường sông mang tới như chiếu, chum, chĩnh, vôi, mây tre, buồm, muối, mắm.

Cũng tại đường phố này, ngay khi Pháp chiếm Hà Nội, chúng đã xây Tòa thương chính để kiểm soát, đánh thuế các hàng hóa qua lại cửa sông Tô và Ô Quan Chưởng. Sau này, cũng tại nơi đây chúng cho xây một trường tiểu học mà dân chúng thời bấy giờ quen gọi là trường “Ke” (“Ke” tiếng Pháp có nghĩa là “bến”).

Trong những ngày đầu của Toàn quốc kháng chiến, giữa những giờ phút căng thẳng của chiến trường Liên khu I, trường “ke” là một vị trí quan trọng, là đầu mối liên lạc của Trung đoàn Thủ đô với bên ngoài.

Đường Trần Nhật Duật còn có 3 ngôi đình miếu cổ gồm đình Nguyên Khiết hay còn gọi là đình Hàng Nâu, ở số nhà 56, thờ thành Hoàng; đình thôn Hương Bài cũ, ở số nhà 90, thờ Nguyễn Trung Ngạn; đền Hoàng Kim, ở số nhà 148, thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo./.

Kim Yến (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark