10/12/2012 | 09:58:00

Phố phường thủ công Thăng Long - Hà Nội

Ba sáu phố phường của Thăng Long - Hà Nội xưa không còn nguyên vẹn là phố phường của Hà Nội hôm nay.

Ngày xưa phường không chỉ là tổ chức của những người cùng nghề, như phường chèo, phường mộc, phường thợ nhuộm, phường buôn, “buôn có bạn, bán có phường”….mà còn là những đơn vị hành chính cấp cơ sở. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã ghi: “Kinh đô (Thăng Long) có một phủ, hai huyện.

Phủ là Phụng Thiên, huyện là Thọ Xương và Quảng Đức. Mỗi một huyện đều có 18 phường. Đến cuối thế kỷ 18, Thăng Long vẫn giữ nguyen 36 phố phường như cũ, trong đo có phường làm nghề nông, phường thợ thủ công và phường buôn bán. Các phường làm nghề nông ít biến động về địa giới cũng như tên gọi. Ví dụ phường Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Thịnh Quang, Nhược Công (Thành Công), Kim Hoa, Đông Tác…

Còn phường buôn bán và phường thợ thủ công thì đan xen nhau và thường tập trung ở những nơi giao thông, buôn bán thuận tiện như phường Giang Khẩu (sau đổi là Hà Khẩu vì kiêng tên Trịnh Giang), nằm ngay trên cửa sông Tô (nay là khu vực phố Nguyễn Siêu, Hàng Buồm). Từ thế kỷ thứ 17 đây đã là nơi buôn bán sầm uất, nhiều thương nhân Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha, nhất là Hoa Kiều đã mở cửa hàng buôn bán và tiệm cao lâu tại nơi này. Hay như phường Diên Hưng (khu vực Hàng Ngang) cũng là nơi buôn bán đông đúc.

Những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán hay sản xuất hàng thủ công chen vai sát vách nhau tạo thành những dãy phố, mỗi phố bán một mặt hàng hoặc hành một nghề riêng biệt. Và người ta lấy luôn tên sản phẩm để đặt tên cho phố, như Hàng Thùng, Hàng Đũa, Hàng Giò, Hàng Cháo, Hàng Chè…Trong mỗi phường lại bao gồm nhiều phố, phường Đông Các có phố Hàng Bạc, Hàng Giày, Hàng Mắm…Sách “Đại Nam nhất thống chí”, Quốc sử quán triều Nguyễn Chép: “Hà Nội là Kinh đô xưa, nguyên trước có 36 phường phố, nay ở phía đông nam tỉnh thành (tức khu phố cổ hiện nay) nhà ngói như bát úp, tập trung các mặt hàng, nhân vật cũng phồn thịnh”. Cũng như nhận xét của những thương nhân và các giáo sĩ đến truyền đạo, Thăng Long – Kẻ Chợ quả là nơi đô hội, vào cuối thế kỷ 19 số dân có thể lên đến 1 triệu với 20.000 nóc nhà, vượt cả những thành phố lớn ở Châu Âu về hoạt động và về cư dân.

Dân cư sống rải khắp các phố phường Hà Nội, mỗi ph]ơngf lại có hoạt động nghề nghiệp riêng, thợ thêu chiếm cả một con đường, thợ mộc, thợ khảm, làm bánh kẹo cũng như vậy. Phố Mã Mây bàn mây song, phố Thái Cực (còn có tên gọi là Tô Tịch) bán giày dép…Mới đây ở số 38 Hàng Đào, chúng tôi đã phát hiện tấm bia “Đồng Lạc Quyen yếm thị đình” (Đình bán yếm lụa phường Đồng Lạc). Nội dung tấm bia cho biết ngôi đình và chợ bán yếm lụa đã có ở đây từ thời Lê. Sang thời Nguyễn, đình được dân làng tu bổ trở thành nơi buôn bán trang phục cho phụ nữ. Điều này cũng được ghi rõ trong sách “Đại Nam nhất thống chí”. Như vậy là Hà Nội đã xuất hiện những đình, đền do chính dân các làng nghề lập ra làm nơi thờ cúng tổ nghề, đồng thời dùng làm nơi bán sản phẩm nghề của mình như “Tú Đình thị”, chợ bán đồ thêu của người làng Quất Động (Hà Tây), Đồng Lạc Quyên yếu đình, chợ bán yếm lụa của phường Đồng Lạc…
 
 Thợ thủ công cũng như thương nhân sống rải rác trong tất cả các phố phường. Phố giàu có như Mã Mây tập trung khá nhiều nhà buôn lớn, nhất là thương nhân Hoa Kiều. Đường xá ở đây sạch sẽ, được lát đa,s giữa hơi nhô lên, hai bên có ngòi sâu và hẹp để thoát nước mưa hoặc nước cống rãnh thải ra. Phố phường Hà Nội xưa được ngăn cách với nhau bằng những cổng lớn mà bề rộng chiếm cả mặt đường, ban đêm được đóng lại nghiêm ngặt. Những chiếc cổng được xây dựng giống như bức tường bằng đá, giữa trổ cửa hình chữ nhật, có khung gỗ chắc bằng bốn xà gồ bào nhẵn. Hai xà phía trên và phía dưới của khng gỗ đục một hàng lỗ cách đều nhau. Người ta lồng vào đó hai đầu của những cây gỗ tròn, lắp song song với nhau. Những lỗ trên được đục khá sâu để có thể nhấc cây gỗ từ dưới lên trên khi muốn rút ra. Cách làm này rất tiện, có thể mở cửa thật rộng khi rút hết các thanh gỗ hoặc mở cửa hẹp khi chỉ rút một, hai thanh. Trong phố là những dãy nhà san sát, làm theo kiểu chồng diêm mà nay ta còn thấy ở phố Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào…nó vừa là nhà ở, vừa là cửa hiệu, lòng hẹp song rất sâu. Nếu chỉ quan sát mặt tiền nhỏ hẹp người ta sẽ khong ngờ bên trong lại là những căn phòng rộng, được ngăn cách bởi nhiều khoảng sân. Ở mỗi cửa hàng có biển biệu treo ngày trên quầy hàng, có thể là những tấm gỗ sơn màu đỏ hay xanh lá cây, trên đó có viết tên người sản xuất và tên hiệu dùng những mỹ tự bằng chữ Hán thật to: Phúc Hưng, Đại Lợi, Quảng Xương…Hãy thử xem quang cảnh phố Hàng Đường – Hà Nội vòa cuối thế kỷ 19: “Cạnh phố người Hoa có một con đường nhỏ lúc nào cũng đầy trẻ em thèm thuồng đứng nhìn các cửa hàng, đấy là phố Hàng Đường nơi ở của những người làm bánh, mứt, kẹo. Một loạt các đồ ngọt của người An Nam được bày trước cửa hàng, đặt trên một thứ giá làm bằng ván có bậc, kê trên chân mễ. Có hàng núi đường hoa mơ đựng trong những chiếc thúng lớn tròn. Đường hoa mơ là một sản phẩm của nước này. Ở Bắc Kỳ, người ta trồng mía trên diện rộng, nhưng người bản xứ không biết làm đường trắng tinh chế, họ chỉ làm đường cát và chỉ có hai loại. Loại thấp nhất về hình thức và mùi vị là thứ mà ta gọi là đường hoa mơ, còn đường hạng nhất có màu rất trắng kết tinh thành tinh thể nhỏ.
 
 Những người bán mứt bán cả đường phên trắng hay vàng, quả rim đường, kẹo màu nâu bên trong có hạnh nhân được thay bằng mầm lạc, hạt sen bọc đường…Họ còn bán lẻ chum chum (rượu gạo), đong bằng một muôi làm bằng nửa cái vỏ dừa có cán tre”.
 
 Về tầng lớp cư dân tiêu biểu của “36 phố phường” Thăng Long – Hà Nội là tầng lớp thị dân chủ hiệu. Họ có thể là những người thợ thủ công kiêm thương nhân, vừa sản xuất theo kiểu gia công đặt hàng cho khách, vừa bày bán một số hàng làm sẵn tại cửa hiệu. Đó là các loại thợ thêu, thợ là trống (gốc làng Đọi Tam – Ninh Bình), làm tranh, kiệu ở phố Hàng Trống, thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc, thợ khảm ở phố Hàng Khay, thợ gò ở phố Hàng Đồng…Một bộ phận là những thương nhân – chủ hiệu, chuyên buôn bán các hàng thủ công đã hoàn chỉnh hoặc bán hoàn chỉnh ở các vùng lân cận như: chủ hiệu bán tơ lụa phố Hàng Đào, chủ hiệu bán đồ gốm sứ phố Bát Đàn, Bát Sức…Sự phân biệt các loại người này thường không rạch ròi, học thường kiêm cả sản xuất lẫn buôn bán. Một số người trước kia là thợ thủ công chuyên nghiệp, sau đó lại trở thành thương nhân chuyên nghiệp. Cũng không thể quên những đại phú thương Hoa Kiều với những cửa hàng lớn ở các phố Việt Đông (Hàng Ngang, Hàng Buồm), Phúc Kiến (phố Lãn Ông)…
 
 Đến thế kỷ 19, tầng lớp thương nhân Hoa Kiều dạ vào chính sách nhượng bộ của nhà Nguyễn với Mãn Thanh, đã độc chiếm một số đường phố lớn của Hà Nội để kinh doanh, làm ăn. Lúc này Thăng Long xưa bị đổi thành tỉnh Hà Nội, “36 phố phường” xưa bị chia nhỏ thành 155 thôn trại khác nhau.
 
 Thực dân Pháp xâm lược nước ta, cùng với bộ máy cai trị thay đổi, một quy hoạch mới xuất hiện. Các đường phố mới ra đời, các phố cổ biến đổi thay thế cả những nghề cổ truyền. Những phố Hàng Gà, Hàng Thêu, Hàng Gai, Hàng Da…chỉ còn lại tên gọi. Thương nghiệp đã lấn át thủ công nghiệp bởi sự thâm nhập một cách ồ ạt của hàng ngoại. Một số phố ở chung quanh khu Hồ Hoàn Kiếm (khu trung tâm) bị “Tây hóa” rõ rệt như: Tràng Tiền, Hàng Khay, Hàng Chè…
 
 Giai cấp tư sản (dù yếu ớt) và tiểu tư sản thành thị xuất hiện đã góp phần không nhỏ làm cho bộ mặt phố phường thay đổi cả về iến trúc, thương mại cũng như nghề thủ công. Ngày nay ta vẫn xem “36 phố phương” của Hà Nội xưa là “khu phố cổ”. Ở khu phố cổ ấy trải qua những biến thiên lịch sử, dẫu tên phố có thay đổi, dẫ nghề nghiệp ở đấy không còn, song những nghề thủ công mà sản phẩm làm ra đã một thời nổi đình đám ở đó mãi mãi vẫn ăn sâu trong trái tim, ký ức người Hà Nội. Và chính điều đó đã tạo nên bản sắc riêng của phố phường Thăng Long – Hà Nội, của nghề khéo Thăng Long – Hà Nội. Hãy trở lại với một vài phố nghề mà có lẽ không người Hà Nội nào không đặt chân đến, không từng biết đến./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark